top-banner-2

Thứ ba, 03/06/2014, 09:11 GMT+7

Viettel & sứ mệnh phấn đấu "chạy đua" cùng nước Mỹ

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ ba, 03/06/2014, 09:11 GMT+7

Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng mơ sẽ tạo ra những trường Amsterdam ở Yên Bái, Lào Cai bằng việc phổ cập Internet băng siêu rộng, cùng các chương trình học trực tuyến miễn phí tới tất cả các trường học trên khắp Việt Nam. Ông tự hào nói rằng: "Chúng ta đang làm một việc mà ngay cả nước Mỹ cũng đang phấn đấu. Nhưng sự khác biệt lớn hơn nữa là toàn bộ sự kết nối đó được cung cấp miễn phí bởi một doanh nghiệp".

Tại buổi lễ ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện với Bộ Giáo dục Đào tạo cho chương trình “Kết nối mạng giáo dục” giai đoạn 2, hôm 28/5, người đứng đầu Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có một bài phát biểu đáng chú ý.

Ông Hùng nói:

“Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện ngày hôm nay là giai đoạn tiếp theo trong chương trình “Kết nối mạng giáo dục” mà Viettel đã phối hợp thực hiện cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2008 đến năm 2013. Với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của chính quyền các địa phương, tính đến nay, chúng ta đã hoàn thành việc kết nối Internet cho hơn 30 ngàn cơ sở giáo dục trên cả nước, đạt 100% mục tiêu đặt ra.

Giấc mơ mới của Tổng giám đốc Viettel

Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác toàn diện là giai đoạn tiếp theo trong chương trình “Kết nối mạng giáo dục” mà Viettel đã phối hợp thực hiện cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2008 đến năm 2013.

Hôm nay, chúng ta đặt ra một mục tiêu lớn hơn nhiều, nó thay đổi một cách căn bản việc kết nối Internet cho các trường học. Đó là kết nối băng siêu rộng bằng cáp quang cho tất cả các trường học, tạo điều kiện cho các ứng dụng dạy và học bùng nổ.

Chúng ta đang làm một việc mà ngay cả nước Mỹ cũng đang phấn đấu, để đến hết nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đưa được Internet băng rộng đến 15.000 trường học của Mỹ. Cùng với một mốc thời gian như vậy, chúng ta sẽ đưa Internet băng siêu rộng đến hầu hết các trường học của Việt Nam. Nhưng sự khác biệt lớn hơn nữa là toàn bộ sự kết nối đó được cung cấp miễn phí bởi một doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự hợp tác lần này không chỉ dừng ở việc cung cấp hạ tầng kết nối, Viettel còn hỗ trợ ngành giáo dục về nội dung, về ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục, triển khai hệ thống giáo dục điện tử, bao gồm xây dựng kho tài liệu học trực tuyến, hệ thống dạy và học trực tuyến, kênh truyền hình giáo dục, kênh học theo yêu cầu trên truyền hình cáp quang. Tổng đầu tư lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, chi phí duy trì hàng năm là trên 500 tỷ đồng.

Nước Mỹ có một công thức thành công dựa trên 5 trụ cột. Trụ cột thứ nhất là đào tạo, làm cho nhiều người Mỹ tiếp cận được với giáo dục, tiếp cận được với tri thức và các ý tưởng mới.

Trụ cột thứ hai là liên tục đầu tư và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, trong đó có mạng viễn thông với băng thông cố định siêu rộng và di động băng rộng, để cho người lao động và doanh nghiệp có thể giao tiếp và hợp tác với nhau một cách hiệu quả, để cho mọi gia đình Mỹ, mọi người Mỹ có thể tiếp cận một mạng thông tin hỗ trợ việc học trực tuyến.

Cả hai trụ cột này chúng ta đều có thể làm không kém gì nước Mỹ, và Viettel muốn đồng hành cùng ngành giáo dục thực hiện sứ mạng này.

Ở Việt Nam, chắc rằng nhiều người cho rằng có một trường chất lượng cao như trường Amsterdam của Hà Nội ở Yên Bái chỉ là một giấc mơ. Nhưng với Viettel, chúng tôi tin rằng giấc mơ đó hoàn toàn khả thi. Sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục Đào tạo và Viettel ngày hôm nay chính là chúng ta đang cùng nhau hiện thực hóa giấc mơ ấy.

Viettel đang thực hiện một kế hoạch lớn là mỗi hộ gia đình Vietnam sẽ có một đường truyền hình cáp quang với dung lượng hàng trăm kênh chất lượng cao.

Với những người thầy giỏi nhất, chúng ta sẽ soạn ra chương trình đào tạo tốt nhất để phát trên kênh truyền hình theo yêu cầu, đến tất cả các hộ gia đình, và có thể là đến từng người dân thông qua chiếc điện thoại thông minh.

Học sinh Việt Nam sẽ có điều kiện học bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào. Con cái chúng ta ở tận Lào Cai cũng chẳng khác gì con em chúng ta ở Hà Nội, cùng được hưởng một chất lượng giáo dục.

Công nghệ thông tin hoá hệ thống giáo dục sẽ xoá khoảng cách về đào tạo giữa người có điều kiện và người không có điều kiện tiếp cận cơ hội giáo dục chất lượng cao. Mọi người đều bình đẳng khi tiếp cận giáo dục.

Điều ấy, ở cả những nước đã phát triển vẫn còn là mơ ước.

Với trách nhiệm cống hiến cho sự phát triển tương lai đất nước, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai và thực hiện thành công thoả thuận hợp tác này trong thời gian sớm nhất có thể, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển về đào tạo và giáo dục, tự hào sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Theo Vneconomy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Viettel & sứ mệnh phấn đấu "chạy đua" cùng nước Mỹ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc