top-banner-2

Thứ bảy, 07/12/2013, 07:20 GMT+7

Giữ chân nhân sự giỏi bằng tạo dựng niềm tin

Thứ bảy, 07/12/2013, 07:20 GMT+7

Thông thường, thành công của các tổ chức, cho dù ở cấp độ quốc gia hay doanh nghiệp (DN), phần lớn đều phụ thuộc vào năng lực và tâm huyết của nhân lực trong tổ chức đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có được nhân sự tốt cho DN và làm sao để duy trì sự hài lòng của người lao động cũng như giữ được chân nhân tài?

alt

Ở khu vực công và tầm mức quốc gia thì "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", như Bác Hồ đã chỉ bảo; hoặc "con người mới quan trọng, hệ thống không quan trọng" như Lý Quang Diệu, vị chính khách kỳ cựu của Singapore, đã đúc kết gần đây: "Suốt 40 năm qua, tôi đã quan sát thấy, ngay cả với một hệ thống chính phủ kém nhưng có những con người giỏi giang thì người dân vẫn có một chính phủ tạm ổn với mức tiến bộ khá. Mặt khác, tôi đã thấy nhiều hệ thống chính quyền lý tưởng với các hiến pháp và thể chế hoàn hảo đã bị thất bại vì thiếu những người có năng lực".

Ở cấp độ DN, lãnh đạo và nhân sự càng đóng vai trò quan trọng. Có thể nói, lãnh đạo và nhân sự là yếu tố cốt lõi quyết định thành công của DN trong dài hạn.

Cho dù DN kinh doanh trong ngành nghề gì, xuất phát điểm ở đâu, chỉ cần tập hợp được những nhà lãnh đạo có năng lực và tâm huyết, đội ngũ nhân sự phù hợp thì trước sau gì DN đó cũng có được định hướng kinh doanh phù hợp, công nghệ, thị trường phù hợp và thành công trong dài hạn.

Tiền lương - Yếu tố quan trọng nhất để giữ chân lao động giỏi. Khi Chương trình Xếp hạng Quốc gia về Việc làm BestViet, thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tạp chí Lao động Xã hội, điều tra về sự hài lòng của người lao động tại DN để làm cơ sở xây dựng danh mục xếp hạng "BestViet - Top nhà tuyển dụng hàng đầu", đã cho thấy kết quả không có gì bất ngờ.

Đó là mức lương, thưởng và đãi ngộ vật chất giữ vai trò quan trọng hàng đầu theo đánh giá của người lao động về nơi làm việc tốt nhất ở Việt Nam (trên 80% người trả lời phỏng vấn cho biết tiền lương và thưởng là quan trọng nhất).

Báo cáo của Chương trình BestViet cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát cao, chi phí sinh hoạt gia tăng nhanh khiến người lao động phải hy sinh các lợi ích dài hạn để tập trung vào mục tiêu bảo đảm thu nhập và ổn định cuộc sống.

Do vậy, tại Việt Nam, sự công bằng giữa lợi ích và tiền lương chính là vấn đề cốt lõi của những công ty thành công khi nhận được sự cam kết của người lao động.

Nếu chỉ cung cấp mức lương vừa đủ sống cho người lao động, đồng nghĩa với DN có nguy cơ mất đi những nhân viên giỏi do những nhà tuyển dụng khác trả mức lương xứng đáng hơn để mời gọi họ về.

Giữ chân người lao động bằng niềm tin và thương hiệu nhà tuyển dụng. Nhưng rõ ràng, tiết kiệm chi phí cũng là một mục tiêu quan trọng của các nhà tuyển dụng.

Hơn nữa, mức lương có khung giá chung theo thị trường lao động. Do vậy, trên thực tế, các "nhà tuyển dụng tốt nhất" thường chỉ có thể trả cho người lao động một mức lương xứng đáng và công bằng, chứ không phải một mức lương quá cao.

Nhìn chung, tăng lương không phải là giải pháp khả thi và bền vững để giữ chân người lao động một khi mức lương đó đã cao hơn mức trung bình của thị trường.

Biện pháp hữu hiệu và khả thi để giữ chân và thu hút người tài chính là tạo dựng môi trường làm việc và thương hiệu nhà tuyển dụng tốt. Kết quả điều tra của BestViet cho thấy, đang có một xu hướng thay đổi khá căn bản về nhu cầu của thị trường lao động cũng như nhu cầu của từng người lao động khi nhìn nhận về một công việc và một nơi làm việc tốt.

Nhìn chung, người lao động Việt Nam đã bắt đầu có những định hướng đúng đắn hơn trong mục tiêu nghề nghiệp của mình, đã có khá nhiều người lao động đánh giá cao việc phải trở thành chuyên gia, hoặc chủ động và tự lập trong việc làm.

Việc nhấn mạnh vào mục tiêu nghề nghiệp "trở thành chuyên gia trong ngành nghề của mình" là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy người lao động đã chú trọng hơn vào việc phát triển các kỹ năng chuyên môn.

Do vậy, cần tạo dựng nơi người lao động niềm tin vào DN, lãnh đạo DN và thương hiệu nhà tuyển dụng của DN. Cùng với mức lương thỏa đáng, lòng tin của người lao động vào lãnh đạo DN, tương lai phát triển và chế độ nhân sự công bằng và công khai của DN, cơ hội đào tạo và thăng tiến tại DN... sẽ là nhân tố có vai trò quyết định tạo ra động lực cho người lao động để họ cống hiến cho công việc nhiều hơn.

Cách tốt nhất để tạo dựng lòng tin là DN phải làm sao để được công chúng và xã hội ghi nhận là "nhà tuyển dụng hàng đầu", "DN có trách nhiệm xã hội".

Đạt được danh hiệu "nhà tuyển dụng hàng đầu" giúp DN tiết kiệm chi phí trong tuyển dụng nhân sự, thuận lợi hơn trong việc tạo động lực cho nhân viên cũng như tạo được sức mạnh tập thể, bởi sự chia sẻ sứ mệnh, tầm nhìn của DN được thông suốt trong nội bộ và việc duy trì văn hóa DN cũng dễ dàng thực hiện hơn.

 

Theo DNSG

 

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giữ chân nhân sự giỏi bằng tạo dựng niềm tin

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc