top-banner-2

Thứ ba, 17/09/2013, 13:56 GMT+7

FPT “đại phẫu” bất thành?

Viết bởi lehang   
Thứ ba, 17/09/2013, 13:56 GMT+7

► Với mong muốn tạo nên sự đột phá, CTCP Tập đoàn FPT (FPT) liên tục có sự thay đổi về vị trí lãnh đạo cao nhất.

Thế nhưng, khi hiệu quả của sự điều chỉnh chưa thật sự rõ ràng, FPT đã phải đón nhận những thông tin không vui.

altMột buổi lễ ký kết hợp tác giữa FPT Online với TienPhong Bank.

Biến động nhân sự

FPT vừa công bố bổ nhiệm Tổng giám đốc mới, ông Bùi Quang Ngọc, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT. Trước đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT, đã phải kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc sau khi ông Trương Đình Anh từ nhiệm hồi tháng 9-2012. Việc FPT đưa Trương Đình Anh lên ghế Tổng giám đốc vào đầu năm 2011 được coi như sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo của FPT.

Ông Trương Đình Anh khi đó được coi là thế hệ lãnh đạo thứ 2 và được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đương chức, ông Trương Đình Anh đã từ nhiệm với lý do có những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT.

Trong buổi gặp gỡ các NĐT sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc, ông Bùi Quang Ngọc cho biết mục tiêu tăng trưởng trong vài năm tới của FPT từ 15-25%/năm. Định hướng của FPT trong thời gian tới là hướng đến thị trường mới, công nghệ mới. Ngoài tăng trưởng nội tại từ các lĩnh vực hiện có, FPT sẽ xem xét các cơ hội M&A để bổ sung các phần chưa có hoặc chưa làm tốt, giúp đẩy mạnh tăng trưởng.

Khác với lần bổ nhiệm Trương Đình Anh, việc bổ nhiệm ông Bùi Quang Ngọc lần này được cho là quyết định an toàn của FPT trong thời điểm hiện nay. Ông Ngọc là 1 trong 13 thành viên sáng lập và đã có 15 năm làm Phó Tổng giám đốc FPT.

Do đó, ông có hiểu biết sâu sắc về FPT và tầm nhìn chiến lược với HĐQT. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm một người thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên vào vị trí Tổng giám đốc cho thấy chuyển giao thế hệ lãnh đạo vẫn không phải là việc dễ dàng ở FPT, thậm chí là thất bại.

Được biết, khi ông Trương Đình Anh từ nhiệm, ban lãnh đạo FPT đã đưa ra ý tưởng chọn lựa và đào tạo một đội ngũ kế cận được luân chuyển công tác qua tất cả các công ty thuộc tập đoàn, nhằm giúp hiểu sâu từng lĩnh vực hoạt động và cùng trải nghiệm để có thể chia sẻ và hợp tác tốt.

Dự kiến đội ngũ kế cận sẽ có thể nhận chuyển giao sau khoảng 3-4 năm nữa. Nghĩa là FPT vẫn tiếp tục được "lèo lái" bởi người "thuyền trưởng" thừa kinh nghiệm nhưng thiếu sức sáng tạo vốn được coi là truyền thống của FPT.

Trước khi có hàng loạt sự xáo trộn về nhân sự cao cấp, năm 2011 FPT đã khởi động chiến lược OneFPT. Theo đó, FPT xác định phải trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam. Các chiến lược được ưu tiên bao gồm: tập trung phát triển viễn thông băng rộng hàng đầu Việt Nam, tạo dựng dòng sản phẩm "Made by FPT"; sử dụng thành công mô hình hợp tác công tư; toàn cầu hóa FPT, đưa sản phẩm dịch vụ FPT ra ngoài biên giới; triển khai quyết liệt chủ trương hợp lực giữa các công ty thành viên.

Sụt giảm các lĩnh vực thế mạnh

Tuy nhiên, tất cả những đổi thay mang tính bước ngoặt này đã không thể vực dậy một FPT đang ngày càng "già nua". Thậm chí, việc có quá nhiều xáo động về nhân sự cao cấp đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Lấy dẫn chứng từ kết quả kinh doanh năm 2012 của tập đoàn này.

Theo BCTC năm 2012, dù lợi nhuận kế hoạch đã điều chỉnh giảm 15% từ cuối tháng 8-2012, nhưng kết thúc năm FPT vẫn chỉ hoàn thành 92% kế hoạch.

Cụ thể, doanh thu đạt 25.350 tỷ đồng (giảm 2,4% và chỉ hoàn thành 97% kế hoạch đã điều chỉnh), lợi nhuận sau thuế đạt 1.540 tỷ đồng (giảm 8,4% và hoàn thành 92% kế hoạch đã điều chỉnh). Điều đáng nói là mặc dù doanh thu của phần lớn các lĩnh vực đều tăng trưởng từ 17-60%, nhưng doanh thu của 2 lĩnh vực có vai trò quan trọng nhất đối vớiFPT lại có mức sụt giảm mạnh là: sản xuất, phân phối, bán lẻ sản phẩm công nghệ (chiếm 57% doanh thu, giảm 12%) và lĩnh vực tích hợp hệ thống (chiếm 12% doanh thu, giảm 11%).

Theo giải trình của FPT, nguyên nhân sụt giảm là do nhu cầu nội địa sụt giảm kèm theo xu hướng thắt chặt chi tiêu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, nhiều lĩnh vực khác có doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn giảm, như lĩnh vực nội dung số (doanh thu tăng 60% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 19%), phát triển phần mềm (doanh thu tăng 24% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 1%).

Các lĩnh vực dịch vụ tin học, giáo dục tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận nhưng mức độ đóng góp chưa nhiều cho tập đoàn. Như vậy, nếu xem xét tổng quan các lĩnh vực hoạt động của FPT, cho thấy tỷ suất lợi nhuận của phần lớn các lĩnh vực đều sụt giảm và sự tăng trưởng lợi nhuận của lĩnh vực viễn thông, dịch vụ tin học và giáo dục không đủ bù đắp sự sụt giảm lợi nhuận của các hoạt động còn lại.

Riêng hoạt động viễn thông có kết quả kinh doanh tốt nhưng cần phải lưu ý rằng FPT chỉ tham gia góp 42,51% vốn tại FPT Telecom. Công ty này được hợp nhất vào FPT nên lợi nhuận thuộc về FPT không nhiều như số liệu đóng góp theo các lĩnh vực trong BCTC.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của FPT cũng tiếp tục thể hiện sự chậm chạp khi doanh thu và lợi nhuận chỉ tăng nhẹ so với năm 2012. Cụ thể, doanh thu hợp nhất 6 tháng đạt 12.267 tỷ đồng (tăng 9%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.059 tỷ đồng (tăng 7%). Đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu vẫn là mảng viễn thông và phát triển phần mềm với tỷ trọng 35% và 22% tổng lợi nhuận trước thuế.

Đáng chú ý là mảng phân phối và nội dung số là 2 mảng hoạt động đang gặp khó khăn do thị trường trong nước vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Năm 2013, FPT đặt kế hoạch 26.926 tỷ đồng doanh thu (tăng 6%) và 2.646 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 10%). Như vậy, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm của FPT sau nửa chặng đường mới chỉ đạt lần lượt 45% và 40%.

Ồ ạt thoái vốn

Khi những vấn đề tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm thì FPT đón nhận những thông tin không vui. Đó là việc thoái vốn của đối tác chiến lược lớn Orchid Capital Investments Pte Ltd (thuộc Tập đoàn Đầu tư Chandler Corp).

Trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 9, quỹ đầu tư này đã bán ra hơn 29 triệu CP FPT (chiếm hơn 10% vốn điều lệ) với tổng giá trị hơn 1.300 tỷ đồng (tương đương 60 triệu USD). Có thể nói, đây là một tổn thất lớn đối với FPT bởi Orchid Capital Investments Pte Ltd là tập đoàn đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ FPT nâng cao công tác quản trị theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch và độc lập.

Tiếp theo sau sự thoái lui của Orchid Capital Investments Pte Ltd là việc ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng giám đốc và hiện đang là Ủy viên HĐQT, đăng ký bán hơn 1,1 triệu CP FPT kể từ ngày 16-9. Việc ông Trương Đình Anh đăng ký bán gần như toàn bộ cổ phần của mình tại FPT khiến nhân viên tập đoàn và cả giới đầu tư không khỏi bất ngờ, bởi mối quan hệ sâu đậm của ông này với FPT.

Ông Trương Đình Anh là cháu ruột của Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, gia nhập FPT từ năm 1993 và CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) dưới sự điều hành của ông đã trở thành một trong những công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam.

Có thể nói, những cuộc chia tay bất ngờ này khiến giới đầu tư ít nhiều mất đi niềm tin về sự "lột xác" của FPT sau hàng loạt những thay đổi mang tính bước ngoặt vừa qua. Thực tế, khi những thông tin này được công bố, giá CP FPT nhanh chóng rớt giá, hiện FPT đang giao dịch quanh mức 42.000 đồng/CP.

Theo Sài Gòn Đầu tư

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

FPT “đại phẫu” bất thành?

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc