top-banner-2

Thứ ba, 09/04/2013, 09:54 GMT+7

Sửa đổi một số quy định về doanh nghiệp ưu tiên

Thứ ba, 09/04/2013, 09:54 GMT+7

Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng thí điểm chế độ DN ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với DN đủ điều kiện để thay thế Thông tư 63/2011/TT-BTC và Thông tư 105/2011/TT-BTC cho phù hợp với quy định về DN ưu tiên đã được đưa vào Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực ngày 1-7-2013) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan.

Ảnh minh họa

Thay đổi tiêu chí về điều kiện kim ngạch XNK

Tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 63/2011/TT-BTC quy định, để được công nhận là DN ưu tiên thì kim ngạch XNK của DN phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Tổng kim ngạch XK và NK bình quân của các năm xem xét, đánh giá đạt tối thiểu 200 triệu USD/năm (quy định hiện hành là 500 triệu USD/ năm).

Tổng kim ngạch XK hàng hóa là thủy sản, nông sản bình quân của các năm xem xét, đánh giá đạt tối thiểu 20 triệu USD/năm; tổng kim ngạch XK hàng hóa là da giày, dệt may bình quân của các năm xem xét, đánh giá đạt tối thiểu 40 triệu USD/năm (quy định hiện hành là DN được ưu tiên trong sản xuất, XK hàng hóa là thủy sản, nông sản, dệt may, da giày: Kim ngạch XK đạt tối thiểu 100 triệu USD/năm).

Đối với DN NK hàng hóa phục vụ sản xuất, XK sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước khuyến khích đầu tư, có yêu cầu đặc biệt về quy trình sản xuất và quản lý sản phẩm thì tỷ lệ vốn thực tế đã giải ngân tính đến thời điểm xem xét đạt không dưới 70% tổng vốn đầu tư ghi tại giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

Kéo dài thời gian được ưu tiên

Tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 63/2011/TT-BTC có quy định thời hạn DN được hưởng chế độ ưu tiên. Theo đó, DN được hưởng chế độ ưu tiên lần đầu là 2 năm, kể từ ngày Tổng cục Hải quan ký Quyết định áp dụng chế độ ưu tiên đối với DN. Sau thời hạn này, Tổng cục Hải quan thực hiện đánh giá lại, nếu DN vẫn đáp ứng các điều kiện quy định thì tiếp tục được gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên.

Nếu kết quả đánh giá lại DN vẫn đáp ứng điều kiện quy định, có nguyện vọng tiếp tục được áp dụng chế độ ưu tiên thì Tổng cục Hải quan căn cứ vào mức độ tuân thủ pháp luật của DN, ban hành quyết định gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên đối với DN trong thời hạn từ 36 đến 60 tháng tiếp theo. Cụ thể: Gia hạn 36 tháng đối với các DN ưu tiên có vi phạm pháp luật, bị xử lý hành chính nhưng vẫn đáp ứng được điều kiện theo quy định; 60 tháng đối với các DN không có vi phạm bị xử lý hoặc có 1 vi phạm trong mỗi lĩnh vực thuế, hải quan và bị phạt vi phạm hành chính dưới 2 triệu đồng (quy định hiện hành thời hạn DN được hưởng chế độ ưu tiên lần đầu là 1 năm và được  gia hạn 36 tháng).

Bổ sung thêm một số quy định

Để hỗ trợ công tác quản lý và khắc phục những bất cập tại quy định hiện hành, tại dự thảo Thông tư thay thế thông tư 63/2011/TT-BTC đã bổ sung thêm một số quy định mới. Cụ thể:

Tạm đình chỉ và đình chỉ  áp dụng chế độ DN ưu tiên: Thời gian tạm đình chỉ từ 60 đến 180 ngày. Trong trường hợp có lý do chính đáng (do nguyên nhân khách quan), hết thời hạn trên mà DN vẫn chưa khắc phục xong sai sót, khiếm khuyết thì được gia hạn thời hạn tạm đình chỉ một lần nhưng không quá 60 ngày.

Trường hợp DN không còn đáp ứng các điều kiện về DN ưu tiên theo quy định tại Thông tư này (DN cố ý không khắc phục các sai sót, vi phạm đã được cơ quan Hải quan thông báo; hết thời hạn quy định mà DN không khắc phục được sai sót, khiếm khuyết; DN hoặc người đứng đầu DN, người phụ trách kế toán tài chính vi phạm tới mức bị toà án tuyên phạt; DN xin rút khỏi chế độ DN ưu tiên; hoặc hết thời hạn công nhận mà DN không tiếp tục đề nghị công nhận DN ưu tiên), Tổng cục Hải quan ban hành quyết định đình chỉ áp dụng chế độ DN ưu tiên.

Quản lý DN ưu tiên: Đối với DN phải xây dựng và thực hiện chế độ tự kiểm tra và báo cáo kết quả hoạt động XNK với cơ quan Hải quan (định kỳ 6 tháng, 1 năm theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư); xây dựng đầu mối liên lạc chuyên trách và chịu trách nhiệm thực hiện chế độ trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan Hải quan; sẵn sàng phối hợp, làm rõ các nghi vấn theo yêu cầu của cơ quan Hải quan.

Đối với cơ quan Hải quan: Thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ việc duy trì các điều kiện của người nộp thuế; theo dõi việc thực hiện chế độ/ biện pháp ưu tiên của DN, giúp DN phát hiện và khắc phục kịp thời các sai sót; tư vấn chính sách, pháp luật hải quan, pháp luật thuế cho người nộp thuế; đào tạo kiến thức về DN ưu tiên cho các DN được công nhận là DN ưu tiên.

Dự thảo Thông tư cũng quy định về tổ chức, nhân sự. Theo đó, Hải quan và DN thành lập một bộ phận chịu trách nhiệm trao đổi mọi thông tin liên quan đến chế độ DN ưu tiên và các vấn đề phát sinh.

Phía DN, ngoài đại diện ban giám đốc trực tiếp chỉ đạo, cần có bộ phận chuyên trách về thực hiện chế độ DN ưu tiên đặc biệt. Nhiệm vụ của bộ phận này do lãnh đạo DN giao, nhưng cơ quan Hải quan yêu cầu tối thiểu phải có các nhiệm vụ chính sau: Đầu mối trao đổi thông tin, phối hợp với bộ phận chuyên trách DN ưu tiên đặc biệt của cơ quan Hải quan; thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan; điều phối mọi hoạt động theo chế độ/biện pháp ưu tiên đặc biệt của các bộ phận trong chuỗi cung ứng của DN.

Theo Báo Hải quan

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sửa đổi một số quy định về doanh nghiệp ưu tiên

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc