top-banner-2

Thứ ba, 14/05/2024, 10:08 GMT+7

Nâng hiệu quả quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 14/05/2024, 10:08 GMT+7

Trước bối cảnh số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, quy mô hoạt động ngày cảng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế, những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho NSNN trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

nang-hieu-qua-quan-ly-tuan-thu-thue-trong-nen-kinh-te-so

Hội thảo Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 13/5 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/HT

Đây là ý kiến của của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh tại Hội thảo Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 13/5 tại Hà Nội.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại thì cả nước hiện có gần 1 triệu DN, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân thuộc diện chịu thuế TNCN (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế TNCN).

Theo Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều DN, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam. Trong những năm qua, ngành thuế đã chú trọng triển khai công tác quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế. Trong đó, thực hiện tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành thuế; xây dựng các Bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế hỗ trợ cho công tác quản lý thuế để lựa chọn người nộp thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế và xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn; quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hoá đơn của người nộp thuế phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu cho NSNN.

Nâng hiệu quả quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số- Ảnh 2.

Phó Tổng cục trưởng Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu - Ảnh: VGP/HT

"Việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Do vậy, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho NSNN", ông Đặng Ngọc Minh nhận định.

Để bắt kịp với xu thế đó và trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung, ngành thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế.

Còn theo TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), để nâng cao hiệu quả quản lý thuế cần hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro.

Có cùng quan điểm, bà Ngô Thị Thùy Linh - Phó Trưởng Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho rằng: Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại sẽ hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện phương pháp quản lý thuế mới.

Việc ứng dụng công nghệ giúp xử lý nhanh chóng một lượng lớn các thông tin, sàng lọc hiệu quả thông tin dựa vào các tiêu chí rủi ro đã được xác định trước và hỗ trợ việc đưa ra quyết định đối với trường hợp đánh giá là tuân thủ tốt, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ.

Để việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được thực hiện theo lộ trình phù hợp về thời gian, nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chiến lược cải cách hành chính nói chung, chiến lược cải cách hệ thống thuế nói riêng, ngành thuế đang xây dựng kế hoạch áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ tổng thể theo định hướng: Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tuân thủ tổng thể tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế theo nguyên tắc phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ về thuế....

Ông Trần Hữu Trung, Chủ nhiệm cao cấp về tư vấn công nghệ, Công ty tư vấn EY Việt Nam cho rằng, với việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phố biến, giao dịch thực hiện nhiều hơn qua ngân hàng, trung gian thanh toán, cơ quan thuế có điều kiện tốt hơn để thu thập dữ liệu. Bên cạnh đó, ngành thuế còn có hỗ trợ từ dữ liệu hoá đơn điện tử, đơn đặt hàng… 

Tuy nhiên, việc thu thập mới thực hiện được thông qua các sàn giao dịch điện tử, còn trên mạng xã hội khó khăn hơn rất nhiều. Theo ông Trần Hữu Trung, đây không chỉ là vấn đề của ngành thuế Việt Nam, các quốc gia cũng gặp tình trạng tương tự. Vì vậy, việc thu thập dữ liệu cần có sự phối hợp tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, nếu bỏ qua biện pháp quản lý rủi ro, để cá nhân, doanh nghiệp tự khai, tự nộp, thì sẽ tạo lỗ hổng rất lớn về thuế, đặc biệt trong thời kỳ thương mại điện tử toàn cầu.

Bên cạnh đó, Luật quản lý thuế đưa ra biện pháp kết nối cơ sở dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng, có nghĩa vụ khấu trừ tiền thuế của người bán. Văn bản hướng dẫn cũng đã có nhưng trong thực tế, việc khấu trừ thuế của cá nhân có hoạt động thương mại điện tử ở ngoài Việt Nam, hoặc từ nước ngoài chuyển về vẫn chưa thực hiện được.

"Trong quá trình quản lý rủi ro, cơ quan thuế phải phân loại cá nhân, doanh nghiệp theo mức độ tuân thủ, xác định rủi ro với từng lĩnh vực, để có biện pháp để quản lý riêng. Đây cũng là cách các quốc gia áp dụng, đưa quản lý rủi ro trở thành nội dung cơ bản trong quản lý thuế. Dù việc thực hiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành thuế sẽ từng bước quản lý tốt, khi có sự kết nối, kết hợp dữ liệu từ các tổ chức tín dụng, nền tảng số, các cơ quan quản lý", bà Nguyễn Thị Cúc tin tưởng.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nâng hiệu quả quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc