Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm đồng bộ, sát thực tiễn |
Viết bởi ducanh |
Thứ ba, 27/05/2025, 11:11 GMT+7 |
Bộ Tài chính đang tích cực lấy ý kiến về các dự thảo Nghị định, Thông tư nhằm phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính. Với sự tham gia của 63 tỉnh, thành, nhiều đề xuất cụ thể đã được nêu, hướng tới triển khai thực chất, đồng bộ. Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực tài chính - Ảnh: VGP/HT Nơi nào làm tốt và hiệu quả nhất thì giao quyền Chiều 26/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực tài chính. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì, với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: thực hiện Kết luận số 155-KL/TW của Bộ Chính trị về phân cấp, phân quyền, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát hệ thống pháp luật và tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Trong đó, bao gồm hàng loạt lĩnh vực như đầu tư công, đấu thầu, quản lý ngân sách nhà nước, thống kê tài chính, tài sản công và quản lý giá. Bộ trưởng cho biết, quá trình rà soát này đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi các luật quan trọng như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thuế thu nhập cá nhân, đồng thời chuẩn bị trình các dự thảo luật mới như Luật Tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Đầu tư. Không chỉ dừng ở việc sửa đổi luật, Bộ Tài chính còn chủ trì xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ ban hành 10 Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho 10 tỉnh, thành. Đáng chú ý, có 27 chính sách liên quan đến phân quyền đã và đang được triển khai tại các địa phương. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, các chính sách phân quyền cũng được thể chế hóa thêm vào Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn và Luật Di sản văn hóa. Với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo một cách đồng bộ, thực chất. Mặc dù thời gian rất gấp, song Bộ đã cố gắng hoàn tất các dự thảo, gửi lấy ý kiến từ các bộ ngành, địa phương và đang trong quá trình thẩm định tại Bộ Tư pháp. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mục tiêu là xây dựng văn bản pháp luật không chỉ đúng quy trình mà còn khả thi trong thực tiễn, hạn chế tối đa việc phải sửa đổi sau khi ban hành. Đặc biệt, trong quá trình triển khai nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẵn sàng điều chỉnh kịp thời. "Quan điểm xuyên suốt là "nơi nào làm tốt và hiệu quả nhất thì giao quyền". Đó không chỉ là nguyên tắc quản lý, mà còn là thông điệp rõ ràng cho tư duy đổi mới trong tổ chức chính quyền địa phương", người đứng đầu Bộ Tài chính nêu quan điểm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT Địa phương đồng thuận, kỳ vọng sớm ban hành quy định mới Đồng tình với chủ trương đẩy mạnh phân quyền, các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng đã có những phản hồi tích cực và góp ý cụ thể cho Bộ Tài chính. Từ góc độ Hà Nội, đại diện Sở Tài chính cho biết các cơ quan chức năng của thành phố đã khẩn trương tổ chức rà soát dự thảo. Dù thời gian lấy ý kiến ngắn, song các nội dung trong dự thảo được đánh giá là khá toàn diện, phân rõ thẩm quyền từng cấp từ Trung ương tới cấp xã. Lãnh đạo TP Hà Nội đặc biệt mong muốn các văn bản hướng dẫn cần được ban hành trước thời điểm 1/7 để có đủ thời gian triển khai mô hình chính quyền đô thị. Tương tự, đại diện TP.HCM cho biết đã tổ chức nghiên cứu kỹ nội dung và trực tiếp làm việc với các cục, vụ liên quan để thống nhất. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, TP.HCM đã huy động các sở ngành chuyên môn góp ý. Ngoài ra, một số vấn đề cụ thể về giải ngân vốn đầu tư công, tài sản công, thống kê và thuế cũng được nêu để làm rõ và bổ sung. Riêng TP. Hải Phòng, đại diện địa phương này cho rằng cần quy định rõ mô hình tổ chức và nguyên tắc chuyển giao nhiệm vụ khi bỏ cấp huyện. Cụ thể, nhiệm vụ nào cấp xã không đảm nhiệm được thì chuyển lên tỉnh. Ngoài ra, cần làm rõ nhiệm vụ của xã, tỉnh trong các dự án đa xã, đặc biệt là đầu tư công, đấu thầu. Hải Phòng cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền thoái vốn nhà nước và chuyển giao quyền với các đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô nhỏ. Quan điểm của địa phương là càng phân quyền mạnh thì càng tạo được động lực phát triển nếu được quản lý đúng cách. Bên cạnh đó, nhiều bộ ngành các tỉnh khác cũng đã gửi văn bản góp ý hoặc phát biểu tại Hội nghị. Nhìn chung, các ý kiến đều hoan nghênh tinh thần đổi mới, nhưng mong muốn cần quy định rõ ràng, tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng. Trao đổi giải đáp một số băn khoăn từ các địa phương, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay: Từ ngày 1/7, việc phân cấp, phân quyền và điều chỉnh thẩm quyền giữa các địa phương theo mô hình chính quyền hai cấp sẽ được đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, là tiền đề để bảo đảm quản lý ngân sách nhà nước không bị gián đoạn. Trong khi đó, các hệ thống Kho bạc, Thuế và Hải quan cũng đã được điều chỉnh tương ứng theo địa giới hành chính mới, phù hợp với yêu cầu tổ chức mô hình tài chính tại từng địa phương. Trong trường hợp, nếu còn vướng mắc phát sinh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp. Do đó, từ mốc 1/7, các địa phương có thể yên tâm triển khai công tác tài chính - ngân sách theo quy định thống nhất. Hơn nữa, sau khi Quốc hội thông qua các nội dung liên quan, nhiều quy định pháp luật sẽ được cụ thể hóa bằng Nghị định, qua đó không gây khó khăn trong lập và thực hiện dự toán ngân sách. Vì vậy, những nội dung liên quan đến phân cấp triệt để, điều chỉnh dự toán, quy hoạch và tổ chức bộ máy... sẽ tiếp tục được phối hợp chặt chẽ. "Trong trường hợp, quá trình triển khai quy hoạch, nếu có tình huống như nhà đầu tư đang triển khai dự án chi tiết nhưng chưa có quy hoạch phân khu hay quy hoạch chung, thì những nội dung này đều đã được Bộ Tài chính tính toán xử lý trong các quy định sửa đổi. Cụ thể, các quy hoạch được phép lập song song, nghĩa là dù chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vẫn có thể được phê duyệt và cập nhật vào các cấp quy hoạch cao hơn. Hay như vấn đề tài sản dôi dư sau khi sáp nhập sẽ được ưu tiên sắp xếp cho các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, cây xanh, công trình công cộng. Hiện nay, sau khi hoàn tất việc sắp xếp, các địa phương được quyền chủ động kêu gọi đầu tư, thực hiện các dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt", lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn ví dụ. Bộ Tài chính và các đơn vị đều thống nhất là quá trình triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương để nghị định và thông tư thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tối đa. Hội nghị được triển khai theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/HT Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các địa phương, đơn vị chưa gửi góp ý cần khẩn trương hoàn thiện và chuyển về Bộ trong ngày. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa để chỉnh lý dự thảo nghị định, đảm bảo phù hợp tinh thần phân cấp, phân quyền theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025. Đồng thời, Bộ Tài chính đã giao các đơn vị chức năng chuẩn bị hồ sơ trình Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi hoàn tất, hồ sơ sẽ được gửi Chính phủ trước ngày 30/5. Trong quá trình này, Bộ cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ để thẩm định nhanh, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và trình ký đúng tiến độ. Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2025, Bộ Tài chính dự kiến trình các dự thảo luật lớn, bao gồm Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đầu tư, Luật Tiết kiệm và chống lãng phí. Đây là bước tiếp theo trong hành trình hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính nhằm thực thi triệt để chủ trương phân quyền, cải cách hành chính, hiện đại hóa nền tài chính quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng khuyến nghị các địa phương chủ động tổng kết thực tiễn, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý. Điều này cũng là một phần quan trọng để hiện thực hóa Nghị quyết 66-NQ/TW – mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát 24 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và xác định có 563 nội dung, nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất phân cấp, phân quyền, sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp thuộc 233 văn bản quy phạm pháp luật. Bao gồm: 32 luật; 2 pháp lệnh; 14 nghị quyết của Quốc hội; 84 Nghị định; 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 95 Thông tư của Bộ trưởng. Tại hội nghị này, Bộ Tài chính lấy ý kiến về 5 Nghị định và 7 Thông tư. Trong đó, có 1 Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cùng với đó là 4 Nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực... (nguồn: baochinhphu.vn) Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|