top-banner-2

Thứ hai, 14/12/2015, 15:51 GMT+7

10 phim dán nhãn 17+ ăn khách nhất năm 2015

Viết bởi An An   
Thứ hai, 14/12/2015, 15:51 GMT+7

Bị hạn chế khán giả vì chứa cảnh bạo lực, cảnh nude hay cảnh sex nhưng các phim như "Năm mươi sắc thái" hay "Magic Mike XXL" vẫn thành hiện tượng ăn khách của năm.

1. Fifty Shades of Grey

Kinh phí sản xuất: 40 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 570,5 triệu USD

Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, Năm mươi sắc thái kể câu chuyện nhiều hương vị tình dục giữa một tỷ phú ưa bạo dâm và một nữ sinh thơ ngây. Trong phim, nhân vật nam chính có những cảnh dùng khăn bịt mặt, dùng dây để trói nữ chính rồi dùng đá miết lên cơ thể khỏa thân của cô. Ngoài việc sử dụng các diễn viên đóng thế, êkíp sản xuất vẫn yêu cầu cặp sao chính nghiên cứu và học hỏi để diễn cảnh nóng cho đạt.

Phim thu về 570,5 triệu USD trên toàn cầu. Đây là con số doanh thu ngoạn mục hiếm có với một phim tình cảm dán nhãn R (dành cho khán giả từ 17 tuổi trở lên). Phim cũng là thắng lợi lớn của hãng Universal năm nay, ăn khách hơn nhiều bom tấn dành cho khán giả mọi lứa tuổi. Nhờ thành công của Năm mươi sắc thái, bộ đôi Jamie Dornan và Dakota Johnson trở thành những ngôi sao nổi tiếng không chỉ tại Hollywood. Phần hai của phim - Fifty Shades Darker - đang phát triển kịch bản.

2. Kingsman: The Secret Service

Kinh phí sản xuất: 81 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 414,4 triệu USD

Phóng tác từ cuốn truyện tranh The Secret Service của hai tác giả Dave Gibbons và Mark Millar, phim kể về một tình báo viên cao cấp phải hợp tác cùng một thiếu niên đường phố bất hảo để phá vỡ âm mưu khủng khiếp của tên tỷ phú thiên tài lập dị.

Phim được dán nhãn 17+ bởi chứa nhiều pha hành động đẫm máu, thậm chí chứa cảnh phụ nữ nude và làm tình ở tư thế lạ. Mặc dù vậy, tác phẩm thu về 128 triệu USD ở Bắc Mỹ và đạt con số 414,4 triệu USD toàn cầu. Phim cũng được giới phê bình đánh giá cao bởi câu chuyện hành động hấp dẫn và điệp viên kiểu cách, có lối quay ấn tượng và diễn xuất khó quên của tài tử Colin Firth.

3. Mad Max: Fury Road

Kinh phí sản xuất: 150 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 375,8 triệu USD

Đây là phim bom tấn của đạo diễn George Miller với kinh phí sản xuất lên đến 150 triệu USD. Bộ phim này khiến người xem chóng mặt với hàng loạt trường đoạn hành động cực đoan và trần trụi, được dán nhãn chỉ dành cho người trên 17 tuổi.

Phim do chính đạo diễn viết kịch bản, là phần bốn của loạt phim hành động hậu tận thế - Mad Max. George Miller chia sẻ ý tưởng gốc của phim đơn giản là một cuộc rượt đuổi và chiến đấu bằng chiến xa trên sa mạc cát bỏng. Cốt truyện mang tính sử thi, kể về một nữ chiến binh (Charlize Theron) và một nô lệ bị điên (Tom Hardy) tìm cách lật đổ đế chế khét tiếng khi loài người sắp diệt vong.

Tác phẩm thu về 153 triệu USD ở Bắc Mỹ, 375,8 triệu USD toàn cầu. Công chiếu lần đầu tại Cannes, Mad Max: Fury Road được các nhà phê bình và khán giả đứng dậy vỗ tay. Hồi tháng 9, phim được Hiệp hội phê bình phim quốc tế (FIPRESCI) bình chọn là "Phim hay nhất năm 2015". Siêu phẩm đang là ứng viên tiềm năng của mùa Oscar 2016.

4. Spy

Kinh phí sản xuất: 65 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 235,7 triệu USD

Spy đánh dấu sự hợp tác lần ba giữa đạo diễn Paul Feig và nữ diễn viên Melissa McCarthy, sau Bridesmaids và The Heat. Tác phẩm hài hành động này còn có sự tham gia của tài tử Jason Statham. Phim kể về một nữ nhân viên mập mạp của CIA xâm nhập vào đường dây mua bán vũ khí giết người nguy hiểm và chặn đứng thảm họa toàn cầu. Thế nhưng ngoại hình mập mạp lại khiến cô gặp nhiều rắc rối.

Phim được dán nhãn 17+ vì chứa nhiều cảnh bạo lực, cảnh nude để hở bộ phận nhạy cảm của nam giới và một số cảnh sex. Mặc dù vậy, tiếng cười sảng khoái từ phim, câu chuyện chặt chẽ cùng tương tác tốt giữa Melissa McCarthy và Jason Statham thuyết phục giới phê bình và khán giả.

5. Ted 2

Kinh phí sản xuất: 68 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 215,7 triệu USD

Đây là phần hai của bộ phim về chú gấu có cách nói chuyện tục tĩu, sống sa đọa với rượu bia, cần sa và còn rất “háu gái”. Phim đi sâu vào cuộc hôn nhân trục trặc của gấu Ted với người vợ khi họ quyết định có con. Mặc dù đã tiết chế nhiều cảnh hài hước thô tục, phim vẫn chứa một số cảnh gây cười liên quan đến sex. Tác phẩm hạn chế khán giả dưới 17 tuổi này không được đánh giá cao bằng phần một. Tuy vậy, phim vẫn đạt được 215,7 triệu USD trên toàn cầu.

6. Straight Outta Compton

Kinh phí sản xuất: 28 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 200,3 triệu USD

Dài 147 phút, Straight Outta Compton kể về thăng trầm của nhóm nhạc Rap da màu - N.W.A - từ những ngày đầu lập nghiệp tới khi ra album thành công vang dội là Straight Outta Compton. Album này là một cột mốc trong văn hóa Hip Hop, gây nhiều ảnh hưởng sau đó.

Bộ phim là cái nhìn trần trụi và gai góc về những xung đột sắc tộc và căng thẳng ở các thành phố và thị trấn của nước Mỹ. Trong phim có các phân đoạn mô tả cảnh sát đánh nhau với các ngôi sao nhạc Rap và những trận đụng độ bạo lực được mô tả đúng ngoài đời. Trong tuần công chiếu, hệ thống rạp ở những thành phố lớn khắp nước Mỹ đều thuê thêm vệ sĩ để thắt chặt an ninh và ngăn ngừa người đến rạp có thể bị kích động khi xem phim, dẫn tới bạo động.

Gây sốt trong tuần ra mắt, phim sau đó thu về hơn 200 triệu USD toàn cầu. Theo chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes, gần 90% trong tổng số 102 bài bình phim trên báo Mỹ đánh giá phim tích cực, với điểm trung bình là 7,4/10.

7. Focus

Kinh phí sản xuất: 50,1 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 158,8 triệu USD

Focus là phim thứ ba của hai đạo diễn John Requa và Glenn Ficarra. Phim đầu tay I Love You Phillip Morris dựa trên cuộc đời của nhân vật lừa đảo có thật - Steven Russell. Phim tiếp theo của bộ đôi là Crazy, Stupid, Love - có Ryan Gosling và Emma Stone thủ vai - đem lại danh tiếng nhất định cho hai tác giả. Đến Focus, hai đạo diễn kết hợp chuyện tình yêu và chuyện lừa đảo, tạo ra ý tưởng gây tò mò. Tác phẩm mới kể về một tay lừa đảo chuyên nghiệp bị dính bẫy của "học trò" cũ khôn ngoan và gợi cảm.

Để làm phim này, hai tác giả nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như nhận được sự tư vấn từ Apollo Robbins - chuyên gia móc túi và gây ảo giác Mỹ - và là người từng ăn trộm tài sản của 250.000 người.

Phim có sự tham gia của tài tử Will Smith và nữ diễn viên bốc lửa Australia - Margot Robbie. Trong phim có nhiều cảnh thân mật và tình tứ không phù hợp với người xem dưới 17 tuổi. Dù nhận khen chê lẫn lộn, phim vẫn thu về 158,8 triệu USD so với ngân sách 50,1 triệu USD.

8. Trainwreck

Kinh phí sản xuất: 35 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 139,5 triệu USD

Bộ phim hài 17+ là hiện tượng bất ngờ mùa phim hè năm nay khi được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ những chi tiết hài độc đáo. Phim là câu chuyện về một cô nàng sau khi trải qua rất nhiều cuộc tình và chán nản trong tình yêu thì gặp được một chàng trai tốt, đánh thức cảm xúc trong cô. Trainwreck có nhiều cảnh nóng khá hài hước với phần ánh sáng được dàn dựng tinh tế. Vì những pha gợi cảm "bá đạo", phim được dán nhãn hạn chế trẻ em dưới 17 tuổi.

Các nhà phê bình có chung nhận xét cây hài Amy Schumer chứng minh đẳng cấp ngôi sao khi biến hóa linh hoạt trong phim. Tác phẩm thu về 139,5 triệu USD trên toàn cầu, trong đó riêng tại khu vực Bắc Mỹ là 110 triệu USD.

9. Magic Mike XXL

Kinh phí sản xuất: 14,8 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 122,4 triệu USD

Magic Mike XXL là phần tiếp theo trong loạt phim lấy chủ đề về nghề vũ công thoát y. Phim mới tiếp tục hành trình của nhóm vũ công thoát y nam khi họ đi biểu diễn từ Tampa, Florida tới Myrtle Beach ở Bắc Carolina (Mỹ). Phim chứa nhiều cảnh nude và cảnh múa thoát y nên hạn chế khán giả dưới 17 tuổi. Cảnh gần cuối phim cho thấy Channing Tatum diễn thoát y trong cơn mưa 5.000 tờ USD thật.

Phim gây sốt trong tuần ra mắt hồi tháng 7. Gần 100% khán giả mua vé tuần công chiếu là nữ giới. Nhận khen chê trái chiều, phim vẫn thu về 66 triệu USD ở Bắc Mỹ và có tổng doanh thu toàn cầu là 122 triệu USD.

10. Get Hard

Kinh phí sản xuất: 40 triệu USD

Doanh thu toàn cầu: 111,7 triệu USD

Get Hard là phim hài dán nhãn R có màn ra mắt thành công nhất trong sự nghiệp của hai diễn viên hài - Will Ferrell và Kevin Hart. Chuyện phim kể về một doanh nhân giàu có nghĩ mình sắp phải vào tù vì tội trốn thuế. Anh ta liền thuê một người rửa xe hơi để làm thầy giáo dạy cách tồn tại 10 năm trong tù.

Lời thoại hài thô tục, các câu chửi thề, những cảnh thân mật đồng tính trong tù khiến phim bị dán nhãn 17+. Không chỉ bị chỉ trích lạm dụng các pha hài hước liên quan đến nội dung kỳ thị sắc tộc và người đồng tính, phim không được giới phê bình đánh giá cao về mặt chất lượng. Mặc dù vậy, tác phẩm thu về 90 triệu USD ở riêng tại thị trường Bắc Mỹ, cao gấp đôi ngân sách 40 triệu USD.

 Link nguồn: http://www.saodienanhviet.com/dien-anh-24h/tieu-diem/1570-10-phim-dan-nhan-17-an-khach-nhat-nam-2015.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

10 phim dán nhãn 17+ ăn khách nhất năm 2015

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc