Quản lý doanh nghiệp lữ hành: “Lỏng” vì quá “thoáng” |
Thứ ba, 25/06/2013, 08:28 GMT+7 | ||
Chỉ với số vốn tối thiểu cũng có thể đăng ký kinh doanh du lịch là tác nhân chính dẫn đến tình trạng doanh nghiệp du lịch lữ hành ở Việt Nam đông về số lượng, nhưng thấp về chất lượng, thiếu chuyên nghiệp… làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của du khách.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp giấy chứng nhận kinh doanh du lịch nội địa, song quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp là Sở VHTTDL. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngành du lịch cũng nắm được đầy đủ thông tin, số lượng các doanh nghiệp du lịch lữ hành nội địa được cấp phép hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lữ hành nội địa hoạt động chui trong lĩnh vực lữ hành quốc tế. Chỉ riêng ở TPHCM số lượng công ty có giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp có thể lên đến con số hàng ngàn. Nhiều công ty có giấy chứng nhận kinh doanh là bắt tay vào làm tour, phớt lờ các quy định phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và nộp tiền ký quỹ của Luật Du lịch, không đăng ký hoạt động lữ hành, không thông báo 15 ngày trước khi tổ chức tour. Xét trên phạm vi cả nước hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa, thì hoạt động quản lý của các cơ quan chức năng càng thêm khó khăn. Hệ quả là chất lượng dịch vụ du lịch lữ hành quốc tế bị thả nổi, quyền lợi của du khách bị vi phạm nghiêm trọng, thậm chí khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng không thể xác định, quy trách nhiệm do doanh nghiệp đã tự… biến mất. Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị sửa đổi Luật Du lịch theo hướng siết chặt quy định, điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp du lịch về một mối, việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa-quốc tế sẽ thuận lợi hơn cho công tác quản lý, kiếm soát. Tập trung hậu kiểm Tuy nhiên, nhận định về tính khả thi của dự định siết chặt điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp du lịch lữ hành, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty du lịch Hà Nội Red Tours, cho rằng việc đưa ra những tiêu chí quá ngặt nghèo trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể hạn chế hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong khi nếu không chú trọng công tác hậu kiểm thì doanh nghiệp vẫn có thể làm ẩu. Ông Hoan kiến nghị cần quy định lại những tiêu chí, điều kiện hành nghề chặt chẽ hơn về vốn ký quỹ, số lượng, chất lượng hướng dẫn viên, những cam kết về chất lượng dịch vụ, bảo hiểm cho khách…Và trách nhiệm của cơ quan quản lý là kiểm tra thường xuyên, đột xuất xem doanh nghiệp có tuân thủ đúng những cam kết, và phạt nặng nếu vi phạm. Còn theo Trưởng đại diện miền Bắc của Vietravel, ông Nguyễn Quang Hưng, việc cần làm hiện nay là Tổng cục Du lịch cần rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc. Những doanh nghiệp nào không có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, hoạt động không giấy phép cần bị rút giấy phép hoạt động. Đồng thời, hạn chế số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh lữ hành quốc tế bằng cách đưa ra những tiêu chí rõ ràng. Chẳng hạn doanh nghiệp muốn kinh doanh lữ hành quốc tế ngoài việc phải ký quỹ thì phải có hồ sơ chứng thực đã làm thị trường bao nhiêu năm. Đồng thời cơ quan cấp phép phải thẩm định được chất lượng nhân lực (trình độ, nghiệp vụ, ngoại ngữ của hướng dẫn viên, năng lực chuyên môn của Giám đốc điều hành…). Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý không nên đổ trách nhiệm cho nhau mà nên cùng phối hợp trong công tác thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp, thanh kiểm tra giám sát cũng như xử phạt. Có như vậy chúng ta mới chấn chỉnh được tình trạng bát nháo, lộn xộn trong kinh doanh lữ hành, đặc biệt là lữ hành quốc tế hiện nay.
Theo chinhphu.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|