top-banner-2

Thứ bảy, 31/01/2015, 13:38 GMT+7

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 01/02/2015

Viết bởi Văn Tuyết   
Thứ bảy, 31/01/2015, 13:38 GMT+7

Trong ngày 01/02/2015, nhiều chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực.

Cụ thể như sau:

1. Thu hồi Giấy phép hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm

Theo Thông tư 195/2014/TT-BTC, sẽ thu hồi Giấy phép của doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm 4, cụ thể:

- Mất khả năng thanh toán.

- Bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Bao gồm doanh nghiệp có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán (chỉ tiêu tỷ lệ biên khả năng thanh toán không bảo đảm biên độ hoặc trích lập dự phòng nghiệp vụ không đáp ứng theo hướng dẫn) – thuộc nhóm 3 và không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Nội dung trên áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Thông tư này thay thế Quyết định 153/2003/QĐ-BTC.

2. Thu hồi thực phẩm chức năng

Theo Thông tư 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng do Bộ Y tế ban hành, thực phẩm chức năng phải được thu hồi trong trường hợp:

- Quá thời hạn sử dụng;

- Không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định về an toàn thực phẩm;

- Thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp với nội dung tại Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc vi phạm khác;

- Lưu thông trên thị trường mà chưa có chứng nhận hợp quy hoặc xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm;

- Khi cơ quan thẩm quyền các nước hoặc tổ chức quốc tế cảnh báo và được Cục An toàn thực phẩm khẳng định ính không an toàn của sản phẩm.

Thông tư này bãi bỏ Thông tư 08/2004/TT-BYT .

3. Chế độ đối với thương binh nhiễm chất độc hóa học

Theo Thông tư liên tịch 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH hướng dẫn giám định thương tật đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh quy định:

Chế độ đối với thương binh đồng thời mắc một trong những bệnh thuộc danh mục bệnh, tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học như sau:

- Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể (TTCT) từ 80% trở lên được hưởng thêm trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở mức TTCT từ 41% đến 60%.

- Thương binh có tỷ lệ TTCT từ 21% đến 79% được hưởng thêm trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do bệnh, tật đó tương ứng mức TTCT do Hội đồng giám định y khoa kết luận.

4. Danh mục công nghệ cấm chuyển giao

Danh mục công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam tăng lên 30 (trước đây là 16) – Đó là nội dung được quy định tại Nghị định 120/2014/NĐ-CP .

Sau đây là một số đối tượng được xếp vào danh mục này:

- Công nghệ sản xuất tivi, máy tính cá nhân sử dụng tia điện tử để tạo hình ảnh theo công nghệ anolog;

- Công nghệ sản xuất xe ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2;

- Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp và y tế bằng công nghệ đốt một cấp hoặc công nghệ đốt chất thải không có hệ thống xử lý khí thải…

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ khuyến khích và hạn chế chuyển giao.

5. Chi phí thẩm tra ATGT công trình đường bộ đang khai thác

Theo Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT/BGTVT-BTC  hướng dẫnNghị định 11/2010/NĐ-CP về lập, quản lý chi phí thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác quy định:

Chi phí thẩm tra ATGT công trình đường bộ đang khai thác gồm:

- Chi phí trực tiếp: chi phí chuyên gia; chi phí vật liệu; chi phí máy, thiết bị.

- Chi phí quản lý: tối đa bằng 55% chi phí chuyên gia.

- Chi phí khác: chi phí lập Đề cương, Dự toán chi phí thẩm tra an toàn giao thông và các chi phí cần thiết khác.

- Thu nhập chịu thuế tính trước: bằng 6% của tổng chi phí chuyên gia, chi phí quản lý và chi phí khác.

- Thuế giá trị gia tăng.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 01/02/2015

6. Xác định số tiền đóng BHYT

Theo Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thì cách xác định số tiền đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) khi điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở như sau:

- Nhóm do ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và người thuộc hộ cận nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng: số tiền NSNN đóng, hỗ trợ được điều chỉnh từ ngày áp dụng mức đóng BHYT, lương cơ sở mới.

- Nhóm được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng và đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: người tham gia và NSNN không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.

7. Thêm quyền cho người khiếu nại về lao động

Chính phủ ban hành Nghị định 119/2014/NĐ-CP, theo đó, bổ sung nhiều quyền cho người khiếu nại về lao động:

- Người khiếu nại có quyền được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập trừ tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại.

- Yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại.

- Đưa ra chứng cứ và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó…

Ngoài ra, người khiếu nại có quyền khởi kiện tại Tòa án khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Nghị định này thay thế Nghị định 04/2005/NĐ-CP .

8. Nội dung hợp đồng ký quỹ cho thuê lại lao động

Ngày 11/12/2014, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 40/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc ký quỹ và quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Theo đó, hợp đồng ký quỹ phải có tối thiểu các nội dung sau:

-  Tên, địa chỉ, người đại diện của doanh nghiệp cho thuê và của ngân hàng nhận ký quỹ;

-  Số tiền ký quỹ;

- Lãi suất tiền gửi ký quỹ;

- Trả lãi tiền ký quỹ;

- Sử dụng tiền ký quỹ;

- Rút tiền ký quỹ;

- Hoàn trả tiền ký quỹ;

- Trách nhiệm của các bên liên quan.

Thông tư cũng quy định trường hợp số dư tài khoản ký quỹ thấp hơn mức quy định, ngân hàng phải thông báo cho doanh nghiệp nộp bổ sung đầy đủ.

9. Quy định NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam

Trong 30 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền chấp thuận NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD thì NĐT phải chuyển đủ số tiền đã đăng ký mua vào tài khoản đầu tư gián tiếp phong tỏa bằng VND tại 1 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hoạt động và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định.

Trường hợp mua cổ phần của TCTD đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, NĐT nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch.

Ngoài ra, khi NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD yếu kém, hồ sơ cần bổ sung văn bản cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với TCTD yếu kém, hỗ trợ trong việc áp dụng công nghệ hiện đại…

Đây là nội dung quy định tại Thông tư 38/2014/TT-NHNN về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam.

10. Tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng

Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNN) do Ngân hàng nhà nước ban hành.

Theo đó có một số nội dung cần lưu ý, cụ thể:

TCTD, CNNHNN được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo tỷ lệ tối đa sau:

- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã: 60%.

- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 200%.

TCTD, CNNHNN (trừ công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi như sau:

- Ngân hàng thương mại nhà nước, CNNHNN ngoài: 90%.

- Ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 80%.

Ngoài ra, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, CNNHNN đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng thương mại, CNNHNN.

11. Giảm thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp bảo hiểm

TheoThông tư 194/2014/TT-BTC, thời hạn cấp Giấy phép điều chỉnh đổi tên doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài giảm từ 21 xuống còn 14 ngày (kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định).

Tương tự giảm còn 14 ngày (kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ) đối với thủ tục thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện.

Mặt khác, từ ngày 01/01/2016, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được cấp thẻ cho các đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp, chi nhánh nước ngoài.

Đại lý bảo hiểm có trách nhiệm đeo thẻ trong khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

12. Hướng dẫn cách tính thù lao cho luật sư

Ngày làm việc của luật sư được tính trên cơ sở 8 giờ làm việc; trường hợp làm việc trong nhiều ngày nhưng mỗi ngày thực hiện không đủ 8 giờ thì số ngày làm việc được tính trên tổng số giờ làm việc thực tế.

Số giờ làm việc lẻ còn lại (nếu có) được tính như sau:

- Nếu không đủ 06 giờ thì tính thành 1/2 ngày làm việc.

- Nếu từ 06 giờ trở lên thì tính thành 1 ngày làm việc.

Mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở và được áp dụng từ ngày 28/11/2013.

Nội dung trên được quy định tại Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP thay thế Thông tư liên tịch số 66/2007/TTLT-BTC-BTP .

Theo Trí Thức Trẻ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 01/02/2015

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc