Nông dân ngại làm giám đốc |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ sáu, 22/09/2017, 12:59 GMT+7 |
Nhiều nông dân giỏi, có tiềm năng phát triển quy mô sản xuất từ nông hộ, trang trại lên doanh nghiệp nhưng còn ngần ngại. Ngày 21-9, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM tổ chức hội nghị Chuyển đổi lên doanh nghiệp (DN) cho các hộ kinh doanh, trang trại, tổ hợp tác, HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, qua trao đổi, hiếm có nông dân nào muốn làm giám đốc cho DN của chính mình. Một nông dân sản xuất rau VietGAP ở huyện Củ Chi đón đoàn tham quan của Ủy ban MTTQ TP HCM tại ruộng của mình Một nông dân cho biết mình đã lớn tuổi, con cái không theo nghề nông nên không có ý định lập DN. Có nông dân lại lo ngại lên DN bị nhiều ban ngành giám sát, rồi phải làm hồ sơ sổ sách phức tạp, mất thời gian mà chưa biết có hiệu quả kinh tế hơn không. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Phong, nông dân nuôi cá cảnh (cá chép, cá koi, nam dương) ở xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) có vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỉ đồng thì dự kiến đến năm 2018 sẽ lập DN để tự hoàn thiện quy trình sản xuất, ổn định đầu ra và chuẩn bị một số thủ tục pháp lý để đạt được tầm quản lý của DN. Ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP, cho biết hiện trung tâm thực hiện công tác chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn hoàn toàn miễn phí cho tất cả các tổ chức, cá nhân. Do đó, người dân không nên lo ngại chuyển đổi lên quy mô DN sẽ không còn hỗ trợ. Cũng theo ông My, việc chuyển đổi là khuyến khích, không bắt buộc. "Tùy thuộc vào mục tiêu và năng lực của mình mà nông dân quyết định có lập DN hay không. Họ có thể trực tiếp quản lý, làm giám đốc hoặc thuê người làm nếu thấy việc thuê có hiệu quả hơn. Quá trình "lên" DN phù hợp với các mô hình sản xuất nông nghiệp có mục tiêu phát triển chuyên nghiệp, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu. Những trường hợp chưa đủ năng lực quản trị thì vẫn nên duy trì hình thức sản xuất hiện nay, sẽ "an toàn" vì nếu chưa đủ sức mà vẫn lên DN rất dễ phá sản" - ông My nói. Ông Nguyễn Văn Trực, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP, cho biết khi nông hộ chuyển đổi lên DN sẽ dễ dàng hơn trong việc mua bảo hiểm nông nghiệp, tránh điệp khúc "được mùa mất giá", dễ vay vốn ngân hàng hơn cùng nhiều hỗ trợ khác. Ngoài ra, theo tài liệu tuyên truyền về chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động DN thì hình thức DN được sử dụng hơn 10 lao động, được đăng ký nhiều địa điểm kinh doanh, có con dấu, pháp nhân, thuận tiện cho giao dịch. Để khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, UBND TP đang thực hiện hỗ trợ lãi vay (cao nhất đến 100%) cho các chủ đầu tư phù hợp. Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, mỗi năm có 3.601 hộ dân, DN có phương án được phê duyệt hỗ trợ lãi vay, vốn đầu tư bình quân/năm: 1.715 tỉ đồng; vốn vay có hỗ trợ lãi vay: 1.045 tỉ đồng/năm. Nhiều rủi ro, sinh lời thấp Trên địa bàn TP HCM chỉ có 1.180 DN và 72 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, mục tiêu phát triển DN của TP HCM là đến năm 2020 sẽ đạt 500.000 DN, riêng lĩnh vực nông nghiệp là 150.000 DN. Tuy nhiên, dù có làn sóng đầu tư vào nông nghiệp thì tỉ lệ DN nông nghiệp vẫn thấp do nhiều rủi ro, sinh lợi thấp. Theo Ngọc Ánh - nld.com.vn - 22/09/2017 Link nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/nong-dan-ngai-lam-giam-doc-2017092122424401.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|