'Doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần sức chiến đấu!' |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ hai, 02/02/2015, 10:48 GMT+7 |
“Nếu ai thương quê hương, thương tổ quốc, hãy bảo vệ người giàu một cách chính đáng thì nền kinh tế mới phát triển tốt được”, người từng là Chủ tịch Pepsico việt nam, ông Phạm Phú Ngọc Trai nói. Là một trong số hiếm hoi những lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Phạm Phú Ngọc Trai từng dẫn dắt PepsiCo qua mặt Coca Cola tại Việt Nam, được giới doanh nhân nhắc đến như một biểu tượng về quản trị, marketing, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp... Từ năm 2010, ông chính thức chuyển sang công việc của một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam, với việc cùng các cộng sự sáng lập Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC). M&A chỉ là mối đe doạ, nếu… * Là một nhà quản trị có kinh nghiệm toàn cầu, ông nghĩ gì khi hàng loạt thương hiệu lớn của Việt Nam như Kinh Đô, Nguyễn Kim, Metro… đã chọn cách “bán mình” trong thời gian vừa qua? Mua bán - sáp nhập (M&A) nếu nghĩ tích cực thì cũng rất tích cực, nhưng nếu nghĩ tiêu cực thì cũng rất tiêu cực. Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hội nhập, các doanh nghiệp dựa vào chính sách Nhà nước để phát triển, nhưng hiện trạng thì thế nào? Tại sao hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng cửa và phá sản, trong khi doanh nghiệp FDI lại phát triển? Chúng ta vẫn tự hào là xuất khẩu chưa bao giờ phát triển như vậy, biểu hiện tốt cho nền kinh tế thị trường khi vượt qua cơn sóng về khủng hoảng tài chính, nhưng khối FDI lại chiếm 70% giá trị xuất khẩu. Nhìn lại tất cả các chỉ số tăng trưởng tín dụng có vẻ tốt, nhưng đầu ra không có. Từ đó có thể thấy rõ năng lực cạnh tranh, đóng góp vào những chỉ số kinh tế vĩ mô thuộc về khối FDI. Việc tiếp nhận sự đổi mới và nền kinh tế hội nhập cho thấy để cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, bước hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam khá khiêm tốn, rủi ro quá lớn bên cạnh thuận lợi. * Khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết, liệu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn khó khăn hơn nữa? Khi thuế quan giữa 10 nước ASEAN về gần số không, thị trường đâu phải 90 triệu dân, mà là 600 triệu dân. Trong khi khối FDI thích ứng ngay, thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam lại không tương xứng với hội nhập. Ngành mía đường là một thí dụ, khi biên giới được dỡ bỏ, Thái Lan sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị trường đường cho thực phẩm nước uống, doanh nghiệp Việt Nam có đủ lớn mạnh để theo cuộc đua này không? Một vấn nạn nữa là Việt Nam chưa có đầu tàu thực sự. Nếu những công ty lớn có điều kiện gộp lại thành chuỗi giá trị có thể cạnh tranh với thế lực khác bên ngoài. Nhưng rất khó để ngồi lại cùng nhau, nên đành phải bán. Không trách họ được, vì giá thành nếu không có quy mô lớn sẽ không thể cạnh tranh về chi phí. Thứ hai là nguồn vốn của mình không phải vô tận, vì phần lớn đều xuất phát từ công ty gia đình sau đổi mới 20 năm. Phải chuyển dần từ quy mô gia đình sang công nghiệp. Sự phân tán này ngày càng thành mối đe dọa khi Việt Nam có những nhà đầu tư lớn nhảy vào, họ đa phần là những công ty đã trưởng thành hàng trăm năm, những công ty nhỏ có nguồn tài chính dồi dào từ công ty mẹ, về quản trị cũng có kinh nghiệm hơn mình, ngay cả Thái Lan cũng vậy. Chúng ta chưa thể độc lập để phát triển mạnh. Cơ hội lớn nhưng rủi ro cũng quá lớn. * Một nguyên nhân không nhỏ nữa là năng suất lao động? Năng suất lao động của Việt Nam kém Singapore 18 lần. Nguyên nhân không phải do lương, lương thấp hay cao do năng suất lao động. Lãnh lương cao mà hiệu suất lao động thấp cũng không thể tồn tại. Ưu thế “lao động rẻ - hiệu quả” cần phải xem