top-banner-2

Tin mới:
Thứ ba, 27/02/2018, 14:23 GMT+7

Nghị định 116: 'Cản địa' xe nhập khẩu?

Thứ ba, 27/02/2018, 14:23 GMT+7

Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tố Nghị định 116 "cản địa" xe nhập khẩu, đối xử không công bằng thì doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước hết mực ủng hộ.

Ngày 26-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPVP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc đối thoại với doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư 03/2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng Nghị định 116.

Kẻ tố khổ, người ủng hộ

Tại cuộc họp, ông Toru Kinoshita - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) - cho rằng một số quy định trong Nghị định 116 không tuân thủ thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA. "Hệ quả là đến nay, hầu như không có chiếc ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 1-1-2018 đến nay" - ông Toru Kinoshita dẫn chứng.

Chủ tịch VAMA cũng cho rằng Nghị định 116 làm tăng thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả nhà nhập khẩu ô tô, dẫn tới việc giá xe tăng cao. Nghị định còn tạo ra sự đối xử không công bằng giữa nhà sản xuất ô tô trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. "Một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô" - ông Toru Kinoshita "tố".

ong-tran-ba-duong-vhdn

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thaco Trường Hải, cho rằng Nghị định 116 tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất ô tô Ảnh: Nhật Bắc

Còn ông Lâm Chí Quang, đại diện thương hiệu xe Toyota và Lexus, phản ánh phía Nhật Bản không cấp giấy chứng nhận kiểu loại như quy định tại Nghị định 116. Các nước xuất khẩu khác cũng không cấp giấy chứng nhận này cho xe xuất khẩu. "Vì lý do này, mấy tháng nay, xe Toyota Land Cruiser không thể nhập. Đề nghị bộ trưởng xem xét những nhu cầu nhỏ nhưng rất cần thiết cho nền kinh tế quốc dân" - ông Quang kiến nghị.

Trái với lo lắng của DN nhập khẩu xe, các nhà sản xuất xe trong nước ủng hộ việc Chính phủ ban hành nghị định trên. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thaco Trường Hải, nói rằng quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại đã có từ năm 2006, không chỉ áp dụng riêng với xe nhập khẩu mà cho cả xe sản xuất trong nước. Bằng chứng là Thaco đã lấy giấy chứng nhận kiểu loại xe từ các hãng xe nước ngoài từ năm 2011, như chứng nhận của các hãng KIA (Hàn Quốc), Peugeot (Pháp), Mazda (Nhật Bản)... "Tôi mong các ngài nên rút lại đề nghị tạm hoãn thực thi Nghị định 116 vì làm như vậy là không công bằng giữa các DN tích cực tuân thủ và các DN ỷ lại rồi đưa ra các lý do để không thực hiện" - ông Dương thẳng thắn.

Đồng tình với ông Trần Bá Dương, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công (liên doanh của Hyundai), đánh giá Nghị định 116 xuất phát từ quan điểm đưa ngành nghề sản xuất nhập khẩu ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để bảo đảm an toàn, quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ Công Thương: Đúng quy trình

Trước tranh luận gay gắt của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định quy trình làm Nghị định 116 tuân thủ nghiêm túc quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. "Có thể chúng tôi không đi hết được đến từng DN nhưng chắc chắn đã có sự bàn luận, phản biện, thậm chí tranh cãi về những vấn đề để tiếp nhận thông tin" - ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về đường thử mà các DN nhập khẩu ô tô cho là bị làm khó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ: Ngày 27-10-2004, Nghị định 115 của Chính phủ quy định đường thử có 500 m, sau gần 20 năm thì cần có thay đổi cho phù hợp (điều chỉnh thành 800 m). Ông Hải còn quả quyết: Chính phủ không phân biệt mà đều vì mục đích tạo sự bình đẳng giữa DN sản xuất, lắp ráp trong nước và DN nhập khẩu ô tô.

Trong khi đó, nhấn mạnh quan điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nghiệp ô tô phát triển, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói: "Chúng tôi phải có quy định bắt buộc như các nước. Một phương tiện ngoài phục vụ nhu cầu thiết yếu nhất vẫn phải tính đến vấn đề tính mạng con người. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tai nạn giao thông rất lớn, một năm 9.000 người chết, chưa tính hơn 10.000 người bị thương. Nên vấn đề đưa ra tiêu chuẩn để kiểm soát phương tiện là vấn đề tất yếu mà nước nào cũng phải làm".

Cũng theo ông Thọ, Nghị định 116 lần này đưa ra những điều kiện bắt buộc mà gần như nước nào cũng có chứ không phải riêng Việt Nam. Cụ thể, với các quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hay kiểm định theo từng lô, ông Thọ cho rằng đã bàn bạc kỹ, một xe khi nhập vào Việt Nam dứt khoát phải có tên tuổi, hồ sơ, gắn liền trong một lô hàng. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể để giảm bớt thủ tục và thực hiện được quy định này, còn những vướng mắc sẽ tiếp tục được tháo gỡ"- ông Thọ cam kết.

Nghiêm túc tiếp thu

Lắng nghe ý kiến từ các bên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết sẽ không đưa ra kết luận tại buổi họp này mà đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp thu nghiêm túc, đưa ra giải pháp sớm nhất. "Cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ họp các bộ và cơ quan liên quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03, sau đó đề xuất với Thủ tướng giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hợp lý" - ông Dũng nói.

Theo Bảo Trân - nld.com.vn - 27/02/2018

Link nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/nghi-dinh-116-can-dia-xe-nhap-khau-20180226224332088.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nghị định 116: 'Cản địa' xe nhập khẩu?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc