top-banner-2

Thứ năm, 02/07/2015, 09:11 GMT+7

Hy Lạp vỡ nợ, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Viết bởi An An   
Thứ năm, 02/07/2015, 09:11 GMT+7

 “Với cấu trúc của nền tài chính quốc gia hiện nay, Việt Nam có độ an toàn rất cao trước những biến động và khủng hoảng tài chính trên thế giới, cụ thể là Hy Lạp” - ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khẳng định.

kinh-te-anh-huong2

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những nguy cơ trước việc Hy Lạp vỡ nợ và khả năng rời khỏi đồng tiền chung khu vực châu Âu?

- Ông Trương Văn Phước: Trước hết, có thể nói quá trình đàm phán nợ giữa Hy Lạp với các chủ nợ (Ủy ban châu Âu - EC, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) còn phụ thuộc nhiều vào các sự kiện sắp diễn ra. Đặc biệt là việc thủ tướng Hy Lạp đưa ra trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục đáp ứng các yêu cầu của nhóm chủ nợ hay không. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thúc giục người dân chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng vì điều này nhất quán với cương lĩnh tranh cử của đảng cầm quyền đầu năm 2015.

Thực sự, các chủ nợ không muốn Hy Lạp thông qua cuộc trưng cầu dân ý này nhằm chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà họ đề ra và rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu. Trong thực tế, những cuộc thăm dò ý kiến, người dân Hy Lạp cũng mong muốn vẫn tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng để ở lại khối đồng tiền chung.

Nhưng chính phủ Hy Lạp bất ngờ ngừng đàm phán đột ngột với nhóm chủ nợ?

- Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ngỡ ngàng trước quyết định ngừng đàm phán đột ngột của chính phủ Hy Lạp và tổ chức trưng cầu dân ý. Theo quan điểm cá nhân tôi, cuối cùng sẽ có một giải pháp trung hòa giữa hai bên để Hy Lạp không phải ra khỏi khối đồng tiền chung châu Âu. Đổi lại, Hy Lạp phải điều chỉnh các chính sách bảo đảm một kỷ luật tài chính ngân sách nghiêm khắc nhưng không để đời sống người dân quá ngặt nghèo và phải có cơ hội để phát triển kinh tế.

kinh-te-anh-huong1

Dù không tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng các nhà đầu tư cũng tỏ ra dè dặt Ảnh: Hoàng Triều

Nếu tình huống xấu xảy ra, chuyện gì sẽ đến với thị trường tài chính toàn cầu và kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với những tác động tiêu cực như từng xảy ra sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) vào năm 2008?

- Vấn đề Hy Lạp có rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu hay không không thuần túy là câu chuyện về tài chính. Nó cần được đặt trong bối cảnh và tình hình hiện tại của nền chính trị châu Âu. Cũng có những đồn Hy Lạp muốn rời khỏi Liên minh châu Âu để định hướng lại nền kinh tế theo hướng kinh tế nhà nước làm chủ đạo và họ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Nga. Dù vậy, những khả năng này tôi cho là rất thấp.

Trở lại câu hỏi về những tác động tiêu cực khi Hy Lạp vỡ nợ. Khủng hoảng ở Mỹ và các nước châu Âu năm 2008 xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới khác xa với tình hình hiện nay. Các quốc gia qua khủng hoảng đã đề ra rất nhiều giải pháp ứng phó, ngăn ngừa hiệu quả những tác động lan truyền. Thực ra, kinh tế Hy Lạp đã chạm đáy khó khăn nhất trong gần 8 năm qua. Nhóm các chủ nợ giàu có của châu Âu cũng đã tìm cách “cách ly” những lây nhiễm tài chính từ Hy Lạp. Cho nên những tác động tiêu cực từ việc vỡ nợ của Hy Lạp sẽ không lớn.

Thưa ông, Việt Nam có nằm ngoài cuộc khủng hoảng này? Và ở góc độ nào đó thì ngành tài chính và kinh tế Việt Nam có thể bị tác động gián tiếp? Chẳng hạn các ngân hàng thương mại ở châu Âu có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam hoặc các hoạt động gửi tiền, vay tiền của ngân hàng thương mại trong nước và doanh nghiệp trong nước tại châu Âu...?

- Mấy ngày qua, để đối phó với việc người dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền, chính phủ Hy Lạp đã có những biện pháp kiểm soát dòng vốn rút ra khỏi Hy Lạp cũng như quy định mỗi cá nhân chỉ được rút tối đa 60 euro/ngày… Giá chứng khoán trên các thị trường tài chính cũng giảm từ 3%-5%. Đây là những phản ứng thường thấy khi có các sự kiện tài chính lớn diễn ra trên thế giới. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 tới đây sẽ mở ra nhiều khả năng tái đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ.

Dù sao, với một nền kinh tế bắt đầu hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam phải hết sức quan tâm đến những biến động của nền kinh tế tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định với cấu trúc của nền tài chính quốc gia như hiện nay thì Việt Nam có độ an toàn rất cao trước những biến động và khủng hoảng tài chính trên thế giới.

Chứng khoán “hóng” tin Hy Lạp

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1-7, thị trường chứng khoán giảm nhẹ. Theo đó, VN-Index còn 591,5 điểm, giảm 1,55 điểm. Ngược lại, HNX-Index tăng 0,31 điểm, lên 85,25 điểm.

Giới thạo tin trên thị trường cho rằng sau một vài phiên tăng điểm vì thông tin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, T+0 được thực hiện trong tháng 7... nhưng thông tư hướng dẫn chưa được ban hành, cộng với tin Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ khiến nhà đầu tư lo lắng, thị trường theo đó giảm nhẹ.

Giá trị giao dịch toàn thị trường phiên 1-7 đạt khoảng 2.700 tỉ đồng, tương đương phiên hôm trước. Trong khi khối nhà đầu tư trong nước canh bán ra thì nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng mạnh. Lý do là dòng tiền đầu tư trên thế giới rút khỏi thị trường Trung Quốc vì lo lắng bong bóng bất động sản cũng như thông tin từ Hy Lạp nên chuyển sang các thị trường mới nổi. Đây là phiên thứ ba liên tiếp khối ngoại mua ròng trên 430 tỉ đồng. 

 Theo nld.com.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hy Lạp vỡ nợ, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc