top-banner-2

Thứ ba, 25/12/2012, 14:10 GMT+7

Văn hóa doanh nhân gắn với tinh thần dân tộc

Thứ ba, 25/12/2012, 14:10 GMT+7

Kinh doanh cũng như mọi hoạt động khác trong xã hội đều hướng tới cái đẹp. Nét đẹp trong văn hóa kinh doanh của người VN mang đậm yếu tố lịch sử và tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước. DĐDN giới thiệu bài viết của Nhà sử học Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, Tổng thư ký Hội Sử học VN về vấn đề này.

Tại Diễn đàn văn hóa DN trong khuôn khổ Hội nghị các tổ chức hữu nghị nhân dân ASEAN - Trung Quốc lần thứ 7, nhiều ý kiến DN khẳng định văn hóa kinh doanh chính là “đạo làm giàu” cho bản thân và cho đất nước

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, văn hóa doanh nhân đã hình thành và chịu sự tác động của yếu tố bên ngoài như chính sách thực dân, quan niệm Nho giáo… Thời thuộc địa, chính sách thực dân và chế độ thuộc địa cũng chỉ tạo ra một tầng lớp doanh nhân nhỏ bé luôn bị phụ thuộc và chèn ép bởi tư bản chính quốc. Nền kinh tế phụ thuộc vào chính sách và lợi ích của nước Pháp. Tuy nhiên, đây là thời kỳ hình thành các doanh nhân và hoạt động kinh doanh thực sự.

Kết hợp giá trị truyền thống

Từ phê phán những quan điểm được cho là thấp kém của người kinh doanh đã đặt nền tảng cho một quan điểm tiến bộ về doanh nhân như một lực lượng. DN như một tổ chức và doanh trường như một hoạt động nằm trong khuôn khổ của công cuộc Duy Tân cứu nước. Đó là sự kết hợp những giá trị truyền thống và những quan điểm hiện đại tạo nên sự nhận thức về giá trị kinh doanh như một “Đạo”.

Và cái “đạo làm giàu” vào thời điểm ấy lại hướng vào mục tiêu mà người VN đang tìm kiếm sau những thất bại của phong trào yêu nước chống thực dân bằng vũ trang bạo lực. Vì thế cái văn hoá cốt lõi của kinh doanh cũng là cái phẩm chất cốt lõi của doanh nhân lại chính là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước. Đó là nét đặc sắc của “Văn hoá kinh doanh VN”. Nó hình thành muộn nhưng lại đúng vào thời điểm mà tinh thần dân tộc trong hoàn cảnh mất nước có cơ hội được thể hiện. Nhưng cũng chính dựa trên cái nhìn văn hóa ấy, cụ Lương Văn Can đã nhận ra chân tướng sự hạn chế của người VN thời đó trên doanh trường: “Người mình không có thương phẩm – không có kiên tâm – không có nghị lực – không biết trọng nghề - không có thương học – kém đường giao thiệp – không biết tiết kiệm – khinh nội hóa”.

Cho dù trên thực tế, các hoạt động kinh doanh của các tầng lớp doanh nhân VN thời thuộc địa chịu sự chèn ép của thực dân, đôi lúc bị đánh lạc hướng vào việc cạnh tranh với Hoa thương hay Ấn kiều và luôn bị xu hướng mại bản lôi kéo, thì lòng khao khát muốn làm giàu như môt hành vi ái quốc vẫn ăn sâu trong “văn hoá kinh doanh” của người VN, tuy còn nhỏ nhoi nhưng nó sẽ thể hiện khi có cơ hội.

Cơ hội ấy đã đến khi nước VN trở thành một quốc gia độc lập sau Cách mạng tháng Tám 1945. Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được vị thế và vai trò của một nền kinh tế quốc dân và lực lượng các doanh nhân trong xã hội hiện đại (mà đương thời gọi là các nhà công thương) đã tạo ra một nền tảng nhận thức cách mạng và rất tiến bộ cho “Đạo làm giàu” khi gắn số phận, tiền đồ của doanh nhân, DN với số phận và tiền đồ của đất nước cùng với trách nhiệm và vai trò của nhà nước đối với lực lượng xã hội và lĩnh vực kinh tế này.

Xuất phát từ nhận thức căn bản rằng tầng lớp doanh nhân là một bộ phận của dân tộc, chịu sự chèn ép của chế độ thực dân nên có lòng yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định vị được tầng lớp này trong lực lượng dân tộc không những trong lý luận nhận thức mà trong cả thực tiễn. Việc vị Chủ tịch nước cũng là người đứng đầu Đảng Cộng sản khi trở về Hà Nội vào tháng 8/945 lại chọn nơi ở và làm việc đầu tiên là ngôi nhà của một doanh nhân nổi tiếng cả về sự giàu có cũng như lòng yêu nước cũng như việc gây dựng Quỹ Độc lập bắt đầu bằng sự đóng góp của những người “có của”... cho đến bức thư ngày 13/10/1945 đưa ra mối quan hệ biện chứng giữa “dân giàu” với “nước mạnh”, giữa sự kinh doanh của các nhà công thương với sự thịnh vượng của quốc gia, đồng thời xác định trách nhiệm của Chính phủ là phải hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh. Cùng với quan điểm đó là một “chính sách mở cửa” toàn diện với nền kinh tế thế giới trên nguyên tắc “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” , sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các nhà từ bản kể cả Pháp và đặc biệt là Hoa Kỳ và xác định sự mở cửa rất rộng trên mọi lĩnh vực “kể cả hải cảng và sân bay”...

Đó là một môi trường nhận thức và chính trị vô cùng thuận lợi cho “đạo làm giàu” VN mà sự ra đời của Hội Công thương cứu quốc, sự tham dự của các tầng lớp doanh nhân vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra không bao lâu sau đó đã chứng minh tình hình thực tiễn của văn hoá doanh nhân, DN VN gắn với sự nghiệp cứu nước.

Tuy nhiên, quan niệm về “đấu tranh giai cấp” và lý luận về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không những chỉ tác động vào chính các quốc gia ấy vừa tạo nên những thay đổi to lớn trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực mà chắc chắn nó đã làm thui chột những giá trị văn hoá của “đạo làm giàu” VN vừa được manh nha trong công cuộc Duy Tân và khẳng định trong cao trào Cách mạng giành độc lập dân tộc.

Những cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản tư doanh,  quan điểm đấu tranh giai cấp cùng với các cuộc chiến tranh giải phóng diễn ra sau đó đã buộc VN sau khi hoàn thành cuộc kháng chiến giải phóng và thống nhất đất nước, sau khi đã vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng bởi các chính sách kinh tế trên căn bản không chấp nhận kinh tế thị trường cũng như sự đổ vỡ của nền kinh tế cùng thể chế trong hệ thống các nước XHCN... phải tiến hành công cuộc Đổi Mới.

Mở cửa và đổi mới

Công cuộc đổi mới thực chất là trở lại với những giá trị phổ quát mà hạt nhân là chấp nhận nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập toàn cầu trên cơ sở tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã tạo ra những thành tựu to lớn nhưng cũng chỉ là bước đầu. Nó bắt nguồn trước hết là sự nhân thức và đổi mới tư duy lãnh đạo đất nước, xây dựng những giá trị mới vừa truyền thống vừa hiện đại.

Chính công cuộc đổi mới mà hạt nhân là đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa, đã đảo ngược mối tổng quan giữa hai nhân tố dân giàu và nước mạnh thay vì một thời chỉ coi nước mạnh là làm nên quyền lực mạnh. Nói cách khác trong sự nghiệp kiến quốc, dân giàu nước mạnh chính là trở về với nguyên lý muôn thuở của “lấy dân làm gốc”. Công cuộc đổi mới chỉ bắt đầu, xây dựng văn hóa trong đời sống các DN mà lấy doanh nhân làm trung tâm cũng mới chỉ bắt đầu. Nó chỉ mạnh khi gắn với quá trình dân chủ hóa. Nói cách khác xây dựng văn hóa doanh nhân chính là đẩy mạnh dân chủ trong đời sống của hoạt động DN. Nó không chỉ là việc riêng của doanh nhân mà của toàn xã hội khi mà ý chí làm giàu trở thành ý chí chung của toàn dân và là cơ hội cho mọi người… Hướng tới một văn hóa doanh nhân hiểu như một đạo làm giàu phải là một cuộc đấu tranh thực sự không chỉ là một thiện ý phấn đấu của những người dám dấn thân vào thương trường, lại ở vào thời điểm đầy thử thách và cũng nhiều cơ hội này…

Và trung tâm của cuộc đấu tranh ấy là thúc đẩy toàn diện quá trình dân chủ hóa, trong đó có dân chủ hóa trong đời sống kinh tế. Chính quá trình ấy sẽ tạo môi trường cho sự hình thành tầng lớp hữu sản, tầng lớp trung lưu trong xã hội. Và tầng lớp này sẽ là nền tảng hạ tầng của xã hội của nền dân chủ hiện đại. Cuộc đấu tranh thông qua hệ thống chính sách của nhà nước trong đó có vai trò của tầng lớp doanh nhân có tinh thần trách nhiệm với dân tộc sẽ góp phần điều chỉnh quá trình phân phối các lợi ích sẽ làm cho mục tiêu “công bằng và văn minh” là những tiêu chí phản ánh mục tiêu mang tính “định hướng XHCN” của chúng ta trở thành hiện thực.

Hơn một phần tư thế kỷ “đổi mới” là một khoảng thời gian rất ngắn đối với lịch sử, những thành tựu là to lớn, những thách thức cũng rất to lớn, nhất là giữa thời kỳ kinh tế thế giới cũng đang đối mặt với thử thách như chưa từng có... nhưng xu thế không thể đảo ngược. Đạo làm giàu với cốt lõi là tinh thần yêu nước và chí khí vưon lên hội nhập với kinh tế thế giới vẫn là những nội hàm căn bản về “văn hoá doanh nhân, DN” VN. Kinh nghiệm của bạn bè quốc tế vẫn là những giá trị quý báu để VN vươn lên hội nhập làm cho “Đạo Làm Giàu” ngày một hoàn thiện...

Ông Phạm Gia Túc - Phó chủ tịch VCCI:
Nâng cao và nhân lên những giá trị bản sắc

Trân trọng và nhân lên những giá trị mang tính bản sắc văn hóa Việt sẽ khẳng định được vị thế của DN VN trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Từ đó, các DN cần đề ra các giải pháp để xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa người lao động với DN thông qua việc quan tâm, tạo việc làm ổn định, chăm sóc người lao động, đặc biệt là các lao động nữ, lao động khuyết tật, đồng thời bồi đắp tình yêu và niềm tự hào về DN trong mỗi người lao động.

Xây dựng văn hóa trong kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh theo kiểu cá lớn “nuốt cá bé”, sử dụng các biện pháp, thủ đoạn trái pháp luật và thiếu đạo lý giữa các DN. Văn hóa kinh doanh gắn với vấn đề xây dựng quan hệ bền vững với khách hàng, loại bỏ các hình thức kinh doanh kiểu “chụp, giật” nhằm đạt lợi ích trước mắt. Xây dựng văn hóa kinh doanh gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN và vấn đề bảo vệ môi trường.

TS Hoàng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN:
Xây dựng mối liên kết bền vững DN và người lao động

Mục tiêu xây dựng mối liên kết giữa DN và người lao động là đạt được sự hài hòa, ổn định và tiến bộ, đồng thời tập trung giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, hạn chế thấp nhất đình công không đúng trình tự pháp luật, nhằm đảm bảo lợi ích NLĐ, lợi ích nhà đầu tư và lợi ích của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư có hiệu quả.

Giải quyết vấn đề tiền lương, tiền công, trợ cấp xã hội phù hợp với tình hình kinh tế -xã hội của đất nước; gắn tiền lương của người lao động với hiệu quả kinh doanh của DN. Chăm lo bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện làm việc; hạn chế tai nạn lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lao động, đưa việc thi hành pháp luật lao động vào nền nếp; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt. Pháp luật lao động là điều kiện cần, thương lượng tập thể có hiệu quả là điều kiện đủ để xây dựng quan hệ lao động tiến bộ. Coi thương lượng tập thể, đẩy mạnh đối thoại xã hội là công cụ, phương tiện quan trọng cho việc giải quyết mâu thuẫn.

TS Mai Hải Oanh -– Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa – Xã hội Tạp chí Cộng sản:
Tạo nội lực để phát triển bền vững

Văn hóa DN đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của DN. Một DN, đặc biệt là những DN quy mô lớn, là tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa, trình độ nhận thức, quan hệ xã hội, vùng miền địa lý, tư tưởng văn hóa... Chính sự khác nhau này tạo ra môi trường làm việc đa dạng và phức tạp, thậm chí có những mặt trái ngược nhau. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng quốc tế hóa buộc các DN phải liên tục tìm tòi đổi mới cho phù hợp với thực tế nếu muốn tồn tại và phát triển. Muốn thế, DN phải trở thành nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, là nơi tạo ra lực điều tiết tác động tích cực đối với tất cả các yếu tố chủ quan khác nhau nhằm gia tăng giá trị của nguồn lực con người, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của DN. Điều này đòi hỏi DN phải xây dựng và duy trì một nền nếp văn hóa đặc thù.

( Theo DDDN)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Văn hóa doanh nhân gắn với tinh thần dân tộc

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc