top-banner-2

Thứ sáu, 03/05/2019, 09:20 GMT+7

Nữ tướng FPT Retail ghét câu 'Trương Gia Bình không thể thay thế'

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ sáu, 03/05/2019, 09:20 GMT+7

Bà Bạch Điệp cho rằng nhờ công nghệ, giờ không còn chuyện cá lớn nuốt cá bé, mà bất kể con cá nào cũng có thể làm nên chuyện.

"Cơ hội cho phụ nữ Việt Nam chưa bao giờ lớn hơn hiện tại", Cindy Hook, Tổng giám đốc (TGĐ) tập đoàn kiểm toán Deloitte khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mở đầu cuộc trò chuyện với các nữ doanh nhân hàng đầu Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Hà Nội ngày 2/5.

Với việc Việt Nam gần đây ký trên dưới 10 hiệp định thương mại quốc tế, song phương và đa phương, cùng một kỷ nguyên 4.0 đang mở ra, giới doanh nhân nữ Việt Nam cần trả lời câu hỏi: Vì sao cơ hội nhiều vẫn gặp khó khăn?

nu-tuong-FPT-retail

Nguyễn Thị Bạch Điệp - người được mệnh danh là "nữ tướng" FPT Retail.

Tuy nhiên, theo CEO FPT Retail, khó khăn với phụ nữ là tính cách cầu toàn và ít liều lĩnh hơn đàn ông, nên không dễ nắm bắt cơ hội. Nói về chuyển giao thế hệ trong tập đoàn, bà Điệp là người nằm giữa, vừa chuyển giao vừa nhận chuyển giao.Nguyễn Thị Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FPT Retail là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam (Forbes bình chọn tháng 3/2019), nhìn nhận nguồn vốn đổ về từ nước ngoài và cách mạng công nghệ 4.0 chính là những cơ hội đang mở ra. "Không còn chuyện cá lớn nuốt cá bé. Mà hiện tại, bất kể con cá nào cũng có thể làm nên chuyện, nếu biết tận dụng công nghệ", bà Điệp nói. Thậm chí, bất kể là giới tính nào.

"Tôi ghét câu 'Trương Gia Bình không thể có người thay thế'", bà nói về TGĐ FPT cũ hiện giữ vai trò chủ tịch. "Và cũng không ưa gì câu 'Không có Bạch Điệp, không có FPT Retail'". Bà Điệp nêu bằng chứng sau khi ông Bình rời ghế TGĐ FPT năm 2009, doanh nghiệp của họ vẫn tăng trưởng đều.

Bà chia sẻ điều thú vị học được từ ông Trương Gia Bình là mô hình "Sư phụ - Đệ tử" , tức là thu nhập các giám đốc bộ phận tính theo số lượng "đệ tử" họ thu nạp được. Ngoài ra là mô hình Task Force (Đội đặc nhiệm), giao nhân sự "chiến đấu" ở mọi vị trí trước khi đủ sức về làm lãnh đạo.

5 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn 2019. Ảnh: Forbes.

5 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn 2019. Ảnh: Forbes.

Trong khi đó, Trần Uyên Phương (37 tuổi) – Phó TGĐ Tân Hiệp Phát muốn thoát bóng "con gái ông chủ". Cô Phương thấy điểm mạnh của nữ giới là khả năng thay đổi theo điều kiện. "Sự thích nghi cần thiết để đổi thói quen người tiêu dùng", cô nói. Nhưng Uyên Phương cho rằng họ cần có nơi truyền lửa, cần những cánh tay nối dài, hợp sức mới có thể cạnh tranh tầm đa quốc gia. Vấn đề khi ấy nằm ở mạng lưới kết nối cho doanh nhân nữ, đặc biệt trong khối tư nhân.

Chủ tịch BRG Group Nguyễn Thị Nga cho rằng đang thiếu mạng lưới kết nội nữ doanh nhân tại Việt Nam.

Chủ tịch BRG Group Nguyễn Thị Nga cho rằng đang thiếu mạng lưới kết nối nữ doanh nhân tại Việt Nam.

Còn Chủ tịch BRG Group Nguyễn Thị Nga, "người đàn bà thép" 30 năm kinh doanh và được Chủ tịch Deloitte Việt Nam gọi là "chị cả" tại sự kiện, thì ví von chuyện thích nghi của phụ nữ như nấu một bữa cơm. "Nấu một món mà hôm nay chồng không vừa miệng, thì mai mình đổi món". Theo bà Nga, nữ giới Việt cần cù và nhạy bén nhưng chưa kết nối được để tạo sức mạnh cộng hưởng.

Nghiên cứu "Phụ nữ trong kinh doanh" mới đây do Grant Thornton quốc tế thực hiện chỉ ra, Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao xếp nhì châu Á, vượt Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng lại chưa khai thác hết tiềm năng mạng lưới. 

"Cái gì chưa mạnh thì hợp với người mạnh hơn, để cùng tiến", bà Nga nêu quan điểm.

Phó TGD Vietjet Air Hồ Ngọc Yến Phương trò chuyện với nhân viên mỗi sáng thứ bảy.

Phó TGD Vietjet Air Hồ Ngọc Yến Phương trò chuyện với nhân viên mỗi sáng thứ bảy.

Vietjet Air mới mở đường bay quốc tế từ tháng 12/2015, nhưng sau chỉ ba năm, trở thành hàng không lớn thứ hai Đông Nam Á. Ban điều hành đưa đến tăng trưởng bùng nổ gồm tới 4 lãnh đạo nữ: Chủ tịch HĐQT, TGĐ và hai Phó tổng.

Phó TGĐ phụ trách tài chính Hồ Ngọc Yến Phương tiết lộ một luật bất thành văn giúp quản trị con người tại Vietjet. "Sáng thứ bảy chúng tôi vẫn làm việc. Đó là lúc lãnh đạo ngồi trao đổi trực tiếp với một số nhân viên có tố chất 'kế cận'. Chúng tôi nói về chuyện gia đình, tình yêu và ước mơ, qua đó gián tiếp thổi say mê vào công việc họ làm", bà Phương chia sẻ.

Bà cho biết nét dịu dàng, tỉ mỉ của phụ nữ và cả nét Á Đông hỗ trợ cho sự vận hành doanh nghiệp. Chẳng hạn, áp dụng vào dịch vụ trên máy bay, người phụ nữ sẽ chăm chút những lựa chọn món ăn cho hành khách, đến cả chuyện bánh chưng nên nhập từ vùng nào.

Sau cùng buổi nói chuyện, ông Trương Gia Bình làm phép so sánh: "Cánh đàn ông chúng tôi có 27 trạng thái cảm xúc. Nhưng phụ nữ có tới 147". Vì thế, ông gọi các nữ doanh nhân có mặt ở đó là "những nhà lãnh đạo yêu thương".

Theo Thanh Tùng/Ngoisao.net - 3/5/2019

Link nguồn: https://ngoisao.net/thuong-truong/nu-tuong-fpt-retail-ghet-cau-truong-gia-binh-khong-the-thay-the-3917469.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nữ tướng FPT Retail ghét câu 'Trương Gia Bình không thể thay thế'

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc