top-banner-2

Thứ hai, 15/04/2013, 10:22 GMT+7

Hướng đến môi trường kinh doanh bền vững

Thứ hai, 15/04/2013, 10:22 GMT+7
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh và mạnh, nền kinh tế dường như đang chững lại. Những đòn bẩy kinh tế như bất động sản, thị trường chứng khoán hay mở cửa thị trường tiền tệ bắt đầu giảm dần hiệu quả. Chính phủ buộc phải chuyển trọng tâm phát triển sang một số lĩnh vực vững chắc hơn như phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng và cải thiện thể chế.
 
Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết ba vấn đề nguồn nhân lực, thể chế, cơ sở hạ tầng. Trong năm 2013, Nhà nước đang tập trung mạnh tái cấu trúc DNNN. Với những việc Chính phủ đã và đang làm, có thể năm 2013 tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng đã có những bước đi chắc chắn.

Mặc dù, kinh tế quý I không mấy khởi sắc nhìn từ thị trường bất động sản đến lòng tin của DN đều không mấy cải thiện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét, độ trễ của cải cách và chuyển hướng trọng tâm phát triển sẽ phát huy trong thời gian tới.

Khơi lại lòng tin của DN

LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) bày tỏ sự lo ngại, thông qua chỉ số PCI cho thấy niềm tin - một loại vốn xã hội thời gian gần đây nó đang bị suy giảm nghiêm trọng. Lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, chỉ số niềm tin của các DNNVV bị suy giảm một cách nặng nề. Tại 2007, khi hỏi câu hỏi DN có tăng quy mô đầu tư hay không thì 27,1% nói sẽ tiếp tục tăng quy mô, nhưng đến 2012 thì chỉ có 6,5%. Còn khi hỏi DN có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh hay không, thì năm 2007 là 74,5%, đến năm 2012 chỉ còn 20,3%.

Theo LS Huỳnh, trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn, các nguồn vốn đặc biệt là lòng tin rất quan trọng. DN có niềm tin thì họ sẵn sàng đầu tư mở rộng ngay cả trong thời điểm khủng hoảng. Người tiêu dùng dù khó khăn nhưng có niềm tin thì họ vẫn sẽ dốc hầu bao để chi tiêu. Vì thế, niềm tin làm nên sức mạnh rất lớn để vượt qua khủng hoảng.

Là một chuyên gia đã nhiều năm hoạt động tại thị trường Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, chỉ số niềm tin của DN trong giải quyết tranh chấp hiện đang rất thấp. Nếu trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo… mà DN mất niềm tin, đây sẽ là điều rất đáng lo ngại. Cải thiện được chỉ số này, nó sẽ là một trong những động lực cho DN đầu tư.

Trong khủng hoảng, DN luôn chú trọng tới việc nhà nước khắc phục khuyết tật của thị trường. Thế nhưng, công cụ nhà nước khắc phục như thế nào cho phù hợp. Theo ông Hiếu, Nhà nước nên giảm mức thấp nhất chính sách hành chính và làm minh bạch thị trường. Minh bạch là một trong những yêu cầu hết cơ bản. Điều đáng buồn là theo PCI, chỉ số minh bạch chưa được cải thiện là bao nhiêu.

TS Nguyễn Đình Ánh cho rằng, trong cách điều hành, chúng ta đã không dựa vào vận động theo quy luật thị trường, chuyển sang áp dụng nhiều hơn các mệnh lệnh hành chính. Chính phủ đã can thiệp nhiều hơn vào thị trường thông qua cả công cụ trực tiếp và gián tiếp.

Điển hình như trên thị trường tài chính tiền tệ, từ năm 2009 đến nay, chúng ta lại quay trở lại áp dụng trần lãi suất. Gói kích cầu năm 2009 với quy mô lớn khoảng 9 tỉ USD, kể cả gói kích cầu liên quan đến tài chính, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách đều mang tính chất mệnh lệnh hành chính, kéo dài từ 2009 đến 2012. Trong các biện pháp nhà nước can thiệp tới thị trường, đa phần là mệnh lệnh hành chính. Một mặt, chúng ta chia sẻ với Chính phủ khi nền kinh tế gặp bất thường, tuy nhiên chúng ta cần quan tâm tới hiệu quả hành chính thế nào? Liệu có lan tỏa, tác động đến thị trường hay không hay chỉ có một nhóm nhỏ tận dụng chính sách, trong khi toàn bộ xã hội ít được hưởng lợi.

Chính phủ đang thận trọng và đúng hướng

Thời gian gần đây vấn đề lợi ích nhóm chi phối chính sách khiến nhiều DN lo ngại, đặc biệt là khu vực DNNVV. Tuy nhiên, LS Trần Hữu Huỳnh cho rằng, chúng ta không sợ lợi ích nhóm mà phải theo hướng để các nhóm lợi ích cùng bộc lộ, thể hiện quan điểm của mình. Qua đó, các chính sách được ban hành sẽ hài hoà được lợi ích của toàn bộ xã hội. Các chính sách, thủ tục của Bộ, ngành đang dần dần minh bạch hóa. Đơn cử, trong báo cáo Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI), DN đã tham gia tương đối tốt vào việc chấm điểm và điều hành chất lượng các bộ, ngành, địa phương. Thực tế, quan điểm của các bộ bắt đầu có sự xung đột trong các văn bản. Chính vì vậy, theo ông Huỳnh đây là tín hiệu tốt. Nếu một chính sách, văn bản được đưa ra mà chỉ nhận được sự gật đầu giữa các bộ, ngành liên quan thì một là nó thể hiện sự đồng ý cao, nhưng nhiều khi “chỉ là “ừ ừ” cho qua chuyện”. Việc thể hiện quan điểm trái chiều của các Bộ, ngành đã thể hiện tính trách nhiệm cao của các bộ, ngành. Đó là đi tìm các mẫu số chung cho một văn bản, chính sách.

Nhận xét về công tác điều hành chung của Chính phủ, LS Huỳnh cho rằng, trong năm 2013, Nhà nước đang tập trung mạnh tái cấu trúc DNNN. Và với những việc Chính phủ đã và đang làm, tôi tin tưởng rằng có thể năm 2013, tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng đã có những bước đi chắc chắn. Mà để làm minh bạch thì không phải phê phán nhóm lợi ích mà là để họ xuất hiện, có quyền tham gia, và trên cơ sở phản biện đó thì chính sách ra đời mới hài hòa được.

Nếu nói đến thực trạng nền kinh tế, hai lĩnh vực đang được DN quan tâm hàng đầu đó là thị trường bất động sản và tài chính. Bà Lê Thị Kim Hoa - Phó TGĐ Cushman & Wakefield tại Hà Nội cho rằng, giá BĐS đã ảo quá lâu rồi nên cần phải đưa về giá thật. Chính phủ đã đưa ra nhiều công cụ để hỗ trợ thị trường bất động sản như hạ lãi suất vay cho DN và có những chính sách ưu đãi về lãi suất cho người dân thu nhập thấp vay mua nhà. Tuy nhiên, đây là những giải pháp tạm thời bởi nếu giải cứu thì cũng chỉ giải cứu được vài DN thôi không thể giải cứu hết được. Khi nhà nước tiếp tục in tiền giải cứu sẽ dẫn đến lạm phát tăng cao, ảnh hưởng lớn đến người dân. Chính vì vậy, việc phục hồi thị trường BĐS rất cần có thời gian, cơ hội.

TS Nguyễn Trí Hiếu lại lạc quan hơn, thị trường BĐS đã nhìn thấy nguồn ánh sáng cuối đường hầm. Trong 20 năm qua, chúng ta dùng đòn bẩy về tài chính quá mạnh bạo. Cách đây 20 năm, khi mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác kinh doanh, nhiều đối tác trong nước chỉ lấy BĐS để góp vốn kinh doanh và trong 2 thập niên qua, hầu như phương cách kinh doanh này vẫn tiếp tục. Ngày hôm nay, chúng ta đang đối diện với nợ xấu. Một trong những nguyên nhân của nợ xấu là người cho vay và người đi vay đã dùng bất động sản để làm đòn bẩy trong hoạt động cho vay. Bây giờ BĐS đang trở lại với giá trị thật cũng là điều cần thiết.

Đối với cảnh báo của World Bank lạm phát có thể quay trở lại nếu Chính phủ nới lỏng tiền tệ, ông Ánh cho rằng, cảnh báo đó không thừa vì trong năm 2013 chúng ta vẫn phải kiềm chế vĩ mô, lạm phát. Tín dụng năm 2012 đạt 8,19% nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12% trong năm 2013 là không hề đơn giản. Do vậy sẽ rất khó để nới lỏng tín dụng năm 2013.

Ông Ánh chia sẻ, gói kích cầu năm 2009 với quy mô lớn khoảng 9 tỉ USD, kể cả gói kích cầu liên quan đến tài chính, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách đều mang tính chất mệnh lệnh hành chính, kéo dài 2009, 2010, 2011, 2012. Trong các biện pháp nhà nước can thiệp tới thị trường, đa phần là mệnh lệnh hành chính. Tuy vậy, ông Ánh khẳng định: hiệu quả đến nay chưa đem lại như chúng ta mong muốn nhưng trong một chừng mực nào đó, nó đã làm giảm lợi ích nhóm.

Những bước đi chắc chắn

Chia sẻ về những giải pháp cụ thể, ông Ánh khẳng định, mục tiêu của Nghị quyết 02 là để tháo gỡ khó khăn của DN và thị trường nhưng DN hiện nay khó tiếp cận vốn bởi lãi suất cao, gắn với nó là nợ xấu từ phía ngân hàng. Hơn nữa, năm 2012, tình trạng tồn kho đã xuất hiện và ngày càng nặng nề, bên cạnh “điểm sáng” xuất khẩu tăng 18%, thì các DN có vốn thuần túy trong nước vẫn đang gặp khó khăn.  Để giải quyết tồn kho, tiêu thụ, ông Ánh cho rằng cần sử dụng các biện pháp góp phần giúp DN giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho DN bán được hàng với mức rẻ hơn, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trên thị trường.

Hiện nhiều DN cho rằng, các biện pháp giãn, hoãn thuế tốt, nhưng đằng nào họ cũng phải trả, vì vậy DN lại kỳ vọng vào cắt giảm thuế, mà cụ thể là thuế GTGT và thuế TNDN. Dự kiến, từ 1/7 sẽ áp dụng mức thuế suất 23% của thuế TNDN, song cũng có nhiều ý kiến cho rằng đến đầu 2014 mới áp dụng. Tôi cho rằng, chúng ta đang làm quá chậm. Ông Ánh cũng khẳng định: không phải vô cớ người ta bảo rằng Nghị quyết 02 là để cứu BĐS. Chúng ta chọn 30 ngàn tỉ để cho vay đối với DN và người có nhu cầu mua BĐS gồm 2 loại nhà ở xã hội và nhà ở thương mại (giá dưới 15 triệu/m2, diện tích dưới 70m2, tổng trị giá dưới 1 tỉ đồng). Tôi cho rằng, việc này làm hơi chậm vì Nghị quyết 02 ban hành ngày 7/1/2013, mà cho đến thời điểm này, gói 30 ngàn tỉ vẫn nằm trong dự thảo lần thứ 4. Chính vì vậy, dường như  giải pháp này không giải quyết được vấn đề cơ bản của thị trường BĐS hiện nay.

Đưa ra ý kiến lạc quan hơn, ông Hiếu khẳng định: “Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể hi vọng là năm nay chúng ta có thể đạt được cả hai mục tiêu: lạm phát thấp hơn năm ngoái và tăng trưởng cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đạt được một trong hai mục tiêu này, thậm chí không đạt được cả hai chỉ tiêu nhưng nền kinh tế được tái cơ cấu trong đó có hệ thống NH, các ban ngành của Chính phủ và bản thân các DN thì đây đã là một thành quả của năm 2013. Điều quan trọng nhất trong năm nay là nền kinh tế được điều chỉnh và tái cấu trúc để phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của nền kinh tế đang phát triển”.

Đồng tình, ông Huỳnh chia sẻ: Nhà nước đã và đang đưa ra những giải pháp để giải quyết ba vấn đề nguồn nhân lực, thể chế, cơ sở hạ tầng. Trong năm 2013, Nhà nước đang tập trung mạnh tái cấu trúc DNNN. Ông Huỳnh tin tưởng: với những việc Chính phủ đã và đang làm, có thể năm 2013, tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng chúng ta đã có những bước đi chắc chắn.

Theo dddn.com.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hướng đến môi trường kinh doanh bền vững

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc