top-banner-2

Thứ tư, 04/09/2024, 10:47 GMT+7

Đề xuất cắt, giảm hàng loạt thủ tục hành chính ngành Công thương

Viết bởi ducanh   
Thứ tư, 04/09/2024, 10:47 GMT+7

Tin từ Văn phòng Bộ Công Thương, cơ quan này vừa có dự thảo Báo cáo về kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2025 gửi Thủ tướng Chính phủ.

de-xuat-cat-giam-hang-loat-thu-tuc-hanh-chinh-nganh-cong-thuong

Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp mã số nhà sản xuất (MID) hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Bộ Công Thương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ Công Thương báo cáo kết quà rà soát, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước năm 2024.

Đối với kết quả rà soát, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2025: Tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2024 là 69/642 (đạt 10,75%) quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.

Trong đó dự kiến: Lĩnh vực quản lý cạnh tranh cắt giảm, đơn giản hóa 1 điều kiện kinh doanh và 1 thủ tục hành chính (TTHC); xuất nhập khẩu 19 thủ tục hành chính; an toàn thực phẩm 1 điều kiện kinh doanh; điện lực 10 điều kiện kinh doanh; hóa chất 6 thủ tục hành chính; vật liệu nổ công nghiệp 4 thủ tục hành chính; ô tô 8 điều kiện kinh doanh; xăng dầu 2 điều kiện kinh doanh; công nghiệp nhẹ (rượu, thuốc lá) 5 điều kiện kinh doanh, 12 thủ tục hành chính.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thể, hủy bỏ, bãi bỏ trong phương án cắt giảm, đơn giản hóa 22 văn bản quy phạm pháp luật.

Cắt, giảm 19 TTHC lĩnh vực xuất nhập khẩu

Cụ thể, thủ tục hành chính 1: Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (mã TTHC: 1.000350)

Nội dung cắt giảm: Phân cấp thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam từ Bộ Công Thương về Sở Công Thương diện tại Việt Nam từ Bộ Công Thương về Sở Công Thương. Lộ trình trong năm 2025.

Lý do cắt, giảm thủ tục này, Bộ Công Thương cho biết: Trên cơ sở thực hiện phân cấp các thủ tục/nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Quyết định 1015/QĐ-TTg, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Cơ quan này kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung Điều 6, Điều 9 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 của Chính phủ quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4, Điều 12, 13 Thông tư số 28/2012/TT-BCT ngày 27/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

Thủ tục hành chính 2: Cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (mã TTHC: 1.005405). Lộ trình thực hiện trong năm 2025.

Nội dung cắt giảm: Phân cấp thủ tục hành chính cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam từ Bộ Công Thương về Sở Công Thương.

Lý do, trên cơ sở thực hiện phân cấp các thủ tục/nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Quyết định 1015/QĐ-TTg, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Điều 6, Điều 12 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 của Chính phủ quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện điện tại Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4, Điều 12, 13 Thông tư số 28/2012/TTBCT ngày 27/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

Thủ tục hành chính 3: Gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (mã TTHC: 1.005406)

Nội dung cắt giảm: Phân cấp TTHC gia hạn giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam từ Bộ Công Thương về Sở Công Thương Lý do: Trên cơ sở thực hiện phân cấp các thủ tục/nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Quyết định 1015/QĐ-TTg, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Điều 6, Điều 13 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 của Chính phủ quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4, Điều 12, 13 Thông tư số 28/2012/TTBCT ngày 27/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

Thủ tục hành chính 4: Thủ tục cấp mã số nhà sản xuất (MID) hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ (Mã TTHC: 1.000113). Nội dung cắt giảm là bãi bỏ thủ tục cấp mã số nhà sản xuất (MID) hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương cho rằng, việc quy định cấp mã MID trước đây mang tính thời điểm, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu lần đầu sang Hoa Kỳ và cũng là nhằm thể hiện với phía Hoa Kỳ về việc tự kiểm soát các doanh nghiệp, chống gian lận thương mại, chống chuyển tải khi Hoa Kỳ đang áp dụng cơ chế giám sát ngặt nghèo chưa từng áp dụng với các nước xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Hiện tại, cơ chế giám sát của Hoa Kỳ đã được bãi bỏ hơn 10 năm, việc xuất khẩu đang diễn ra bình thường, không cần thiết có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp mã MID.

Kiến nghị thực thi: Bãi bỏ Thông tư số 16/2010/TT-BCT ngày 20/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc cấp Mã số nhà sản xuất hàng dệt may xuất khẩu (MID) sang Hoa Kỳ

Đối với quy định này, Bộ Công Thương đã đưa vào dự thảo Thông tư bãi bỏ các Thông tư của Bộ Công Thương và dự kiến ban hành trong năm 2024.

Tháo gỡ nhiều ràng buộc trong kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương vừa ban hành Công văn số 6613/BCT-PC gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị tham gia ý kiến dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2025.

Riêng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, với yêu cầu, điều kiện 1: "Cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu". Bộ Công Thương đề xuất, bỏ điều kiện "Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên.

Lý do của đề xuất này, Bộ Công Thương cho hay, trong quá trình kinh doanh xăng dầu, xăng dầu được vận chuyển tử kho, bồn, bể chứa của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tới cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đây là hoạt động bình thường trong chuỗi cung ứng xăng dầu của thương nhân kinh doanh xăng dầu mà không cần thiết là điều kiện kinh doanh, do thương nhân có thể trực tiếp vận chuyển bằng phương tiện của mình sở hữu, phương tiện đi thuê hoặc thuê dịch vụ vận chuyển xăng dầu.

Để thực thi, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 7 về điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu).

Với nội dung Cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đề xuất bỏ các điều kiện kinh doanh đối với thương nhân phân khối xăng dầu bao gồm: Kho, bể chứa xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu, phòng thử nghiệm xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, các nội dung trên sau nhiều năm vận hành cho thấy không còn phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xăng dầu hiện nay. Do đó, việc cắt giảm điều kiện trên tại Dự thảo Nghị định là phù hợp với thực tế kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị bãi bỏ khoản 2, 3, 4 Điều 13 Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 13: "Có kho, bể dung tích tối thiểu hai nghìn mét khối (2.000 m3), thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (05) trở lên; khoản 3 Điều 13: "Có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu tư năm (05) trở lên"; khoản 4 Điều 13: "Có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc có hợp đồng dịch vụ thuê cơ quan nhà nước có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng".

Các nội dung sửa đổi sẽ được thực hiện sau khi dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu được ban hành.

Để đảm bảo hiệu quả của việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nói chung và lĩnh vực xăng dầu nói riêng, Bộ Công Thương đề nghị Quý cơ quan (Văn phòng Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) có ý kiến phản hồi gửi về Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) trước ngày 10/9/2024.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 20/662 (đạt 3,021%) quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ, có thể kể đến như: 5 điều kiện về tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất mà Quyết định số 209/QÐ-TTg yêu cầu phải bãi bỏ (Cấp, cấp lại, cấp điều chinh Giấy phép sản xuất hóa chất DOC, DOC- PSF); 6 quy định yêu cầu về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với hoạt động sản xuất hóa chất DOC, DOC – PSF…

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương và đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm khi phát hiện những quy định không còn phù hợp hoặc khi có phản ánh, kiến nghị về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương.

(nguồn: baochinhphu.vn)

 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đề xuất cắt, giảm hàng loạt thủ tục hành chính ngành Công thương

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc