top-banner-2

Thứ năm, 30/07/2015, 08:52 GMT+7

Sống chậm ở Nhật Bản

Viết bởi An An   
Thứ năm, 30/07/2015, 08:52 GMT+7

Một số ngôi làng đang nỗ lực “trẻ hơn” bằng cách thu hút những người trẻ tuổi vốn mệt mỏi trước cuộc sống ở thành phố lớn.

Thoạt nhìn, Kamiyama chẳng khác những ngôi làng thôn quê khác ở Nhật Bản, với các cửa hàng đóng im ỉm ngay trên tuyến đường chính, trạm xăng vắng người và những phụ nữ lớn tuổi lom khom trên ruộng lúa.

Vừa làm vừa chơi

Nhưng nếu ở đây lâu hơn, người ta sẽ nhận ra ngôi làng miền núi trên đảo Shikoku này có không ít điểm khác lạ: sự hiện diện của bánh pizza nướng bằng củi, các doanh nghiệp công nghệ mới lập và những người trẻ tuổi.

Kamiyama là một trong số ít địa phương đang nỗ lực “trẻ hóa và sáng tạo hơn” bằng cách thu hút những người trẻ tuổi vốn mệt mỏi với cuộc sống ở thành phố lớn tìm về sinh sống và làm việc. Ở đây, giờ xuất hiện quán rượu do một cựu nhân viên của hãng Apple mở, một xưởng làm giày thủ công, một xưởng xay cà phê hữu cơ và những thanh niên rành công nghệ. “Với tôi, cuộc sống thật đơn giản. Ở đây, công việc và sở thích song hành” - Kiyoharu Hirose, 42 tuổi, giám đốc một công ty thiết kế web, cho biết.

nhat-ban-chan-trang

Doanh nhân nói trên cùng gia đình từ TP Osaka lớn thứ hai đất nước chuyển về sống ở thị trấn 1 năm trước. “Bây giờ, tôi có thể đi câu cá vào buổi sáng trước khi đi làm. Có những lúc trời oi ả, mấy đứa nhóc nhà tôi về nhà trong bộ dạng ướt sũng vì đùa nghịch dưới sông” - ông Hirose tâm sự trong trang phục thoải mái, ngồi trên một chiếc ghế xếp bên ngoài văn phòng vào ngày đầy nắng.

Những tòa nhà chọc trời ở đây chính là những cây tuyết tùng, tiếng ồn không gì khác ngoài thanh âm từ chim chóc. Cách văn phòng chừng 10 bước chân là căn nhà gỗ của cả gia đình ông, cổ kính và rộng gấp mấy lần căn nhà trước kia ở Osaka.

“Thung lũng Xanh”

Trong khi đó, ông Shinya Ominami - một kỹ sư tốt nghiệp Trường ĐH Stanford (Mỹ) - ấp ủ thành lập một “Thung lũng Xanh” tại Kamiyama, quê hương mình. “Không có cách nào ngăn được xu hướng sụt giảm dân số ở Nhật Bản, do đó chúng tôi muốn chú trọng vào chất lượng dân số bằng cách thu hút những người trẻ tuổi, có phong cách làm việc đa dạng” - ông Ominami cho biết.

Kế hoạch của ông là khuyến khích các công ty thiết lập văn phòng vệ tinh tại Kamiyama. Ý tưởng này xuất hiện sau thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011, thời điểm nhiều công ty nhận ra cần phải có văn phòng công ty tại nơi khác trong trường hợp thủ đô Tokyo gặp nạn.

Đây cũng là lý do Tetsu Sumita mở một văn phòng vệ tinh của Công ty Plat-Ease tại Kamiyama vào năm 2013. “Ở Tokyo, tôi chui rúc trong căn hộ và không biết gì về hàng xóm. Nơi làm việc là một tòa nhà to lớn, gồm rất nhiều công ty song tôi chẳng có khái niệm về bất cứ ai” - ông nói. Giờ đã khác, ông biết rõ mọi người tại Kamiyama. Ông đang xây một khách sạn nhỏ để thu hút nhiều người đến thưởng lãm cảnh đẹp và trải nghiệm cách làm việc ở địa phương này.

Xu hướng nói trên có thể là giải pháp mà chính phủ Nhật Bản tính đến trong nỗ lực giảm bớt dòng người kéo đến các đô thị lớn để tìm công ăn việc làm. Hội đồng chính sách Nhật Bản năm ngoái cảnh báo nhiều cộng đồng có nguy cơ bị xóa sổ do dân số ngày càng ít và lão hóa.

Theo báo The Washington Post (Mỹ), số lượng làng mạc thu hút giới trẻ như Kamiyama đang gia tăng ở Nhật Bản. Có thể kể đến làng Iketani ở tỉnh Niigata, nơi xảy ra trận động đất lớn gần một thập kỷ trước, dần hồi sinh nhờ vào các tình nguyện viên trẻ tuổi theo đuổi loại hình du lịch sinh thái.

Theo nld.com.vn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sống chậm ở Nhật Bản

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc