top-banner-2

Thứ năm, 08/08/2019, 13:14 GMT+7

'Hỷ lạc từ tâm': Niềm an vui từ sự kết nối và từ bi

Thứ năm, 08/08/2019, 13:14 GMT+7

Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Tổng Giám Mục là hai bậc thầy tâm linh vĩ đại trong thời đại của chúng ta. Hỷ lạc từ tâm là cuốn sách chia sẻ những điều mà bản thân hai bậc thầy được chứng kiến và học hỏi qua cuộc đời từng trải. Cuốn sách được chấp bút bởi Douglas Abrams.

Đây không phải một cuốn sách Phật giáo hay Cơ Đốc giáo, mà là một cuốn sách phổ quát, được bao gồm không chỉ những quan điểm, truyền thống mà còn bởi các bằng chứng khoa học. Cuốn sách giúp người đọc sáng tỏ niềm hỷ lạc thực sự là gì và bằng cách nào mỗi người có thể đạt được lối sống ấy.

Tầm quan trọng của niềm hỷ lạc được Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn đạt ngắn gọn: “Một câu hỏi quan trọng đặt nền móng cho sự tồn tại của chúng ta đó là: Mục đích của cuộc đời là gì? Sau rất nhiều sự nghiên cứu, tôi tin rằng mục đích của cuộc đời là đạt được hạnh phúc. Không có sự khác biệt nào về văn hóa, giáo dục hay tôn giáo của chúng ta ảnh hưởng đến điều này. Từ trong cốt lõi sự hiện hữu của mình, chúng ta đơn giản là khao khát niềm vui và sự mãn nguyện”.

hy-lac-tu-tam-1

Nhưng niềm hỷ lạc thật khó để đạt được làm sao, nhất là khi cuộc sống tràn đầy những thử thách và nghịch cảnh. Hỷ lạc từ tâm bắt đầu khai mở vấn đề từ việc thừa nhận: “Cho dù thích hay không thích, đa số chúng ta thức dậy vào buổi sáng và suy nghĩ xem hôm nay mình sẽ phải quản lý công việc ra sao, làm thế nào để có thể kiếm đủ tiền chi trả các hóa đơn. Chúng ta bận rộn chăm sóc gia đình mình và thực hiện các trách nhiệm khác nữa. Hầu hết mọi người không khao khát về sự vĩ đại hay sự giác ngộ tâm linh, mà điều họ quan tâm là việc trả được tiền cho con cái học hành và làm sao đến lúc nghỉ hưu mà vẫn có tiền dành dụm”.

Hai bậc thầy tâm linh chỉ ra chúng ta là những sinh vật yếu ớt, mong manh. Nhưng chính từ điều đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Tổng Giám Mục khẳng định rằng nhờ vậy mà con người có khả năng đạt được niềm an vui chân thật.

Hỷ lạc từ tâm đi sâu vào làm rõ những chướng ngại của hỷ lạc. Đó là: sợ hãi, căng thẳng, lo âu, chán nản, tuyệt vọng, sầu muộn, đau lòng, thất vọng, cô đơn, ghen tỵ, nỗi đau, nghịch cảnh, cái chết. Thông qua sự diễn giải và những ví dụ sinh động của hai bậc thầy tâm linh, cũng như cách dẫn truyện của người chấp bút, ta hiểu sâu sắc hơn về những cảm xúc tiêu cực này, nắm được bản chất của chúng.

Ta sẽ hiểu: “Sự căng thẳng và lo lắng thường xuất phát từ việc kỳ vọng quá nhiều, tham vọng quá lớn”. Hay: “Ẩn chứa đằng sau sự tức giận chính là nỗi sợ hãi: nỗi sợ rằng chúng ta sẽ không có được những gì chúng ta mong đợi, sợ rằng chúng ta không được yêu thương, chúng ta không được kính trọng, sợ rằng chúng ta sẽ không được quan tâm”. Hoặc sẽ thấm thía: “nỗi buồn đau chính là lời nhắc nhở về chiều sâu của tình yêu thương trong mỗi chúng ta. Không có yêu thương thì sẽ không thấy đau buồn”. Và để biết trái tim rộng mở – tấm lòng từ ái – là thuốc giải độc cho nỗi cô đơn. Và giải pháp hiệu quả đối với tâm ghen tị, đó là lòng biết ơn, động lực phấn đấu để phát triển.

hy-lac-tu-tam-2

Các bậc thầy tâm linh cũng đưa ra tám nền tảng của niềm hoan hỷ – gồm có bốn trụ cột của tâm thức và bốn trụ cột của trái tim. Bao gồm: góc nhìn, sự khiêm tốn, hài hước, chấp nhận, tha thứ, biết ơn, từ bi, quảng đại. Mỗi nền tảng trước là bậc thềm để nền tảng sau được hình thành. Bằng cách buông xuống cái tôi và biết sống vì người khác hơn mỗi người sẽ thêm cho mình những góc nhìn để nhìn nhận rộng mở sự vật sự việc. Từ đó, mỗi người biết khiêm tốn, biết tự cười chính mình, tiến tới từng bước để xây dựng nên lòng từ bi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Từ bi với bản thân chính là từ bi đối với con người yếu đuối và khiếm khuyết trong ta, và nhận ra rằng chúng ta cũng dễ dàng bị tổn thương và bị giới hạn như tất cả mọi người. Kết quả là từ bi với bản thân sẽ trở thành một cơ sở nền tảng để bạn có thể phát triển lòng từ bi dành cho người khác”. Và chính từ bi sẽ giúp cho một người trở nên quảng đại.

Từ bi là bản chất có sẵn của con người. Tuy nhiên lòng từ bi cần khơi gợi và nuôi dưỡng. Bằng cách cho đi, sống cho người khác, trong khi nhận thức đầy đủ về chính mình và yêu thương bản thân chúng ta có thể sống được cuộc đời mãn nguyện và vui sướng.

Đơn giản nhưng thâm sâu, Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Tổng Giám Mục đúc kết, nguồn hạnh phúc tối thượng chỉ đơn giản là một cơ thể khỏe mạnh và một trái tim ấm áp, đại hỷ lạc là khi chúng ta tìm cách đem lại lợi lạc cho người khác.

Trong thế giới mà: Tất cả mọi người đều kiếm tìm hạnh phúc, niềm vui, nhưng lại tìm chúng ở những điều kiện bên ngoài như tiền bạc, quyền lực, nhà đẹp, xe sang. Hầu hết chúng ta chẳng để ý gì đến cội nguồn sâu thẳm của một cuộc đời hạnh phúc, là thứ nằm ở bên trong chứ không phải bên ngoài. Ngay cả nguồn gốc của sức khỏe thể chất cũng nằm ở bên trong chúng ta, chứ không phải ở bên ngoài. Hỷ lạc từ tâm như một tiếng chuông góp phần cảnh tỉnh để mỗi người biết dừng lại cuộc đua giành giật vật chất, biết nuôi dưỡng tâm hồn mình, biết đâu là lối sống đúng để có thể được an vui.

hy-lac-tu-tam-3

Cuốn sách không phải là một bảng kinh thuyết, mà là những trao đổi thân tình, cởi mở giữa người chấp bút và hai bậc thầy cũng như giữa chính hai bậc thầy với nhau. Bối cảnh của cuốn sách là cuộc gặp mặt giữa hai trưởng lão tâm linh, một cuộc viếng thăm thân tình, với sự nghịch ngợm, trêu chọc nhau hồn nhiên và tràn ngập lòng biết ơn, thương mến.

Với Hỷ lạc từ tâm, người đọc không chỉ biết được thêm một con đường luyện tâm cho chính mình, mà còn biết được chân dung chân thật và đời thực của hai bậc thầy tâm linh. Để hiểu rằng, vời lòng từ bi, mỗi con người đều giống nhau và đều có cơ hội để sống cuộc đời hỷ lạc.

Tác giả

Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, Tenzin Gyatso, là người vẫn tự mô tả mình như một tu sĩ Phật giáo bình thường. Ngài là vị lãnh tụ tinh thần của người dân Tây Tạng và của Phật giáo Tây Tạng. Ngài đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989 và Huy chương Vàng của Quốc hội Hoa Kỳ năm 2007.

Ngài Desmond Mpilo Tutu, là Tổng Giám Mục Danh Dự của Nam Phi, người đã trở thành nhà lãnh đạo xuất chúng trong chiến dịch vận động cho công lý và hòa giải chủng tộc ở Nam Phi. Ngài đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1984 và Huân chương Tự do của Tổng thống năm 2009. Năm 1994, Ngài Tutu được Tổng thống Nelson Mandela bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Nam Phi.

Douglas Abrams là một tác giả, biên tập viên và là một đại lý bản quyền tác giả. Anh là người sáng lập và cũng đồng thời là chủ tịch của Idea Architects – một cơ quan truyền thông và ấn bản sáng tạo giúp những người có tầm nhìn tạo ra một thế giới thông thái hơn, khỏe mạnh hơn và công bằng hơn. Doug đã cộng tác cùng Ngài Desmond Tutu với tư cách là đồng tác giả và một biên tập viên trong suốt hơn một thập kỷ.

Sách được phát hành Gian hàng sách Saigon Books, đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận1, TP.Hồ Chí Minh và các nhà sách trên toàn quốc.

Thông tin sách:

-Tên sách: Hỷ lạc từ tâm do Saigon Books và NXB Đà Nẵng ấn hành

-Tác giả: Desmond Tutu, Douglas Abrams, Tenzin Gyatso

-Số trang: 432

-Khổ sách: 14x20.5

-Giá bìa: 150.000

CÔNG TY CỔ PHẦN VĂN HÓA SÁCH SÀI GÒN

MN

* Nội dung được Trường Sơn Media thực hiện theo GPKD


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

'Hỷ lạc từ tâm': Niềm an vui từ sự kết nối và từ bi

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc