Hàng không Việt Nam đang phát triển không ngừng |
Thứ sáu, 12/07/2013, 14:53 GMT+7 |
Sau khi được chọn là nhà thầu phụ cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin tại nhà ga T2, Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Tập đoàn ARINC lại tiếp tục trở thành nhà thầu phụ cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống cho nhà ga T2 thuộc Sân bay Quốc tế Nội Bài. Đảm nhận một công trình thiết yếu của cửa khẩu hàng không quan trọng nhất Việt Nam, ARINC đối mặt với khá nhiều thách thức. Doanh Nhân Sài Gòn có dịp trao đổi với ông Lê Văn Thành về tầm quan trọng của dự án này. Ông Lê Văn Thành - Trưởng đại diện ARINC tại Việt Nam * Hơn mười năm làm việc tại ARINC, điều gì khiến ông gắn bó với tập đoàn đến thế? - Năm 2013 đánh dấu chặng đường 13 năm tôi làm việc trong ngành hàng không. Tôi đầu quân cho Tập đoàn ARINC từ năm 2007 sau những năm tháng làm việc cho một công ty cùng ngành. Bạn cũng biết đấy, ARINC là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cho ngành hàng không. Tôi rất vinh dự được làm việc trong một môi trường có tính chuyên nghiệp cao, tư duy hướng đến khách hàng và văn hóa chăm sóc nhân viên. Đó là những điểm chính khiến tôi gắn bó với ARINC. * Theo nhận định của ông, thị trường Việt Nam có vai trò thế nào với ARINC? - Tôi có thể khẳng định Việt Nam là thị trường trọng tâm của ARINC tại châu Á - Thái Bình Dương. Thị trường hàng không Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn ARINC ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai. Chúng tôi đã có những kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc giới thiệu những công nghệ và dịch vụ mới cho khách hàng trong nước và đào tạo một đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao nhằm cung cấp các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật tại các sân bay có triển khai hệ thống của ARINC. Đồng thời, ARINC cũng đóng vai trò chủ động trong các diễn đàn và phái đoàn thương mại như: Nhóm công tác về hợp tác hàng không Việt Mỹ (ACWG) tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2012... * So với các quốc gia trong khu vực, tốc độ phát triển ngành hàng không ở Việt Nam như thế nào, thưa ông? - Mặc dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn đặc biệt trong lĩnh vực hàng không. Với các chính sách mở trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, một cơ cấu dân số năng động với hơn 80 triệu dân và phong cảnh thiên nhiên đa dạng, kỳ thú trải khắp đất nước, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều người với rất nhiều mục đích: kinh doanh, đầu tư, du lịch, trao đổi văn hóa... Những thành tố chủ đạo này sẽ là động lực cho sự phát triển không ngừng của ngành hàng không bao gồm cả các đường bay trong nước và quốc tế. * Trong bối cảnh đó, dự án cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống cho nhà ga T2 thuộc Sân bay Quốc tế Nội Bài có vai trò thế nào cho việc phát triển của ARINC ở thị trường Việt Nam? - Trong năm 2005, ARINC đã được chọn là nhà thầu phụ cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin tại nhà ga T2, Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, nơi chúng tôi lắp đặt các công nghệ xử lý thông tin hành khách. Nhà ga T2 thuộc Sân bay Quốc tế Nội Bài là dự án thứ 2 sẽ được triển khai của ARINC tại Việt Nam. Nội Bài là một trong những sân bay quan trọng nhất do đóng vai trò là cửa ngõ của thủ đô. Sân bay phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm. Việc trao dự án này cho ARINC thể hiện lòng tin của khách hàng đối với sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm và chuyên môn của chúng tôi trong việc triển khai các hệ thống sân bay trọng yếu. Điều này sẽ không chỉ tạo động lực để ARINC mở rộng hoạt động kinh doanh mà còn thực hiện cam kết của chúng tôi trong việc hiện đại hóa các sân bay trong nước bao gồm cả các sân bay khác nữa trong tương lai gần. * Cụ thể, nhiệm vụ của ARINC sẽ như thế nào, thưa ông? - ARINC sẽ đóng vai trò là nhà tích hợp hệ thống, chịu trách nhiệm tạo các giao tiếp giữa các hệ thống cũng như kết nối chúng thành một hệ thống hoạt động một cách thuần nhất. Ngoài ra, ARINC sẽ lắp đặt tại nhà ga T2, Sân bay Quốc tế Nội Bài hệ thống máy trạm đầu cuối xử lý thông tin hành khách trước khởi hành (vMUSETM), một ứng dụng hàng đầu phù hợp tiêu chuẩn của Hệ thống xử lý thông tin hành khách (CUPPS) cùng với các ki-ốt tự làm thủ tục SelfServTM, ứng dụng Kiểm tra thông tin hành khách VeriPax cũng như hệ thống hiển thị thông tin về chuyến bay. * Ắt hẳn, kinh nghiệm từ dự án Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ giúp ích nhiều cho ARINC trong dự án này? - Vâng, các hệ thống triển khai tại sân bay rất quan trọng bởi vì chúng giúp phục vụ và duy trì hoạt động của sân bay và các hãng hàng không. Các hệ thống cần phải luôn trong trạng thái hoạt động với độ sẵn sàng cao nhất. Chúng tôi có một đội ngũ kỹ sư bảo trì có tay nghề cao, được huấn luyện kỹ càng tại địa bàn để thực hiện các công việc bảo trì hàng ngày cho các hệ thống, đáp ứng nhanh đối với bất cứ yêu cầu nào từ phía khách hàng và xử lý sự cố nhanh nhất có thể xảy ra. Hãy tưởng tượng xem sẽ rắc rối và tốn kém biết bao nếu như chuyến bay của chúng ta bị hoãn do hệ thống ngừng hoạt động. * Sân bay Quốc tế Nội Bài là một trong những sân bay lớn nhất Việt Nam, điều này có tạo áp lực nào cho ARINC khi nhận vai trò nhà thầu phụ không? - Chúng tôi không cho rằng đây là một khó khăn hay áp lực. Ngược lại, chúng tôi hoàn toàn tự tin với chuyên môn và kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện những dự án sân bay thậm chí còn lớn hơn nữa trên toàn cầu như sân bay ở Dubai, Doha, Las Vegas, Heathrow, Incheon và Hồng Kông. * Với sự góp phần của ARINC, quy trình vận hành nhà ga T2, Sân bay Quốc tế Nội Bài sẽ thế nào trong tương lai, thưa ông? - Ở đây tôi muốn tập trung giới thiệu sơ lược về cách thức chúng tôi vận hành các hệ thống với tư cách là nhà cung cấp sản phẩm và giải pháp CNTT chứ không phải là một nhà điều hành sân bay. Sau khi các hệ thống đã được lắp đặt tại sân bay, chúng tôi sẽ cung cấp các dịch vụ bảo trì trong vòng 2 năm thuộc giai đoạn bảo hành dự án (DLP) hay còn gọi là giai đoạn bảo hành kể từ khi hệ thống chính thức đi vào vận hành. Trong suốt giai đoạn này, các kỹ sư trực tại hiện trường của chúng tôi sẽ vận hành, bảo trì và xử lý sự cố nếu có. Chúng tôi sẽ phối kết hợp với nhà điều hành/cơ quan quản lý sân bay, các hãng hàng không và các đối tác khác nhằm đảm bảo việc vận hành các hệ thống tại nhà ga sân bay một cách trôi chảy theo các Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) các hệ thống của chúng tôi. * Điều gì giúp ARINC tự tin có thể giúp nhà ga T2, Sân bay Quốc tế Nội Bài trở thành nhà ga hiện đại nhất tại Việt Nam? - Các hoạt động của sân bay có liên quan chặt chẽ tới lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố con người. Chúng tôi không những có khả năng cung cấp các giải pháp/công nghệ tiên tiến hay các thiết bị hiện đại mà còn có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật được huấn luyện kỹ càng với tư duy luôn hướng đến khách hàng. Chúng tôi tập trung vào việc đào tạo và huấn luyện cho đội ngũ của mình ở cả hai khía cạnh trình độ tay nghề và dịch vụ khách hàng, đảm bảo rằng họ làm chủ được công nghệ và cũng đủ khả năng xử lý các vấn đề kỹ thuật một cách hiệu quả. * Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không không ngừng tăng, vấn đề dự phòng về khả năng phát triển xử lý của công trình nhà ga T2, Sân bay Quốc tế Nội Bài được ARINC chuẩn bị thế nào trong tương lai, thưa ông? - Chúng tôi luôn ý thức được nhu cầu ngày càng cao của hoạt động đi lại bằng đường hàng không và luôn sẵn sàng để trở thành nhà cung cấp hệ thống sân bay đáng tin cậy. Các hệ thống mà chúng tôi sẽ triển khai cho dự án Sân bay Quốc tế Nội Bài đều là những hệ thống có khả năng mở rộng và dễ dàng thích ứng với nhu cầu gia tăng liên tục của hoạt động tại sân bay. Điều này có nghĩa là các hệ thống của chúng tôi không chỉ được thiết kế cho nhu cầu hiện tại mà đã tính đến cả nhu cầu mở rộng trong tương lai. Hơn nữa, chúng tôi có thể cung cấp các giải pháp để giúp cơ quan quản lý sân bay tiết kiệm nguồn đầu tư của họ bằng cách cho phép các sân bay vệ tinh xung quanh có thể chia sẻ cùng một hạ tầng CNTT tại Sân bay Quốc tế Nội Bài bằng công nghệ của chúng tôi. * Xin cảm ơn ông về những trao đổi này. Theo Doanhnhansaigon Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|