top-banner-2

Chủ nhật, 25/09/2016, 09:21 GMT+7

Phát triển DN cơ khí: Cần 'đòn bẩy' chính sách

Chủ nhật, 25/09/2016, 09:21 GMT+7

Khi các DN cơ khí đã xác định được mục tiêu, loại hình sản phẩm để phát triển thì chính sách ưu đãi, nguồn lực cần tập trung xoay quanh những trọng tâm này và quan trọng nhất là tính xuyên suốt, ổn định, lâu dài.

Đầu tư cho cơ khí đòi hỏi nguồn vốn lớn, lãi suất dài hạn, trong khi lãi suất của ngành cơ khí không cao. Do vậy, hầu hết các DN cơ khí rất khó tiếp cận được các nguồn vốn, chứ chưa nói đến các nguồn vốn ưu đãi khác, cho dù sản phẩm của họ nằm trong các chương trình được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Kết quả hình ảnh cho DN cơ khí

Ảnh minh họa

Hơn nữa, DN cơ khí đều có nguồn vốn pháp định thấp, sản xuất kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào vốn vay ngân hàng. Chính vì thế, nhiều DN mong muốn phía ngân hàng có chương trình cho vay phù hợp phát triển cơ khí.

Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Nguyễn Văn Thụ đã đề xuất một nhóm giải pháp. Đó là đề nghị tiếp tục thực hiện Quyết định 10/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm khi Quyết định này hết thời hiệu, trong đó cần tham khảo ý kiến các DN để làm mới danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, không nhất thiết phải dàn trải 8 nhóm sản phẩm như trước đây.

Kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét áp dụng chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với toàn ngành cơ khí vì thực chất phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo hướng hiện đại hóa là phát triển chuyên môn hóa sâu, các DN phải mở rộng hợp tác và hoạt động tương hỗ lẫn nhau, tăng cường tính liên kết đối với các DN cơ khí.

Về tổ chức, cần sớm thành lập một cơ quan quản lý chuyên ngành về cơ khí ở cấp cục, tổng cục trực thuộc Bộ Công Thương với đội ngũ cán bộ am hiểu sâu về ngành cơ khí (hiện nay là cấp vụ, còn trước kia là cấp bộ).

Đề nghị cấp thẩm quyền củng cố Ban chỉ đạo về Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và Ban chỉ đạo chương trình về cơ chế nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện theo Quyết định 1791/QĐ-CP của Chính phủ vì thực tế triển khai hiện nay còn nhiều vướng mắc. Ví dụ, ở một số dự án nhiệt điện (Sông Hậu, Long Phú, Quỳnh Lập), các DN cơ khí đã đăng ký và đủ điều kiện tham gia thì chưa được tham gia. Ngoài ra cần dành sự quan tâm để phát triển các Hiệp hội Cơ khí đủ mạnh để làm cầu nối trong các hiệp định thương mại quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác và bảo vệ quyền lợi cho các DN trong nước.

Về chính sách thuế, với đặc thù sử dụng nhiều diện tích để sản xuất kinh doanh, các DN cơ khí rất cần những chính sách ưu đãi về thuế, thuế đất.

Tổng giám đốc Lilama 69-1 Ngô Quốc Thịnh cho biết, hiện nay, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2010/QH12 đã được Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, khi thi hành còn nhiều khó khăn vướng mắc cho các DN cơ khí. Trong khi đó do chính sách thu hút đầu tư, tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp FDI, vốn lớn mạnh hơn các DN cơ khí trong nước, được miễn giảm thuế đất, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh, cho nên rất cần Chính phủ điều chỉnh một số chính sách hỗ trợ để DN cơ khí Việt Nam có thể phát triển được.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đối với các DN cơ khí, nhất là các đơn vị xuất khẩu thiết bị cơ khí. Cách làm này sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của các DN khi có cơ hội tiếp cận được thị trường, tránh lãng phí, thất thoát do đầu tư dàn trải.

Theo Chinhphu.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Phát triển DN cơ khí: Cần 'đòn bẩy' chính sách

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc