top-banner-2

Thứ bảy, 19/04/2014, 09:54 GMT+7

Ông chủ của "nơi đặc biệt nhất Việt Nam"

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ bảy, 19/04/2014, 09:54 GMT+7

Người bình thường khởi nghiệp kinh doanh đã khó, người khuyết tật còn khó gấp bội. Đó là câu chuyện của ông chủ Công ty TNHH Tranh cát Phi Long, đến mức Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam từng đến thăm nơi này đã nhận xét: "Cả nước Việt Nam không có nơi nào đặc biệt như ở đây".

alt

Đỗ Đặng Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Tranh cát Phi Long

Cơn bạo bệnh lúc 1 tuổi đã cướp đi khả năng nghe nói của Đỗ Đặng Phi Long. Những năm theo học nội trú ở Trường khuyết tật Lái Thiêu, Bình Dương, Phi Long đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Đến năm 2005, khi tham quan Lễ hội "Bình Thuận - Hội tụ xanh" và bị những bức tranh cát độc đáo của họa sĩ Ý Lan cuốn hút, Phi Long đã xin mẹ theo học vẽ tranh cát.

Sau thời gian học nghề miệt mài, Phi Long trở thành một nghệ nhân lành nghề, anh trở về quê hương Phan Thiết và mở lớp dạy nghề miễn phí cho những thanh niên đồng cảnh ngộ. Bằng năng khiếu bẩm sinh, chàng trai trẻ đã nỗ lực vượt qua số phận và cùng các thành viên tự tin hòa nhập cuộc sống.

Có chứng kiến một buổi làm tranh cát của những người nghệ sĩ kém may mắn ở xưởng tranh Phi Long mới thấy được hết tài năng và lòng yêu nghề của họ.

Từ những hạt cát, qua óc sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật, hàng trăm tác phẩm với đủ kích cỡ (từ 5 - 10cm đến những bức tranh kích thước lên đến 2mx1m), hình dáng (oval, tròn, vuông, tranh ly, tranh treo tường, tranh cắm hoa...), chủ đề (chân dung, tôn giáo, phong cảnh, nghệ thuật...) đã ra đời.

Theo Phi Long, nếu sáng ý, người thợ chỉ mất 7 - 8 tháng thực hiện thành công một bức tranh cát, còn những bạn chậm hơn thì có thể kéo dài từ 1 - 1,5 năm.

Và nếu vẽ tranh ly là hình thức đơn giản dành cho những bạn mới vào nghề thì để thực hiện những bức chân dung có thần đòi hỏi ở người thợ sự tinh tế và thạo nghề hơn gấp nhiều lần. Cũng như vậy, tùy vào độ phức tạp, kích cỡ và thể loại sáng tác mà những tác phẩm mất từ 3 ngày đến 1 tháng ròng rã.

Tranh cát là nghệ thuật, vì thế, một bức tranh đạt yêu cầu phải vừa đẹp, giàu cảm xúc và độc đáo. Kinh doanh tranh cát cũng phải từ cái tâm, phải bán những sản phẩm hoàn hảo. Thế nên, Phi Long cho rằng tranh dù có sai một chút cũng phải múc cát ra sửa lại hết chứ không bao giờ bán tranh lỗi cho khách.

Đừng bao giờ nghĩ rằng khách hàng của mình không biết. Họ chính là những người có mắt thẩm mỹ tinh tế nhất. Để có đủ số lượng cát màu vẽ tranh, Phi Long và mẹ nhiều khi phải mất cả tháng liền để đi khắp nơi tìm cát và sơ chế. Mặc dù hiện tại trong kho cát của cơ sở đã có đến hơn 80 màu cát tự nhiên nhưng hễ nghe được ở đâu có cát mới, Phi Long và mẹ lại lên đường đi kiếm và sơ chế.

Bà chia sẻ: "Thấy con có mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ, tôi rất mừng. Cả gia đình đã dốc hết tâm huyết xây dựng Cơ sở Tranh cát Phi Long. Thời gian đầu gây dựng cơ sở rất khó khăn bởi không có vốn. Tôi lập dự án nhưng ngân hàng không cho vay với lý do dự án không khả thi, bởi người khuyết tật như vậy thì kinh doanh thế nào được. Với mong muốn có cơ sở để giúp người khuyết tật như con mình sống được bằng lao động chân chính, tôi đã phải đi vay tiền bên ngoài với lãi suất 16%/năm. Sau này, được sự giúp đỡ của tỉnh, ngành chức năng, cơ sở được tỉnh Bình Thuận cấp đất, hỗ trợ một phần kinh phí trong đào tạo nghề. Ngoài ra, nhiều nhà hảo tâm cũng đã giúp thêm để các em ổn định cuộc sống".

alt

Phi Long hỗ trợ các bạn khuyết tật có việc làm, không chỉ được học miễn phí, mà còn được lo nơi ăn chốn ở đàng hoàng.

Hiện tại, trong ngôi nhà chung Phi Long, các bạn khuyết tật không chỉ được học miễn phí, mà còn được lo nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Lợi nhuận thu được từ việc bán tranh Phi Long cũng chia đều cho mọi người dựa trên năng lực của từng người, với mức thu nhập từ 800.000 - 3 triệu đồng/tháng.

 Vài năm gần đây, nhằm tăng sức hấp dẫn của du lịch địa phương, Tranh cát Phi Long đã phối hợp với các công ty lữ hành du lịch trên toàn quốc, cũng như liên kết với các trung tâm khuyết tật trên thế giới để không chỉ tổ chức cho khách tham quan, tìm hiểu những bức tranh cát do các em khuyết tật sáng tác, mà còn là nơi để du khách "thử tài" vẽ tranh qua sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Với cách làm đó, lượng khách biết đến Tranh cát Phi Long ngày càng tăng. "Đây cũng là một trong giải pháp thu hút khách du lịch, góp phần giúp các cháu khuyết tật trong các cả nước đến đây có việc làm ổn định, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ gia đình và xã hội", bà Thu Hà nói.

Sức lan tỏa từ tính nhân văn đã giúp Tranh cát Phi Long tìm gặp được nhiều tấm lòng vàng khi ngày càng có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và chia sẻ. Cũng nhờ đó mà khách hàng của Phi Long vươn rộng ra cả nước và ra ngoài biên giới với các đối tác ổn định như Nhật, Đức...

Nhìn lại chặng đường gắn bó cùng con tạo dựng nên cơ sở tranh cát nghệ thuật Phi Long, bà Hà xúc động: "Niềm vui thật vô tận khi không chỉ mang đến thành công cho con, mà quyết định năm nào đã giúp tôi góp thêm vào ước mơ nhỏ bé của những bạn trẻ kém may mắn".

Nói về dự định trong tương lai, bà Thu Hà cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, mở rộng nguồn khách hàng và quy mô của cơ sở để ngày càng nâng cao mức sống cho những bạn trẻ nơi đây.

Theo Dautu


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ông chủ của "nơi đặc biệt nhất Việt Nam"

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc