DN phân phối, bán lẻ: “Dựa thế kẻ mạnh” hay “cho sói gửi chân” ? |
Thứ sáu, 12/07/2013, 14:21 GMT+7 | |||||
Những kỳ vọng về việc các DN phân phối, bán lẻ trong nước liên kết theo mô hình bó đũa để có thể cạnh tranh thành công với các tập đoàn phân phối, bán lẻ nước ngoài trên “sân nhà” đã không thành hiện thực. Không những vậy, trước khó khăn của thị trường, sức ép cạnh tranh, liên kết với các tập đoàn phân phối, bán lẻ nước ngoài dường như là cách lựa chọn khôn ngoan được rất nhiều DN đã, đang và sẽ thực hiện, nhưng cơ hội dường như cũng không còn nhiều... Tốc độ tăng trưởng bán lẻ mới đáng lo
Ngay từ năm 2007, 4 DN phân phối hàng đầu của VN là TCty Thương mại Hà Nội (Hapro), TCty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và Phú Thái Group đã liên kết, hợp tác với nhau thành lập Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối VN (VDA). VDA ra đời nhằm liên kết các nhà phân phối lớn của VN, làm nòng cốt cho phân phối nội địa và bổ trợ lẫn nhau trong các giải pháp tổng thể về hậu cần, giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông hàng hoá và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động của VDA trong thời gian vừa qua không được như kỳ vọng, chưa trở thành đầu tàu hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN phân phối bán lẻ trong nước. Nhưng coi đó là sự thất bại trong mô hình liên kết của các DN phân phối, bán lẻ trong nước cũng không hẳn, bởi hiện có nhiều hình thức để các DN liên kết hợp tác với nhau và việc ra đời của VDA chỉ là một trong các hình thức đó. Thực tế chứng minh, các DN phân phối, bán lẻ của VN đã không bị lấn át sau thời điểm VN chính thức mở cửa thị trường bán lẻ (2009) mặc dù các DN nước ngoài rất mạnh. Thậm chí, nhiều DN còn tiếp tục mở rộng được mạng lưới của mình, điển hình gần đây là sự phát triển mạng lưới bán lẻ của Saigon Co.op, Nguyễn Kim... Quan điểm của hiệp hội không hề cảm thấy lo ngại về việc thị phần phân phối bán lẻ sẽ bị chi phối bởi DN nước ngoài. Mặc dù thời gian vừa qua có nhiều DN của hiệp hội thực hiện liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài nhưng phần lớn vẫn giữ tỉ lệ áp đảo. Mặc dù vậy, điều các DN cần thận trọng lúc này là tốc độ tăng trưởng bán lẻ không được sáng sủa. Khó còn cơ hội
Ngay cả khi thị trường bán lẻ VN bị rớt hạng, không còn nằm trong top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, hoạt động đầu tư vào thị trường này vẫn diễn ra khá sôi động. Hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ của châu Á như AEON (Hàn Quốc); Takashimaya (Nhật Bản); Berli Jucker (Thái Lan)... đã đẩy mạnh đầu tư vào VN thông qua liên doanh với các hãng phân phối nội. Cùng với đó, các nhà bán lẻ nội có tiềm lực như SaigonCo-op, Phú Thái, Pico, U&I... cũng đã tìm được cơ hội cho riêng mình. Cơ hội luôn đi đôi với thách thức, việc liên kết với các đối tác nước ngoài của các DN phân phối bán lẻ luôn được cảnh báo là có hai mặt. Mặt tốt là phát huy được thế mạnh sẵn có kết hợp với vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị của đối tác nước ngoài để vươn lên chiếm lĩnh thị trường, mặt khác rất dễ bị thôn tính theo kiểu “cho sói gửi chân”. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, bởi khi liên kết liên doanh thì DN VN có gì mạnh? Thương hiệu, vốn, quản trị đều không phải là thế mạnh nếu không nói là điểm yếu của các DN phân phối bán lẻ VN. Còn nếu nói là am hiểu thị trường địa phương, cũng không hẳn vì khi vào một thị trường mới các DN phân phối, bán lẻ nước ngoài bao giờ cũng tìm hiểu, khảo sát và thuê tư vấn rất kỹ... Vậy chúng ta phải chấp nhận quy luật của thị trường “cá lớn nuốt cá bé” hay có một giải pháp nào hay hơn? Một vấn đề đã được nói rất nhiều đó là việc những vị trí đắc địa để phát triển phân phối bán lẻ thì hiện đã nằm trong tay các DN phân phối bán lẻ của nước ngoài. Vậy thì làm gì còn cơ hội cho DN phân phối bán lẻ VN? Việc các DN phân phối bán lẻ phải liên kết với các đối tác nước ngoài chẳng qua là hệ quả tất yếu khi chúng ta không có được chiến lược phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trong nước. Chưa lớn đã... ế
Trước thời điểm VN mở cửa thị trường bán lẻ, đáng lẽ VN phải có chính sách làm cho các DN phân phối, bán lẻ trong nước mạnh lên, nhưng chúng ta lại không có chính sách, mục tiêu cụ thể và thực thi quyết liệt. Đây là điều đáng tiếc. Còn sau khi VN chính thức mở cửa thị trường bán lẻ, sau 4 năm, đến bây giờ tôi phải thành thực mà nói là nước đã đến... cổ. Và chúng ta phải nhìn vào thực tế các DN phân phối bán lẻ VN sẽ không thể cạnh tranh được với các DN phân phối bán lẻ nước ngoài. Cá nhân tôi đã thực hiện và cũng nhiều lần đề xuất các DN phân phối bán lẻ VN nên mạnh dạn liên kết với các đối tác nước ngoài nhưng cố gắng chiếm tỉ lệ càng nhiều càng tốt. Nếu trong 5 năm nữa các DN phân phối trong nước không tìm được đối tác nước ngoài thì sau 2015 (mọi rào cản bị gỡ bỏ), khi đó, tôi tin rằng 100% DN nước ngoài không bao giờ muốn và có nhu cầu liên kết với DN VN trong lĩnh vực phân phối bán lẻ. Chính vì vậy tôi cho rằng đẩy nhanh tiến trình liên kết là hợp lý, ít nhiều các DN VN cũng có cơ hội học hỏi và “dựa thế kẻ mạnh”. Từ nay đến năm 2015, thời gian và cơ hội để các DN phân phối bán lẻ có thể liên kết với các đối tác nước ngoài không nhiều. Nói một cách ví von thì các DN phân phối bán lẻ VN giai đoạn hiện nay giống như người con gái đã luống tuổi, nếu có người dạm hỏi thì phải “cưới” ngay. Bởi 2 năm nữa “quá lứa lỡ thì” thì không bao giờ các DN nước ngoài để ý nữa. Tuy rằng đằng sau các cuộc “hôn nhân” đầy toan tính ấy luôn tiềm ẩn nguy cơ “cá lớn nuốt cá bé” nhưng để lựa chọn nắm giữ 100% của một DN nhỏ, rủi ro; 60% của DN trung bình hay 30% của DN lớn, ổn định thì thà chọn 30% còn tốt hơn. Thậm chí trong trường hợp, nếu phải bán lại cho đối tác nước ngoài với một giá hợp lý thì đối với DN cũng không phải là điều gì quá nghiêm trọng. Bất lợi và áp lực
Thứ nhất, về khả năng mở rộng mạng lưới, các DN của VN đang gặp rất nhiều bất lợi. Tưởng chừng khi thị trường bất động sản khó khăn thì việc thuê mặt bằng sẽ trở nên thuận lợi nhưng thực tế lại đang ngược lại. Nếu trước đây, các nhà đầu tư bất động sản xây dựng trung tâm thương mại kết hợp với khu dân cư, họ có thể bán chung cư, căn hộ và dùng tiền đó tài trợ cho khối thương mại, tạo điều kiện cho các DN thuê mặt bằng trả tiền hằng năm thì hiện nay họ không có điều kiện để đầu tư nữa. Nếu DN phân phối, bán lẻ muốn có mặt bằng thì phải mua đứt, đồng nghĩa với việc phải trả khoản tiền rất lớn. Trong điều kiện nguồn lực tài chính DN trong nước có hạn, đây chính là cơ hội cho các tập đoàn nước ngoài. Họ có thể huy động vốn từ bên ngoài, từ Cty mẹ với lãi suất rất thấp. Thứ hai, các DN phân phối bán lẻ đang phải nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh khi sức mua bị thu hẹp. Làm thế nào để đẩy nhanh lưu chuyển hàng hóa, vòng quay vốn? Khi DN bán lẻ phải đầu tư nhiều cho hoạt động khuyến mãi, giảm giá để thúc đẩy bán hàng, thì lợi nhuận của các DN bị thu hẹp lại. Thực tế này dẫn đến việc tái đầu tư của các DN phân phối, bán lẻ bị hạn chế. Rõ ràng, các DN phân phối bán lẻ của VN đang phải chịu rất nhiều áp lực và họ phải tự tìm cho mình chiến lược cụ thể và giải pháp phù hợp. Việc liên kết với đối tác nước ngoài cũng là một hướng đi. Tất nhiên, trong một số trường hợp, liên kết với đối tác nước ngoài chưa hẳn đã là có lợi cho DN trong nước bởi nếu liên kết với đối tác quá mạnh thì họ có thể thôn tính mình. Đó là tính hai mặt của một vấn đề. Nó đòi hỏi bản lĩnh và chiến lược hợp lý của DN Việt.
Theo dddn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|