top-banner-2

Thứ sáu, 09/01/2015, 08:53 GMT+7

Sức ép sửa Thông tư 36 và một câu hỏi 'nhạy cảm'

Viết bởi Văn Tuyết   
Thứ sáu, 09/01/2015, 08:53 GMT+7

Một nguồn tin cho biết, hôm nay (8/1), đại diện các đầu mối hoạch định chính sách sẽ ngồi lại để một lần nữa trao đổi về quy định trong Thông tư 36 mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành. Giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ là nội dung trọng tâm trong cuộc họp này.

Đầu tuần này, các ngân hàng thương mại cũng đã chốt xong cơ bản số liệu kinh doanh của năm 2014.

Lãnh đạo một thành viên lớn cho biết, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của ngân hàng mình chốt năm qua rất thấp, không đáng kể.

“Cơ chế hiện cho phép cho vay nhiều hơn, nhưng đây không phải là mảng chúng tôi đẩy mạnh. Mức độ thế nào còn tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi ngân hàng”, vị lãnh đạo trên giải thích.

Ngân hàng trên tự quyết, đơn giản với lựa chọn của mình. Nhưng với cả một chính sách, áp lực đến từ nhiều phía, nhất là khi liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau, việc lựa chọn/thậm chí áp đặt để định hướng là không đơn giản.

Sức ép sửa Thông tư 36 và một câu hỏi “nhạy cảm”

Sức ép lớn dần

Một tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, những nghi ngại trên thị trường chứng khoán mới thực sự thể hiện.

Gần nửa cuối tháng 12/2014, thị trường chứng khoán có những phiên giảm mạnh, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, công ty chứng khoán dè chừng… Chung quy được nhiều thông tin gắn với lý do tác động của thông tư trên, quy định mới về cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Thậm chí, một số phân tích và bình luận cho rằng thị trường “sốc” và “tràn ngập nỗi lo” với Thông tư 36 - siết vốn đòn bẩy vào chứng khoán.

Và cũng mãi một tháng sau, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán mới có văn bản kiến nghị giãn lộ trình thực hiện. Thế rồi đại diện nhóm chuyên gia cố vấn cho Thủ tướng mới đề nghị xem xét và làm việc với Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 36 đã được chuẩn bị từ hơn hai năm trước, đã có nhiều cuộc hội thảo, trao đổi với đại diện các ban ngành liên quan, với đại diện các thành viên thị trường, nhưng đến khi chính thức ban hành và sắp hiệu lực thì mới nảy sinh như vậy.

Điểm chung, quan ngại đưa ra là cơ chế mới làm giảm nguồn vốn ngân hàng rót vào lĩnh vực này, sẽ “tác động lớn” tới thanh khoản thị trường, thay đổi chính sách đột ngột ảnh hưởng tâm lý và niềm tin nhà đầu tư… Trong khi đó, thị trường chứng khoán là kênh để dẫn vốn cho doanh nghiệp, tránh bị tổn thương.

Đi sâu hơn nữa, Thông tư 36 được cho là “siết” vốn vào chứng khoán lại ra đời vào thời điểm nhạy cảm, tạo một “lực cản” vô hình đối với quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành ngay trong năm cao điểm 2015.

Với những lý do trên, trước phản ứng của thị trường, trước kiến nghị và ý kiến của của các đầu mối liên quan, thì xem ra, sức ép xem xét điều chỉnh đang dồn về Ngân hàng Nhà nước.

Bản lĩnh của chính sách

Như ý kiến của lãnh đạo ngân hàng thương mại trên, việc đẩy mạnh cho vay hay không tùy vào khẩu vị của mỗi nhà băng. Khẩu vị của chính sách cũng đã thể hiện trong Thông tư 36, qua việc giảm mạnh hệ số rủi ro cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán từ 250% xuống còn 150%.

Vậy, có gì đó không nhất quán khi đưa ra giới hạn “siết” cho vay như các ý kiến, phân tích gần đây. Theo đó, nếu tại buổi làm việc với các bên hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tính điều chỉnh lại để có sự nhất quán thì có vẻ thuận.

Giả sử nếu đáp ứng các kiến nghị, cơ quan này cũng sẽ không khó “ghi điểm” với các thành viên trên thị trường chứng khoán, có thể còn rộng hơn.

Thế nhưng, liệu một lần nữa Ngân hàng Nhà nước lại phải điều chỉnh, sau khi chính sách lớn vừa ra đời mà chưa kịp có hiệu lực? Câu hỏi này trở nên “nhạy cảm” và khó xử, bởi nó liên quan đến tầm nhìn, bản lĩnh và cả thương hiệu của nhà làm chính sách.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải hai lần giãn lộ trình, sửa đổi bổ sung một chính sách quan trọng khác là Thông tư 02 (về phân loại nợ và trích lập dự phòng) khi nó chưa có hiệu lực. Xa hơn, một số văn bản lớn cùng lĩnh vực trước đây cũng đã từng chịu áp lực phải sửa. Nếu thêm lần này nữa, với Thông tư 36, rõ ràng là khó xử và nhạy cảm.

Liệu khi mong muốn và triển khai các bước chấn chỉnh an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã tính rốt ráo các tác động hay chưa, nhất là khi liên quan đến các nhóm lợi ích...

Dĩ nhiên, việc đặt giới hạn cho vay tối đa 5% vốn điều lệ trong Thông tư 36 đã được cân đong, tính toán. Điều đó có nghĩa, một sự vượt quá sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống - đối tượng chính trong quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng, giới hạn này liên quan đến các nhóm lợi ích khác ngoài hệ thống các ngân hàng thương mại. Vậy nên, số phận của giới hạn đó dù đã ban hành nhưng chưa yên ổn.

Trong khi đó, bên cạnh tính độc lập và kỷ luật trong hoạch định chính sách, nếu có quá nhiều tình huống phải sửa đổi, điều chỉnh ngay cả khi chưa có hiệu lực, thì có hai trường hợp đặt ra: một là chất lượng hoạch định có vấn đề, hai là chấp nhận thương hiệu và bản lĩnh chính sách bị ảnh hưởng.

Còn với thị trường, với các chủ thể liên quan, dù chính sách đã ban hành, nhưng họ vẫn đang phải sống chung với một thông điệp bị nhiễu, hoặc chưa thực sự rõ ràng (do chưa rõ có sửa đổi, điều chỉnh hay không).

Theo VnEconomy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sức ép sửa Thông tư 36 và một câu hỏi 'nhạy cảm'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc