Ngày nào cũng ăn thịt lợn có tốt cho sức khoẻ? |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 13/09/2024, 10:41 GMT+7 |
Thịt lợn là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, vậy ngày nào cũng ăn thịt lợn có tốt không? Thịt lợn có tác dụng gì? Báo Pháp luật TP.HCM dẫn nguồn trang Health cho biết, theo các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, trong 100 gam thịt lợn thì có đến 297 calo, chất đạm là 25,7 gam, chất béo (20,8 gam), carb, chất xơ và đường là 0 gram, cũng như chứa đựng nguồn chất đạm (protein) và vitamin B6, B12 rất tốt. Thịt lợn cũng là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt như phốt pho, selen và thiamine. Thiamine, loại vitamin B cần thiết cho một loạt các chức năng của cơ thể. Chất này có trong thịt lợn cao hơn nhiều thịt bò. Vitamin B6 và B12 cũng được tìm thấy nhiều trong thịt lợn. Các vitamin này rất cần thiết cho sự hình thành tế bào máu và chức năng của não. Thịt lợn cũng là một nguồn cung cấp sắt tuyệt vời. Selen trong thịt lợn giúp cho chức năng tuyến giáp hoạt động thích hợp. Một miếng thịt lợn nặng 170 gam có hơn 100% lượng selen được khuyến nghị hàng ngày. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, thịt lợn còn đem lại nhiều lợi ích khác. Cụ thể, các protein chất lượng cao trong thịt lợn là các axit amin hoàn chỉnh dùng để tạo cơ bắp mới. Ăn thịt lợn sẽ hỗ trợ cho việc tránh tình trạng thiếu cơ và thoái hóa cơ nghiêm trọng. Thịt lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người Ngày nào cũng ăn thịt lợn có tốt không? Báo VnExpress dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thịt lợn tuy tốt cho sức khoẻ nhưng chỉ nên ăn vừa đủ. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nếu tiêu thụ quá mức, ngày nào cũng ăn mà không thay đổi sang các thực phẩm khác có thể gây ra nhiều vấn đề. Trước tiên là thiếu cân bằng dinh dưỡng, giảm ngon miệng. Việc chỉ tập trung ăn thịt lợn mà không bổ sung đủ rau xanh, trái cây hay các loại đạm khác (cá, gà, đậu phụ) sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu vitamin và khoáng chất, hệ tiêu hóa trở nên kém hoạt động. Chưa kể, thịt lợn chứa nhiều calo, đặc biệt khi chế biến cùng dầu mỡ, ăn nhiều dễ dẫn đến tăng cân, béo phì. Một số phần của thịt lợn như ba chỉ, chân giò, nội tạng chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể làm tăng mức cholesterol xấu (LDL), từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Nhìn chung, không nên chỉ ăn một loại thực phẩm mà cần đa dạng, cân đối ba chất sinh năng lượng là bột đường, chất đạm, chất béo. Báo Vietnamnet dẫn nguồn trang Webmd cho biết, mặc dù thịt lợn giàu một số vitamin và chất dinh dưỡng quan trọng nhưng cũng có thể chứa nhiều natri và chất béo bão hòa, hai yếu tố nên tránh trong chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu đang áp dụng chế độ ăn ít natri do lo ngại về sức khỏe tim mạch và tránh chất béo bão hòa, bạn nên lựa chọn loại thịt lợn nạc nhất, ít qua chế biến nhất có thể. Một số sản phẩm thịt lợn đã qua xử lý như thịt xông khói có chứa chất bảo quản hóa học mà bạn nên hạn chế. Hãy nhớ rằng cách bạn chế biến thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến hàm lượng chất béo, thay vì chiên hãy nướng thịt. Bạn nên chọn loại thịt nạc được chế biến ít và có hàm lượng protein cao. Ăn thịt lợn chưa nấu chín dễ dẫn đến nhiễm ký sinh trùng. Sán dây lợn là loại ký sinh trùng đường ruột có thể gây ra bệnh nang sán, dẫn đến chứng động kinh. Ngoài ra, ăn thịt lợn còn sống có thể dẫn đến nhiễm giun tròn, thường có triệu chứng nhẹ nhưng cũng có nguy cơ trở nên nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong ở người lớn tuổi. (nguồn: vtcnews.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|