top-banner-2

Thứ năm, 09/05/2024, 10:48 GMT+7

Đà Nẵng tìm giải pháp thu hút thị trường khách Hàn Quốc và Nhật Bản

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 09/05/2024, 10:48 GMT+7

Sau dịch Covid-19, Hàn Quốc là thị trường phục hồi nhanh nhất và nhanh chóng trở lại vị trí dẫn đầu với tỷ trọng gần 50% thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong khi đó, Nhật Bản cũng được xác định là thị trường trọng điểm của ngành du lịch Đà Nẵng.

da-nang-tim-giai-phap-thu-hut-thi-truong-khach-han-quoc-va-nhat-ban

Nhằm trao đổi thông tin và bàn giải pháp thu hút thị trường khách Đông Bắc Á (Hàn Quốc và Nhật Bản) trong thời gian đến, chiều 8/5, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức buổi họp trao đổi với các doanh nghiệp du lịch khai thác thị trường khách Đông Bắc Á (Hàn Quốc và Nhật Bản).

Đà Nẵng tìm giải pháp thu hút thị trường khách Hàn Quốc và Nhật Bản - Ảnh 1.

Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức buổi họp trao đổi với các doanh nghiệp du lịch khai thác thị trường khách Đông Bắc Á (Hàn Quốc và Nhật Bản), chiều 8/5. Ảnh: Đức Hoàng

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng số khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng đạt 636.964 lượt, chiếm 41,3% tổng lượt khai báo của khách quốc tế (top 1 thị trường quốc tế đến Đà Nẵng); tổng số khách Nhật Bản đến Đà Nẵng đạt 47.508 lượt, chiếm 3,3% tổng lượt khai báo của khách quốc tế (top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng).

Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đến thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối với thị trường Hàn Quốc, tập trung vào khách lẻ, cặp đôi, giới trẻ, gia đình (đa thế hệ).

Các hoạt động triển khai xúc tiến quảng bá du lịch bao gồm: tập trung truyền thông về du lịch nghỉ dưỡng, golf, ẩm thực, MICE, shopping, spa; giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, du lịch về đêm và các chương trình sự kiện của thành phố; giới thiệu chương trình xúc tiến thu hút khách du lịch MICE; tổ chức chương trình kích cầu du lịch, chương trình thí điểm thu hút khách du lịch cưới đến Đà Nẵng.

Dự kiến trong tháng 7/2024, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tổ chức buổi gặp gỡ làm việc với các đối tác du lịch tại Seoul (Hàn Quốc) và chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Busan.

Đà Nẵng tìm giải pháp thu hút thị trường khách Hàn Quốc và Nhật Bản - Ảnh 2.

Du khách Hàn Quốc tắm bùn tại Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài. Ảnh: Đức Hoàng

Trong năm nay, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng dự kiến phối hợp với các hãng hàng không, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch đón các đoàn famtrip lữ hành Hàn Quốc đến khảo sát sản phẩm dịch vụ, hạ tầng du lịch Đà Nẵng.

Đối với thị trường Nhật Bản, tập trung vào khách FIT (khách du lịch lẻ, tự do, không đi theo công ty lữ hành hay tour) gồm khách trung niên, cao tuổi, gia đình, cặp đôi, giới trẻ, với các loại hình du lịch: nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch học đường, du lịch cưới, du lịch golf.

Dự kiến trong tháng 9/2024, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tham gia Hội chợ triển lãm Tourism Expo tại Tokyo (Nhật Bản); trong quý 3/2024 sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam đón các đoàn Famtrip lữ hành Nhật Bản khảo sát du lịch golf, du lịch học đường.

Ngoài ra, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến khôi phục/mở mới đường bay từ các tỉnh, thành Nhật Bản đến Đà Nẵng.

Tại buổi họp, đại diện các doanh nghiệp du lịch cũng đã góp ý và hiến kế những giải pháp để thời gian tới đón và phục vụ khách Hàn Quốc, Nhật Bản tốt hơn. Ví dụ như nên có chiến dịch thu hút khách Hàn Quốc quay lại Đà Nẵng du lịch nhiều lần. Du khách nào tới Đà Nẵng du lịch nhiều lần thì nên tổ chức tặng quà bằng voucher phòng ở khách sạn hoặc vé tham quan du lịch…Cùng với đó, tổ chức nhiều sản phẩm du lịch phù hợp đối với khách hai thị trường này.

Đà Nẵng tìm giải pháp thu hút thị trường khách Hàn Quốc và Nhật Bản - Ảnh 3.

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường khách chính của Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc và Nhật Bản) có tiềm năng lớn đối với Đà Nẵng. Sức hút, mức độ quan tâm của người Hàn Quốc đối với Đà Nẵng là rất lớn. Các dịch vụ của Đà Nẵng rất tốt, được du khách đánh giá cao.

"Cần tập trung khai thác thêm thị trường khách mới, đa dạng hóa cách khai thác các thị trường khách. Đối với thị trường Nhật, cần có thời gian để tiếp cận và khai thác khách. Theo tôi, cần có các sản phẩm chuyên đề dành cho từng thị trường khách Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành để triển khai thu hút khách một cách tốt nhất", ông Dũng nói.

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, ngành du lịch luôn chủ động, tiên phong trong việc tìm kiếm các thị trường mới, nhất là các thị trường khách quốc tế trong bối cảnh khách nội địa đang gặp khó như hiện nay.

Để thu hút khách ngành du lịch sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, điểm đến; tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm để thu hút, mở rộng thêm các thị trường khách, khẳng định Đà Nẵng là điểm đến của khách du lịch quốc tế.

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị các doanh nghiệp du lịch cần có ý tưởng, cách làm mới của riêng mình; tự hoàn thiện dịch vụ, tạo ra các sản phẩm, trải nghiệm mới chào bán cho các thị trường khách; chủ động tham gia các công tác xúc tiến, quảng bá tới các thị trường khách, đối tác. Các doanh nghiệp trong nước có thể kết nối tạo ra hệ sinh thái, điểm đến đạt chất lượng tốt, khẳng định được thương hiệu điểm đến.

"Ngành du lịch sẽ sớm phát động chiến dịch tri ân khách các thị trường Hàn Quốc để thu hút khách quay lại; xây dựng Đà Nẵng là điểm đến thường xuyên của khách Hàn Quốc; tìm kiếm các địa phương mới của Hàn Quốc để xúc tiến, quảng bá, thêm các phân khúc khách hàng mới của Nhật Bản như khách MICE, khách học đường…Ngành du lịch mong muốn cùng với các doanh nghiệp nỗ lực duy trì sự phát triển ngày càng bền vững của du lịch thành phố", Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với 46.976 phòng. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại chiếm khoảng 93% (1.190/1.285 cơ sở với khoảng 42.000 phòng). Hầu hết các cơ sở lưu trú đều đón khách thị trường Hàn, Nhật. Trong đó Khối cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao và tương đương: 102/106 cơ sở với 19.388/20.696 phòng; Khối cơ sở lưu trú du lịch 3 sao và tương đương trở xuống: 1.088/1.179 cơ sở với 22.612/26.280 phòng.

Một số khách sạn 3-5 sao hay đón khách Nhật như Mikazuki, Grandvrio City, Grandvrio Ocean, Pulchra… Khách Hàn thường lưu trú tại các khách sạn khu vực trung tâm (Novotel, Sông Hàn, Stay…) hoặc các resort, khách sạn ven biển (Mường Thanh, Vinpearl Melia, Furama, Sheraton….).

(nguồn: toquoc.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đà Nẵng tìm giải pháp thu hút thị trường khách Hàn Quốc và Nhật Bản

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc