top-banner-2

Thứ hai, 30/10/2017, 14:54 GMT+7

Khaisilk lộ hình 'con buôn'

Viết bởi Nam Anh   
Thứ hai, 30/10/2017, 14:54 GMT+7

Câu chuyện Khaisilk có thể là một "quả bom" trong giới kinh doanh thời điểm này, cũng có thể đánh sập một "đế chế", nhưng điều đó không quan trọng. Cái đáng quan tâm là làm sao loại trừ được văn hóa "con buôn".

Nhiều năm qua, doanh nhân đất Việt vui mừng, hãnh diện thoát khỏi kiếp "con buôn", thứ bậc khiêm nhường trong quan hệ "sĩ - nông - công - thương" với không ít gièm pha, miệt thị. Mặc dù những thành công vang dội chưa nhiều, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa mạnh, song doanh nhân đã vươn lên mạnh mẽ, chiếm lĩnh vị trí "sang cả" trong xã hội, mà Khaisilk với doanh nhân Hoàng Khải là một điển hình của giới thượng lưu.

 Không thể phủ nhận thành công của một thương hiệu được gầy dựng hơn 30 năm và những giá trị vật chất to lớn mang về từ thành công đó. Thế nhưng, khi bức màn nhung rơi xuống, nó đã hiện nguyên hình là "đồ con buôn".

Con buôn hay trọc phú làm giàu từ lừa đảo, làm hại người khác (Giản Tư Trung). Khaisilk ở trình độ cao hơn, buôn hồn cốt dân tộc! Một số người cho rằng phương thức kinh doanh thương hiệu đó là bình thường, ông Hoàng Khải cũng đã nói như vậy trong lời xin lỗi thống thiết của mình: "Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa".

Thưa ông, bạn bè nước ngoài có xúc động khi được tặng rồi khoác lên người một sản phẩm quốc hồn Việt Nam để rồi "té ngửa" khi biết đó là một thứ lụa "hảo hạng" của nước bạn láng giềng? Thậm chí, họ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để "được nhận" điều đó.

khai-silk-vanhoadoanhnhan

Nói thẳng, không lừa đảo thì gọi là gì, không là "đồ con buôn" thì là ai?!

Doanh nhân chân chính nỗ lực để đưa hồn cốt dân tộc vào từng sản phẩm. Ở nhiều nơi, nhiều nước, họ còn thêu dệt lên những câu chuyện xung quanh sản phẩm để khơi gợi trí tò mò, trải nghiệm, cảm hứng của khách hàng, qua đó tôn vinh giá trị sản phẩm của mình. Họ nỗ lực đầu tư công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng để làm gia tăng giá trị của sản phẩm truyền thống. "Doanh nhân" Hoàng Khải có làm được điều đó đối với danh tiếng của lụa Việt? Hay ông đã chối bỏ, và bây giờ làm hại đến chính danh tiếng đó và những người ở Vạn Phúc, Nha Xá và nhiều nơi khác vẫn hằng ngày đang chịu thương chịu khó giữ gìn làng nghề truyền thống của dân tộc.

Mảnh lụa Việt, vốn đã đi vào thơ ca: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông", mảnh lụa của nghị lực, của lòng thủy chung, son sắt qua mối tình trạng nguyên nghèo Trần Minh và tiểu thư kéo lụa Quỳnh Nga. Giờ chính mảnh lụa đó lại bị nghi ngờ: có phải "made in Vietnam" không? Đớn đau thay! Thế mà ông Khải đã "dạy" CEO Nguyễn Tử Quảng: "… có lẽ anh đã quên mất một điều là những doanh nghiệp nổi tiếng đó người ta biết làm người dân của nước họ yêu mến sản phẩm đó và họ biết đánh vào lòng tự hào của dân tộc thì đó là điều anh chưa làm được". Vâng, ông đã đánh thẳng vào lòng tự hào của dân tộc rồi đấy!

Cái sự tiếp nối của "con buôn" trình độ cao, từ câu "giáo huấn" trên, chính là thể hiện mình như một bậc "trí giả". Tiền bạc, danh tiếng đã có, cần phải nghĩ đến điều lớn lao hơn, đó là dạy dỗ người khác và cho đời những lời "bất hủ". Cái "văn hóa" này có vẻ đang khá thịnh hành trong xã hội ta, khi ngày càng có nhiều hơn những câu nói "để đời" được "nhả" ra từ những người được cho là thành công và nổi tiếng. Tôi chợt nhớ đến câu thoại của Trùm Sò trong vở hài nổi tiếng Ngao Sò Ốc Hến: "Mấy người nghèo không có quyền nói, để mấy người giàu người ta nói". Lại phải nhắc đến "doanh nhân" Hoàng Khải với những câu nói "để đời": "Trong kinh doanh đôi khi không được tham… Và vì sao không được tham? Là vì không bao giờ nên lấy những mục tiêu ngắn hạn mà làm sao nhãng đi những mục tiêu dài hạn và quan trọng hơn là phải bảo vệ sức khỏe cho những mục tiêu dài hạn đó".

Giờ nghe mà rợn cả người! Ông Hoàng Khải thật là một bậc trí "giả".

Câu chuyện Khaisilk có thể là một "quả bom" trong giới kinh doanh thời điểm này, cũng có thể đánh sập một "đế chế", nhưng điều đó không quan trọng. Điều đáng quan tâm là làm sao để loại trừ được văn hóa "con buôn" trong doanh nghiệp của chúng ta, để doanh nhân: "lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp" (trích NQ-09/TW của Bộ Chính trị).

Theo Anh Minh - nld.com.vn - 29/10/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Khaisilk lộ hình 'con buôn'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc