top-banner-2

Tin mới:
Thứ hai, 08/04/2019, 16:51 GMT+7

Xã hội hóa dịch vụ công

Thứ hai, 08/04/2019, 16:51 GMT+7

Nhiều cơ quan hành chính, nhất là chính quyền cơ sở ở TPHCM, đang gặp quá tải trong việc sao y, chứng thực giấy tờ. Việc xã hội hóa thủ tục này cũng như các dịch vụ hành chính công khác là đòi hỏi của thực tế, nhằm tạo tiện lợi cho người dân.


xa hoi dich vu cong

Cán bộ phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) giải quyết hồ sơ sao y chứng thực ngoài giờ

Ký mỏi tay

Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm (quận Thủ Đức) đến phường Linh Xuân sao y một loạt giấy tờ nào là hộ khẩu, căn cước công dân… để làm thủ tục mua bán nhà. Đối với mỗi loại giấy tờ, bà Diễm photo làm 6 bản.

Hỏi lý do photo số lượng nhiều, bà Diễm cho hay mỗi lần đi làm thủ tục là một lần tốn thời gian, trong khi chi phí photo, sao y 1 bản không tốn là bao.

Là người chuyên làm dịch vụ về giấy tờ, ông Nguyễn Phước Thanh (quận Bình Thạnh) cho biết, việc sao y giấy tờ số lượng nhiều là chuyện… đương nhiên, phòng khi bị yêu cầu bất chợt sẽ có sẵn để cung cấp.

“Thông thường, mỗi hồ sơ nhà đất, tôi cho sao y nhiều hơn so với hồ sơ, thủ tục yêu cầu và có một số sẽ không dùng đến. Dù sao thà dư vài bản vẫn còn hơn khi thiếu lại phải ôm hồ sơ về để bổ sung”, ông Thanh giải thích.

Để đáp ứng nhu cầu sao y, chứng thực hồ sơ của người dân, UBND nhiều phường ở TPHCM đã phải làm thêm ngoài giờ. Trong số này, phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) là một địa bàn đông dân cư, nhu cầu sao y, chứng thực hồ sơ rất nhiều.

Từ đầu năm đến nay, phường giải quyết hơn 13.150 lượt hồ sơ sao y, chứng thực với gần 48.200 bản. Tương tự, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) hiện có hơn 100.000 dân và hàng ngày số lượng hồ sơ sao y, chứng thực cũng không kém cạnh.

Tính từ đầu năm đến nay, phường giải quyết khoảng 6.100 hồ sơ sao y (42.800 bản) và 2.500 lượt hồ sơ chứng thực (gần 4.350 bản). Để đảm bảo, các hồ sơ sao y, chứng thực giải quyết trong vòng 30 - 60 phút theo yêu cầu cải cách hành chính, hàng ngày phường phải bố trí 6 cán bộ, công chức cùng một lãnh đạo phường chuyên… ký các hồ sơ này.

“Chỉ riêng viết, chúng tôi phải đăng ký 10 cây/lần nhưng chỉ 2 tuần là phải đăng ký mới. Viết chưa kịp cũ đã hết mực, vì số lượng hồ sơ phải ký hàng ngày rất lớn”, một lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh thông tin.

Giải pháp cho tinh giản biên chế

Hiện nay, biên chế của UBND phường Hiệp Bình Chánh có khoảng 60 người. Như vậy, hàng ngày phường phải bố trí 10% nhân sự, cùng một lãnh đạo của phường chỉ chuyên giải quyết hồ sơ sao y, chứng thực.

Nếu tính cho toàn địa bàn TPHCM với 322 phường xã, thị trấn thì số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp phường chỉ để ký hồ sơ sao y, chứng thực hàng ngày sẽ là con số rất “khủng”, tạo ra sự lãng phí lớn về nhân sự.

Một lãnh đạo UBND quận Gò Vấp nhận xét, hiện nay việc sao y chứng thực các loại giấy tờ gây ra quá tải cho UBND các phường ở quận. Do đó, việc xã hội hóa thủ tục này sẽ là biện pháp giúp giảm được nhân sự ở các phường.

Xã hội hóa dịch vụ công - 2

UBND phường Bến Thành (quận 1) giải quyết hồ sơ sao y, chứng thực ngoài giờ

Liên quan đến vấn đề này, tại một buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cũng nêu thực tế có hơn 97% hồ sơ thực hiện ở quận này là sao y.

Từ đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải tính đến phương án xã hội hóa việc sao y, chứng thực để cán bộ, công chức, viên chức có thêm thời gian, công sức thực hiện các công việc quản lý nhà nước.

Đồng tình với chủ trương này, TS Diệp Văn Sơn, chuyên gia hành chính, cho rằng các cơ quan nhà nước hiện vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa cung ứng các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các hoạt động này khá phong phú và đa dạng, từ việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội đến cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân như giáo dục, y tế, đi lại, các yêu cầu về giải quyết tranh chấp, bổ trợ tư pháp...

Nhu cầu thực hiện dịch vụ công phát sinh hàng ngày là rất lớn, trong khi nguồn “cung” (là cơ quan nhà nước và số lượng cán bộ, công chức, viên chức) có giới hạn.

Các cơ quan nhà nước còn phải thực hiện yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nên khi còn “ôm” quá nhiều dịch vụ công sẽ khó thể làm tốt chức năng quản lý nhà nước. Điều này càng đòi hỏi phải đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.

Để xã hội hóa hiệu quả thì Nhà nước phải chuẩn bị kỹ, xây dựng được chính sách đúng đắn với giá (phí) dịch vụ phù hợp cùng mức “sàn” về chất lượng dịch vụ; đồng thời thực hiện tốt chức năng tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát kiểm tra quá trình xã hội hóa chặt chẽ.

Chính việc xây dựng chính sách phù hợp sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công, giúp người dân có quyền lựa chọn những nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về sơ kết thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về hội quần chúng vào ngày 28-3, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, lưu ý TPHCM cần đẩy mạnh chuyển dịch vụ công cho xã hội thực hiện.

Yêu cầu đặt ra là đơn vị nào đảm nhận hiệu quả thì Nhà nước chuyển giao, kèm theo các điều kiện để các đơn vị tổ chức thực hiện tốt.

Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện tập trung hơn vào chức năng quản lý nhà nước bằng việc xây dựng chiến lược, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng đề nghị TPHCM xác định danh mục các dịch vụ công có thể chuyển giao từ Nhà nước cho xã hội, từ đó đóng góp cho quá trình chuyển đổi chung của cả nước.

Theo Kiều Phong (SGGP)/Khampha.vn - 8/4/2019

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/xa-hoi-hoa-dich-vu-cong-c4a712014.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xã hội hóa dịch vụ công

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc