Câu thần chú của ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn: ‘Mặt bằng, mặt bằng và mặt bằng’ |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ năm, 25/09/2014, 14:44 GMT+7 |
‘‘Một nguyên nhân vô cùng quan trọng khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa ra được '’biển lớn' là mặt bằng kinh doanh’’.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP. Đó là một trong những đúc rút của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP, tại buổi đối thoại với chủ đề “Một tầm nhìn – One vision” trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam CEO Forum 2014 với chủ đề “CEO 3.0: Bước đi nào cho cuộc chơi mới?” diễn ra chiều 24/9/2014. ''Vì sao các thương hiệu thời trang Việt Nam chưa vươn ra khu vực và thế giới?'' Câu hỏi này được gửi đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn trong bối cảnh Việt Nam đã và đang gia công nhiều sản phẩm hàng hiệu nước ngoài, cũng như chuẩn bị hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, hướng đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trả lời câu hỏi trên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người đã mang rất nhiều thương hiệu thời trang tên tuổi của thế giới vào Việt Nam, cho rằng: ''Điểm yếu của các thương hiệu thời trang Việt Nam là thiếu sự sáng tạo trong thiết kế và sự đảm bảo về chất lượng’’. Theo ông Hạnh Nguyễn, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ thiết kế trang phục cho người Việt, phù hợp với vóc dáng nhỏ bé của người Việt, với màu sắc mà các nhà thiết kế trong nước cho là đẹp. Trong khi đó, các nhà thiết kế tên tuổi của những thương hiệu lớn, họ thiết kế các sản phẩm đẳng cấp, dành cho hàng tỷ người. Thiết kế của họ dù có bị sao chép, nhưng chất lượng không thể bằng được hàng thật. ‘’Các thương hiệu nổi tiếng thế giới hiện nay đều đã có tuổi đời hàng trăm năm, họ cũng từng đã ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh mới có được thành công hôm nay. Do đó, mỗi sản phẩm hàng hiệu khi đưa ra thị trường đều đóng dấu thương hiệu lên đó, nên nếu sản phẩm gặp một lỗi nhỏ cũng sẽ bị hủy để bảo vệ uy tín thương hiệu đối với khách hàng. Nhưng với doanh nghiệp Việt, hàng lỗi một chút cũng có thể cho qua, dẫn đến hàng gửi giao gia công còn bị trả lại, chưa kể sản phẩm tự sản xuất để bán ra nước ngoài''. Bởi vậy, dù nhiều sản phẩm hàng hiệu danh tiếng thực tế được gia công ở Việt Nam, nhưng những người kiểm soát chất lượng (recheck) luôn là nhân sự của công ty nước ngoài. Họ kiểm tra hàng lỗi, sẵn sàng bỏ đi 5-10% sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Theo ông Hạnh Nguyễn, một nguyên nhân vô cùng quan trọng khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa ra được ‘’biển lớn” là giải quyết vấn đề mặt bằng kinh doanh. ‘’Mấu chốt của kinh doanh ra quốc tế là mặt bằng – mặt bằng – mặt bằng”, ông Hạnh Nguyễn đúc kết. Một thương hiệu lớn, doanh nghiệp sở hữu nó đủ tiềm lực tài chính để đầu tư mở cửa hàng ở nước ngoài, thuê nhân sự giỏi ở địa phương, thuê những mặt bằng tốt, vị trí đẹp, dù giá cao cắt cổ. Trong khi với doanh nghiệp Việt, muốn đầu tư mở cửa hàng ở các trung tâm thời trang, mua sắm như Hong Kong hay Paris, tiền thuê mặt bằng sẽ rất khủng khiếp, doanh nghiệp Việt khó lòng đầu tư lâu dài được. Nghịch lý là, ở các quốc gia khác, tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu chỉ vào khoảng 10 - 12 %, còn ở Việt Nam, tỷ lệ này lên đến 32 - 38 %. Những vị trí đẹp đều có giá thuê mặt bằng quá cao, khiến doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn, khó cạnh tranh với doanh nghiệp lớn của nước ngoài, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ không trường vốn. Bởi giá thuê quá cao nên cùng một thương hiệu, tỷ lệ lãi trên doanh thu từ các shop ở Việt Nam vào khoảng 5-7 % trong khi các chi nhánh quốc tế khác lên đến 20 - 25 %. Theo Infonet Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|