Hoàn thiện hành lang pháp lý để chống rửa tiền hiệu quả hơn |
Viết bởi ducanh |
Thứ năm, 21/12/2023, 11:23 GMT+7 |
Với những thách thức mới trong hoạt động phòng chống rửa tiền, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện cơ chế, quy định để phù hợp hơn với thực tiễn và nâng cao hiệu quả thực hiện. Hội thảo khoa học quốc gia "Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện - Thách thức và giải pháp quản lý" - Ảnh: VGP Đây là thông tin được trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc gia "Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện - Thách thức và giải pháp quản lý" do các đơn vị của Bộ Tài chính phối hợp tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội. Ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là một trong những hoạt động luôn được quan tâm bởi các nhà làm luật, chính sách và các cơ quan thực thi. Vị này cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong việc làm minh bạch tài chính, trong sạch hệ thống tài chính, cũng như góp phần làm giảm các loại hình tội phạm khác trong xã hội như buôn lậu, buôn người, ma tuý, tham nhũng… Ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, các giao dịch xuyên biên giới ngày càng phát triển, thì ông Đỗ Văn Trường cho rằng, việc thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt càng phải hiệu quả và chặt chẽ. Còn theo PGS.TS Nhữ Trọng Bách, Phó Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo quốc gia, hoạt động rửa tiền tại Việt Nam hiện nay phức tạp gia tăng theo thời gian cả về quy mô, số lượng, đặc biệt hình thức rửa tiền mới đã xuất hiện như tài sản ảo, tiền ảo, sàn giao dịch ảo… Hoạt động rửa tiền tại Việt Nam đã có tác động tiêu cực đến vĩ mô nền kinh tế, giảm an ninh tiền tệ, an ninh tài chính và an ninh xã hội. Vì thế, Hội thảo đóng góp phần nào đánh giá thực trạng cũng như kiến nghị giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam hiện nay trong phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện. Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Huy Công, đến từ Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho hay, các đối tượng có thể lợi dụng việc thanh toán thuế xuất nhập khẩu thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ để rửa tiền/tài trợ khủng bố; khai sai trị giá tính thuế, khai tăng hoặc giảm giá trị, số lượng, trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu… nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có hoặc huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố. Từ thực trạng này, ông Nguyễn Huy Công chia sẻ, ngành hải quan đã đẩy mạnh áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu thuế, phí, lệ phí phát sinh trong lĩnh vực hải quan, đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời. Ngoài ra, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, cơ quan Hải quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó ban hành các văn bản chỉ đạo toàn ngành về công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, quản lý rủi ro, thuế xuất nhập khẩu; ký kết với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng qua biên giới. Theo đó, ngành Hải quan đã đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Chú trọng kiểm tra về trị giá, mã số hàng hóa để kịp thời phát hiện những trường hợp áp sai mã số, trị giá hàng hóa, đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế xuất nhập khẩu. Ngoài ra, các chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng cũng đã nêu cụ thể về những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, đặc biệt những rủi ro mới trong bối cảnh thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, cách mạng công nghiệp 4.0. Nhấn mạnh yêu cầu về hoàn thiện hành lang pháp lý, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, một số quy định trong Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 đến nay không còn phù hợp. Nên vị chuyên gia này kiến nghị cần có nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế, quy định về biện pháp phòng ngừa áp dụng với các đơn vị để hoạt động phòng, chống rửa tiền đạt kết quả cao. Chia sẻ về thực trạng thực thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Tuy nhiên, một số quy định trong Luật đến nay không còn phù hợp, đã có nhiều thay đổi và 11 lần sửa đổi các khuyến nghị. Hơn nữa, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới như tiền ảo, tài sản ảo, các hình thức thanh toán, cho vay trực tuyến… càng làm cho nguy cơ xuất hiện các hành vi tội phạm nói chung và hành vi tội phạm rửa tiền rửa tiền có cơ hội gia tăng đột biến. "Các quy định trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cần được thực thi hiệu quả. Đồng thời, chuyên gia đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế, quy định về biện pháp phòng ngừa áp dụng với các đơn vị để hoạt động phòng, chống rửa tiền đạt kết quả cao", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị. (nguồn: baochinhphu.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|