Nửa đời sửa sai của 'trùm giang hồ Thành trọc' |
Viết bởi lehang |
Thứ sáu, 12/07/2013, 08:40 GMT+7 |
► Bản tính lỳ lợm, bất cần đời chảy trong dòng máu giang hồ mã thượng đã biến cậu bé Nguyễn Phước Thành trở thành đại ca giang hồ với "thành tích" 17 năm tù tội. Thế nhưng, sau những tháng ngày lầm lỗi, Thành "trọc" bừng tỉnh để rồi sống lại cuộc đời mới bằng tháng ngày miệt mài sửa sai... Bốn lần chết hụt Sinh ra đã thiếu vắng bàn tay cứng rắn của cha, Nguyễn Phước Thành sớm bị vòng xoay thời cuộc xô ngã. Anh cho biết: "Tôi có máu lỳ lợm quậy phá từ nhỏ. Ngay từ khi vào lớp 1, tôi đã nổi tiếng là thằng phá phách. Thời ấy, một mình tôi đã dám lên tiếng chấp cả trường đánh nhau với mình. Cũng từ đó, người dân đất này đặt cho tôi biệt danh Thành "lư" để nói lên sự lỳ lợm, quậy phá của tôi". Sự gan lỳ, liều lĩnh ấy có thêm điều kiện phát triển khi Mỹ tiến chiếm miền Nam, mang theo những thú vui mới lạ, hấp dẫn. Trước cám dỗ cuộc đời, năm 1968, Thành bỏ nhà, bỏ mẹ đi hoang, lang thang tìm vui với những cô gái trong các quán bar. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Phước Thành. (Ảnh Hà Nguyễn) Gan lỳ, liều lĩnh, có một cái đầu lạnh nhưng có nghĩa khí của một người anh hùng đã giúp Thành thu phục được nhiều đàn em và nghiễm nhiên được giới giang hồ tôn xưng Đại ca Thành "trọc". Thời điểm ấy, giới giang hồ miền Nam không ai không biết đến và kính nể danh xưng Thành "trọc" liên tục vào tù rồi vượt ngục trở về như cơm bữa. Anh giải thích: "Khi còn nhỏ, người ta gọi tôi là Thành "lư", nhưng sau này vì liên tục vào tù ra khám, số lần ra vào tù tội nhiều đến nỗi tóc không kịp mọc, đầu cứ trọc lóc nên anh em bạn tù đặt là Thành "trọc" luôn”. Và quá khứ mê đắm trong những tháng ngày sa ngã, anh cũng phải trả những cái giá rất đắt. Anh tâm sự: "Kể ra đời tôi cũng gặp nhiều may mắn. Nếu không có sự may mắn thì có lẽ tôi đã chết từ lâu. Không tính những nguy hiểm lặt vặt khi lăn lộn ngoài đời, tôi đã may mắn thoát chết bốn lần trước họng súng". Năm 1972, khi đang lang thang ngoài đồng, bất ngờ trực thăng Mỹ ập tới, xối đạn vào người dân xã Tân Phú Trung. Dù mới tí tuổi đầu, Thành không ngồi chờ chết mà lao mình chạy trong làn đạn bắn rát của súng tây. Lần thứ hai là khi các anh chiến sĩ bóp cò bắn gục một người bạn của Thành ngay trước mặt anh. Ngỡ mình đã bỏ mạng nhưng vì không cầm súng nên họ cho anh con đường sống. Anh cho biết: "Đó là hai lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái chết rất gần, nhưng vẫn chưa bằng lúc đấu tranh với nó khi đối mặt với các anh công an sau những lần gây án. Tuy nhiên, nhờ may mắn, tôi đều thoát nạn". Thoát chết, Thành "trọc" vẫn bước trên con đường đen tối. Và rồi đến một ngày, tình yêu thương, sự khoan dung đã thức tỉnh nhân cách của con người lầm lỡ. Thành "trọc” bỗng hối tiếc những tháng ngày lầm lạc, quyết tâm giã từ bóng tối tìm về ánh sáng, khát khao vươn lên với nghị lực phi thường. Bằng khen về hoạt động từ thiện của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Thành. Đến hơi thở cuối cùng vẫn sẽ sửa sai Sau 17 năm với vô số lần ra tù vào tội, Nguyễn Phước Thành lại trở về bản chất một con người biết khát khao lương thiện, khát khao cống hiến, khát khao sửa sai. Và những khát khao ấy đã giúp anh trút bỏ thành công tấm áo giang hồ ngang dọc để trở thành một nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng, một doanh nhân thành đạt. Ra tù năm 1992, đúng vào thời kỳ "vàng son" của giới giang hồ tứ chiếng, nhưng không như nhiều đàn em, đàn anh, Thành "trọc" quên hẳn kiếp bảo kê, lập sòng bạc, đâm thuê, chém mướn, mà vùi đầu vào lớp nhiếp ảnh. Sự thay đổi đột ngột đó một thời từng khiến giới giang hồ Sài Gòn chao đảo. Anh cho biết: "Chính bà Nguyễn Thị Thu Phước, người xử tôi trong phiên tòa cuối cùng đã để lại cho tôi nhiều dấu ấn. Cả đời tôi chưa xin ai điều gì. Ngay cả những khi ngồi phòng biệt giam, bị cùm hai tay hai chân, tôi cũng không mở lời xin. Trong phiên tòa đó, tôi cũng không xin, nhưng bà đã khiến tôi ngỡ ngàng. Tội tôi đáng lẽ phải xử 8 - 12 năm tù, nhưng bà chỉ xử bảy năm. Hành động đó đã thức tỉnh tôi, cho tôi biết xã hội vẫn chấp nhận mình nếu mình thật lòng hướng thiện". Anh kể: "Những ngày ngồi tù, hình ảnh mẹ tôi đứng trước bàn thờ cầu nguyện cho tôi tai qua nạn khỏi luôn thường trực trong tâm trí. Mẹ tôi mất khi tôi ngồi tù nên tôi chưa có một ngày báo hiếu. Điều ấy giằng xé mãi tâm can tôi. Tôi quyết định phải làm lại cuộc đời, báo hiếu mẹ". Quyết tâm, ý chí hoàn lương mãnh liệt của Thành "trọc" thể hiện ngay trong những tháng ngày thụ án tại trại T345 thuộc Trại giam Xuyên Mộc. Với cương vị của một đại ca, nhưng Nguyễn Phước Thành không vì thế mà ức hiếp bạn tù. Anh lao động cật lực để có cơm ăn, tự mình cai ma túy. Anh dùng uy tín của mình để giữ gìn trật tự và được các cán bộ thuộc trại này tin tưởng giao cho chức "Đội trưởng đội kỷ luật", chuyên trách giữ kỷ luật khu vực phạm nhân chịu án tử hình, chung thân. Cải tạo tốt với một nghị lực sống, khát khao lương thiện, năm 1992, Nguyễn Phước Thành được tại ngoại. Ra tù, anh giã từ kiếp giang hồ bằng cách tham gia một khóa học chụp ảnh và tốt nghiệp loại giỏi. Và chiếc máy ảnh đã đưa anh từ một tên trùm du đãng thành một người nghệ sĩ chân chính. Thế nhưng, những tháng ngày rong ruổi chụp ảnh dạo, chụp ảnh cưới, ảnh chân dung nghệ thuật rồi trở thành một nghệ sỹ nhiếp ảnh nửa đời khắc họa cái đẹp của hoa sen cũng chẳng phải để Thành lấy danh mà cốt để sửa sai. Anh nói: "Tôi yêu hoa sen vì cái đẹp của nó. Sen là loài hoa mọc lên từ đáy bùn sâu, nhưng nó vẫn vươn lên, vươn lên không chỉ đẹp một cách dịu dàng mà không hôi tanh mùi bùn. Nó đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt mình, nó cũng nằm trong văn hóa Phật giáo. Hơn nữa, cuộc đời tôi cũng như sen, ngoi lên từ bùn dơ. Tôi chụp và gửi vào đó những thông điệp từ cuộc đời tôi. Đó là cách sửa sai của tôi. Bây giờ, đến hơi thở cuối cùng tôi vẫn sẽ sửa sai". Khuyên nhủ bạn tù sửa sai Theo Người đưa tin Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|