lại. Khối FDI phát triển như vậy, nhưng nghiên cứu về nhân sự lúc nào cũng thiếu 15-16%. Người tài sẽ bị thu hút vào khối FDI vì trả lương cạnh tranh hơn. Mặt yếu này nếu không cải thiện được thì không thể thay đổi với môi trường làm ăn xung quanh * Điều này sẽ đưa tới M&A sẽ còn tăng rất nhiều so với các năm trước? Đó là xu hướng tích cực, vì không thể để một bộ phận yếu làm yếu cả cơ thể, đặc biệt là ngành ngân hàng. Nhà nước chủ trương sáp nhập các ngân hàng yếu để làm cho tính hệ thống mạnh, tạo năng lực cạnh tranh sâu và rộng, tạo đối tác. Tôi ủng hộ điều này, nhưng có một lúc chúng ta quan niệm không đúng, cho là “thôn tính”. Masan nếu không mua các doanh nghiệp lớn như vậy thì làm sao tạo hiệu quả kinh tế nhờ chi phí giảm. Nên chăng doanh nghiệp phải dấn thân, có đối trọng với những tập đoàn lớn, để kéo ngành lên. Tư duy kinh tế tư nhân phải thay đổi, trong khi họ đóng góp vào nên kinh tế đâu có nhỏ. Nên duy trì chính sách tốt cho FDI phát triển, nhưng phải có sự đối trọng cân bằng với doanh nghiệp trong nước chứ. Không nên nhìn thị trường 90 triệu dân nữa. Mở biên giới này ra phải cạnh tranh với thị trường 600 triệu dân chứ. Chúng ta vẫn còn tư tưởng không thích người giàu. Khối FDI thấy bất cứ chính sách nào không hợp lý thì các tổ chức hiệp hội liên lạc lập tức với Chính phủ để đưa ra kiến nghị. Người ta bảo vệ doanh nghiệp rất tích cực. Còn doanh nghiệp Việt Nam khi gặp bất công đối thoại với Chính phủ rất khó khăn, không thể “đi” bằng con đường chính thức mà chỉ nhờ “mối quan hệ cá nhân”. Cách làm này in hằn trong nếp nghĩ doanh nghiệp, rõ ràng là bất công. Chúng ta vẫn chưa có một chính sách xuyên suốt để bảo vệ, cái nhìn vẫn có khoảng cách với kinh tế tư nhân. Tất nhiên chuyện “cá lớn nuốt cá bé” sẽ gây âm hưởng tiêu cực đến các công ty nhỏ. Một bên các ông chủ lớn có cái nhìn chủ quan, không muốn hợp tác với ai. Một bên không sống được, đưa tới khủng hoảng, phá sản. M&A một mặt là bơm tài chính, một mặt là mang cái mới vào, quy luật đó đúng chứ không sai. Đừng “kết tội” làn sóng nước ngoài vào thôn tính, quy luật đó do chính mình đặt ra chứ không ai khác. Nhưng do chúng ta chưa có cái nhìn tốt về hội nhập, chưa ý thức rõ về những đe dọa của hội nhập. Theo khảo sát, 70% doanh nghiệp không có kiến thức gì về hội nhập, 30% có biết nhưng không sâu. Để doanh nghiệp trong nước dần lụi tàn hay phát triển tiếp, là câu hỏi với chính Nhà nước. Đừng định kiến với người giàu chính đáng * Ông vừa đề cập đến chuyện Việt Nam thiếu những đầu tàu thực sự vì chúng ta không chịu ngồi lại với nhau, vậy vai trò của Nhà nước ở đâu trong chuyện này? Về khách quan không thể trách, mình đặt cho người ta luật chơi mà. Do chúng ta chưa đủ năng lực, khi chơi người ra sẽ lấn át mình. Ngành bán lẻ Việt Nam doanh số hàng tỷ USD, nhưng đằng sau nó chỉ có bản thân một công ty. Giúp cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng vẫn giữ sự công tâm với kinh tế thị trường vẫn là vai trò của Nhà nước. Việc phát triển phải được đồng bộ với chủ trương lớn về bảo hộ. Phải thấy khối tư nhân trong nước chưa có chính sách phù hợp, nên lực lượng còn quá manh mún và lẻ tẻ. Các nước vào đây có lợi thế mạnh về tài chính, về quản trị. Nếu chúng ta không mạnh dạn biến xu hướng thành tích cực, M&A sẽ trở thành đe dọa. Hết sức hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân không bằng khẩu hiệu mà phải cụ thể bằng thực lực ngành trọng điểm. Bảo vệ kinh tế vĩ mô bằng doanh nghiệp dẫn đầu ngành không phải là "ơn mưa móc", vì nước ngoài tích lũy tư bản lâu rồi, Nhà nước phải có chủ trương mạnh dạn đảm bảo cho doanh nghiệp dẫn đầu cạnh tranh được cân bằng trong thời gian tới đây. Mình ủng hộ thì có nhưng bảo vệ thì không có. Sự gắn kết của Nhà nước và những tiếng nói hiệp hội còn yếu lắm, không đại diện được quyền lợi của doanh nghiệp. Cuối cùng, kinh tế tư nhân đã khó sẽ khó hơn. Ngay bản thân doanh nghiệp cũng phải ngồi lại để thấy những đầu tàu. Đừng nghĩ mình là ông chủ, có quyền phán xét chuyện mình theo con mắt chủ quan, không đứng trên lợi ích ngành. Trong mảng thức ăn nhanh có Masan và Kinh Đô, nếu Kinh Đô được bảo hộ thì chắc gì đã phải bán mình? Tôi nhớ khi Hàn Quốc gặp khủng hoảng, người dân bán cả đồ đạc để cứu nền kinh tế trong nước. Người ta đoàn kết lại để cùng sống, để có lượng tiền mặt giải quyết khó khăn. Còn mình thì khó lắm, nếu có sự hỗ trợ doanh nghiệp nào đó thì nghĩ không trong sáng. Đó là trách nhiệm của Nhà nước với những doanh nghiệp làm ăn tốt. * Trung Quốc cũng từng có chính sách bảo hộ cho các thương hiệu đầu ngành để tiến ra toàn cầu một cách hiệu quả? Cái nhìn về doanh nghiệp tư nhân của người ta khác mình, dù thể chế có những điểm tương đồng. Công ty Alibaba nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sao làm được như vậy. Trung Quốc có điều kiện đầu tư cởi mở thật sự và tạo kích thích rất lớn cho kinh tế tư nhân, nhất là những tập đoàn giàu có. Đối tác của Pepsi, Coca ở Trung Quốc đều là tư nhân. Số tỷ phú Trung Quốc giàu lên rất nhanh nhờ đi cùng chính sách phát triển của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh của Trung Quốc đã nâng lên nhờ doanh nghiệp tư nhân. Rõ ràng chúng ta không còn những ông chủ đầu ngành có chính kiến, có người bức xúc lắm nhưng đâu dám đưa ra kiến nghị thẳng thắn với chính phủ, họ ngại khoảng cách giữa Chính phủ và tư nhân lớn quá. Lực cản vô hình đó cho thấy những doanh nghiệp có “thế lực" lớn dễ tồn tại hơn. Nên chăng Chính phủ phải quan tâm doanh nghiệp đầu ngành để hỗ trợ thường xuyên, giữ thế mạnh trong những ngành trọng điểm? Đừng nhìn đó là mất mát, mà phải coi đó là quy luật. Nhìn một cách khách quan, thấy các doanh nghiệp đầu ngành chưa chịu ngồi lại với nhau, vai trò này chỉ có Nhà nước làm được. * Ông nghĩ gì khi khá nhiều doanh nhân tỏ ra nản chí và tìm đường ra nước ngoài sinh sống? Về lý trí, tại sao các doanh nhân ấy không còn cam kết đầu tư tiếp tục ở nơi họ sinh ra? Tâm lý cảm thấy không an toàn là phổ biến, vì rủi ro nhiều quá trong chính sách. Thứ hai là bức tranh về tương lai, về môi trường làm ăn cho người ta thấy chưa có ánh sáng, còn mơ hồ. Đó là thực tế. Một nguyên nhân nữa, có người vẫn còn tình cảm níu kéo, nhưng biết nếu tiếp tục chắc chắn sẽ mất tài sản, không sẵn sàng chiến đấu, thôi đành an phận thủ thường. Số tiền nằm trong dân nhiều quá, đó là hệ quả đáng lo. Điều này giải thích người ta chưa sử dụng đồng tiền để đầu tư, sức mua yếu, giá có tốt cũng không thể vì lực mua thấp. Hàng nhập về nhiều như thế, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần sức chiến đấu! Nếu doanh nhân không còn dấn thân nữa, thì đó là điều trái với tính cách của họ. Doanh nhân phải máu lửa thì nền kinh tế mới phát triển, nếu không còn những cú hích đột phá thì nền kinh tế chỉ có đi xuống. [Xem thêm] Để thành công, giới trẻ phải “máu lửa” nhưng phải biết cách chậm lại Nên chăng tất cả mũi nhọn đầu ngành phải được bảo vệ bằng chính 90 triệu người dân, Nhà nước và các doanh nghiệp? Đừng chờ phép màu nhờ nền kinh tế khác cho mình cuộc sống giàu có. Hãy quý và trân trọng những doanh nghiệp dẫn đầu, đừng coi họ là "đại gia”. Hãy kêu gọi tinh thần bảo vệ thương hiệu dẫn đầu như tài sản quốc gia như Kinh Đô, Thép Pomina, Hòa Phát, Tôn Hoa Sen… Nhà nước và người dân đừng định kiến với người kinh doanh trở nên giàu có. Nếu ai thương quê hương, thương Tổ quốc, hãy bảo vệ người giàu một cách chính đáng thì nền kinh tế mới phát triển tốt được. Từ xu hướng M&A, đừng nguyền rủa bóng tối, chính mình dẫn mình vào con đường đó rồi, mở cửa phải chấp nhận chứ, quan trọng là sự đối phó, thích ứng. Đạo đức kinh doanh sẽ bảo vệ doanh nghiệp * Thưa ông, hội thảo thường niên của GIBC ngày 5/2/1015 tới đây với chủ đề “Doanh nghiệp Việt - Hội nhập kinh tế thế giới giai đoạn mới” phải chăng cũng chính là để giúp doanh nghiệp quản trị sự thay đổi, chuẩn bị năng lực cần thiết trong bối cảnh hội nhập mới hiện nay? Đam mê của tôi bây giờ chính là chia sẻ những gì mình tích lũy được trong quá trình kinh doanh và hội nhập, giống như mình được tận hưởng. Chẳng hạn, lớp IBA (Integrated Business Administration - Quản trị kinh doanh hội nhập) là chương trình đào tạo do GIBC và Khoa Thương mại - Du lịch - Marketing thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hợp tác, nhắm đến cấp lãnh đạo, cấp quản lý trung và cao, với mục tiêu cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập mới. Tại chương trình này, chúng tôi quy tụ nhiều giảng viên uy tín, nhiều năm kinh nghiệm tại các trường đại học lớn và các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các vị lãnh đạo hiện đang công tác tại những tập đoàn đa quốc gia. Hội thảo thường niên 2015 của GIBC mà chị vừa nhắc chính là nằm trong chuỗi các hoạt động mở rộng của chương trình IBA. Ngay khóa 1 đã có 35 học viên từ gần 20 công ty trong nhiều ngành khác nhau: Bất động sản, Du lịch, Nông nghiệp, Hàng tiêu dùng nhanh, Thương mại, Thực phẩm chức năng... Doanh nhân sẽ được học về hội nhập, về kinh tế vĩ mô một cách thực tiễn nhất. Mô hình này giúp doanh nghiệp biết mình ở đâu trong kinh tế vĩ mô, biết quản trị theo cách toàn cầu, bên cạnh đó là đào tạo tính dấn thân của người lãnh đạo. Tôi tâm đắc mô hình này lắm, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nhất là khi vẫn còn không ít doanh nhân đang theo đuổi sự ngắn hạn, cho rằng doanh số vài chục vài trăm tỷ là đủ. Họ chưa hiểu những điều phải học cần hơn việc bán hàng... * Làm thế nào sau khi ông ra đi, PepsiCo vẫn giữ được truyền thống kinh doanh vì cộng đồng, với những chuyến đi từ thiện đều đặn suốt 20 năm qua, dù bây giờ đã có thêm một ông chủ mới là Suntory Nhật Bản? Từng xây dựng cho PepsiCo Việt Nam một nền tảng vững chắc dựa vào những chuẩn giá trị đạo đức kinh doanh: Quan tâm tới khách hàng, người tiêu dùng và môi trường chúng ta đang sống; Chỉ bán những sản phẩm mà chúng ta tự hào về nó; Phát biểu một cách trung thực và vô tư; Cân đối giữa những thành quả ngắn hạn và chiến lược dài hạn; Chiến thắng bằng sự đa dạng và không phân biệt đối xử; Tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau thành công... Tất cả đã trở thành văn hóa mang đậm tình người của PepsiCo. Kinh doanh nhưng không quên đi nét văn hóa tình nghĩa và đạo đức của người Việt Nam, điều đó làm nên chất keo kết dính những thành viên trong công ty suốt nhiều năm qua. Hơn 20 năm qua, tôi rất vui khi những chuyến đi từ thiện hàng năm của PepsiCo và những người bạn vẫn được duy trì, có thêm nhiều người trẻ như Hà Anh Tuấn, Kasim Hoàng Vũ... tiếp nối những gương mặt thân quen đã ra đi như anh Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà báo Võ Như Lanh... Xuyên suốt trong quá trình kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và những giá trị đạo đức kinh doanh phải được đưa vào như một điều kiện bắt buộc để kinh doanh bền vững, đúng đắn. Khi mình làm được điều đó, thì chính người dân sẽ bảo vệ doanh nghiệp trong mọi rủi ro. Anh em nhà báo, nghệ sĩ và doanh nhân gắn bó với chương trình không phải vì cá nhân tôi, mà vì chuỗi giá trị mà mình tâm đắc đó đã được công nhận, chia sẻ. Tôi mong ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia vào. Chính các bạn trẻ mới là người dẫn dắt con đường của doanh nghiệp. Tăng trưởng 20% của PepsiCo trong năm 2015 không phải chỉ nhờ bán hàng đâu, mà nhờ những giá trị bền vững mà người dân đã ủng hộ, mua hàng, như miền Tây, miền Trung... Văn hóa chính là giá trị lớn hơn tiền bạc, đó là sự khác biệt. Theo Diễn đàn Đầu tư Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|