top-banner-2

Thứ sáu, 17/01/2014, 19:22 GMT+7

Xây dựng chính quyền đô thị: Phục vụ dân qua việc tạo điều kiện cho DN

Viết bởi Thiên Bình   
Thứ sáu, 17/01/2014, 19:22 GMT+7

Trước yêu cầu giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị đòi hỏi một mô hình chính quyền đô thị phù hợp với sự phát triển, ngay từ năm 2007, TP HCM đã bắt đầu có những nghiên cứu đề án mô hình chính quyền đô thị để trình Trung ương. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có đề án được phê duyệt.

Để có định hướng đúng đắn của việc xây dựng chính quyền đô thị, cần xuất phát từ quan điểm vì con người của Đảng và Nhà nước. Từ quan điểm đó, mục tiêu gốc rễ nhất của quản lý đô thị sẽ là vì lợi ích của nhân dân đô thị. Trong lợi ích của mỗi người dân luôn luôn có ba cặp cơ bản mâu thuẫn nhau, đó là lợi ích trước mắt mâu thuẫn với lợi ích lâu dài, lợi ích cục bộ mâu thuẫn với lợi ích toàn cục, lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích chung.

Mục tiêu quản lý đô thị và vai trò của chính quyền

Chính quyền có trách nhiệm quản lý đô thị theo mục tiêu phát triển ổn định bên vững trên cơ sở giải quyết hài hòa các lợi ích của nhân dân.

Để thực hiện mục tiêu này, từ hai chức năng duy nhất là tổ chức thực hiện việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhà nước, chính quyền đô thị trong cơ chế thị trường có bốn chức năng cơ bản là: Tạo điều kiện cho các thị trường đô thị; Đảm bảo cơ sở hạ tầng; Bảo vệ môi trường; Chăm lo cho người nghèo.

Bốn nhiệm vụ chức năng này cũng là 4 nội dung đổi mới rất cơ bản của chính quyền từ cơ chế hành chính bao cấp qua cơ chế thị trường. Nhà nước không còn trực tiếp quản lý kinh tế, nhà nước chỉ tạo điều kiện bằng các biện pháp xây dựng hành lang pháp lý, ban hành hệ thống các chính sách khuyến khích (hay phạt), đảm bảo cung ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường và cung cấp thông tin cho xã hội.

Nhà nước đứng ở bên ngoài chăm chút cho nền kinh tế - xã hội như người nông dân chăm sóc cho cây trồng. Nền kinh tế - xã hội tự vận hành theo cơ chế tự động hóa trên cơ sở phát huy động lực của mọi các nhân và tạo ra năng suất lao động cao hơn cơ chế điều hành theo kế hoạch và mệnh lệnh của chế độ hành chính bao cấp. Nhà nước (được nuôi sống bằng tiền thuế của dân) luôn tìm cách giảm bớt công việc, giảm bớt biên chế để giản bớt gánh nặng đài thọ của nhân dân. Nguyên tắc chung là cái gì tự dân không làm được nhà nước mới phải ra tay. Đó chính là quan điểm nhà nước phục vụ trong nền kinh tế thị trường.

Cần giao quyền cho doanh nghiệp

Từ nhu cầu cụ thể của dân sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể của các cấp chính quyền. Rất nhiều việc chính quyền hiện nay có thể chuyển cho các Cty thực hiện. Nhà nước phục vụ dân thông qua việc tạo điều kiện cho các Cty này. Đây là cách để tinh giản bộ máy chính quyền hết sức nặng nề hiện nay.

Theo đó, trong mô hình chính quyền đô thị cần phân rõ những việc chính quyền làm, những việc các Cty dịch vụ làm. Chính quyền ở đây bao gồm bộ máy hành chính, thuế vụ, cảnh sát. Một số việc cụ thể như: Công chứng, cấp một số loại giấy phép (kể cả giấy phép xây dựng), công tác từ thiện… có thể giao cho Cty dịch vụ làm và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chính quyền tập trung quản lý thuế, trật tự trị an, môi trường, xây dựng chính sách và pháp luật, đảm bảo hạ tầng (huy động nguồn lực đầu tư và trực tiếp đầu tư), quản lý giá cả và chất lượng hàng hóa các Cty độc quyền tự nhiên như cấp điện, cấp nước, xăng dầu…

Tuy nhiên, để làm được điều đó, nhà nước  cần nhiều sự hỗ trợ cho các Cty dịch vụ này. Trước hết là về chính sách và pháp luật, tăng cường tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng. Từ đó, trách nhiệm các cá nhân rõ ràng. Các cá nhân sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ví dụ: Công chứng viên sẽ chịu trách nhiệm về sự chính xác nội dung công chứng trước pháp luật giống như phó chủ tịch phường ký công chứng hiện nay.

Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ các điều kiện kinh doanh dịch vụ như về hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế, chính sách ưu đãi về thuế, về vốn… Bên cạnh đó, nhà nước cung cấp những thông tin mà chỉ có nhà nước mới thu thập được, kể cả đào tạo nguồn nhân lực.

Thời gian qua, mô hình chính quyền đô thị của TP.HCM được trình lên Chính phủ hình như mới chỉ là giảm cấp trung gian chứ chưa rõ về nội dung hoạt động của chính quyền trong cơ chế thị trường, chưa rõ mô hình của chính quyền phục vụ.

Nhìn rộng ra một số nước quanh ta, có thể nói việc xây dựng chính quyền đô thị theo mục tiêu phục vụ nhu cầu của người dân là một nội dung rút ra từ nhận thức về nền kinh tế thị trường của các nước dân chủ tư sản hiện nay. Kinh tế thị trường hướng tới “cầu”, khác với kinh tế kế hoạch hướng tới “cung”. Khai thác nhu cầu của dân và tạo điều kiện để nhu cầu đó chuyển thành cầu của thị trường không chỉ là việc của Cty, mà cũng là việc của chính quyền theo chức năng “tạo điều kiện” của mình. Mô hình nhà nước “tạo điều kiện” hoàn toàn có thể áp dụng cho nước ta. Quá trình đổi mới gần 30 năm qua là quá trình chuyển từ nhà nước trực tiếp quản lý kinh tế sang tạo điều kiện. Tuy nhiên, theo tôi mới đi được nửa chặng đường.

Chúng ta đang hội nhập vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu, chúng ta phải chơi theo quy luật của thị trường mà vẫn giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa cơ bản nhất chính là thực hiện mục tiêu vì nhân dân lao động. Chăm lo cho người nghèo được coi là một nhiệm vụ chức năng cơ bản của chính quyền cũng theo định hướng đó. Thực tế, chính quyền nào cũng có tham nhũng nhưng tại sao có nước ít, có nước lại nhiều. Muốn học kinh nghiệm phải nghiên cứu cụ thể từng nước.

Một số người cho rằng chính quyền địa phương hiện đã lỗi thời, chủ yếu họ muốn nói tới mô hình xã hội dân sự, giao quyền cho cộng đồng dân cư tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Một số nước có nền kinh tế tiên tiến, có trình độ dân trí cao, có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và khoa học đang có xu hướng đó. Hơn nữa, cần hiểu mô hình chính quyền đô thị của họ chỉ là bộ máy hành pháp. Như vậy, mô hình chính quyền địa phương có lỗi thời hay không còn tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nền kinh tế - xã hội.

Chương Chính quyền địa phương được quy định khái quát trong Hiến pháp theo hướng: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Mô hình đã lỗi mốt

Nhu cầu cải cách chính quyền địa phương ở VN hiện nay rất cấp bách. Chính quyền địa phương hiện nay đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cung cấp dịch vụ cho dân, tuy nhiên, sự chồng chéo chức năng là rất phổ biến; chủ nghĩa hình thức, cách làm theo phong trào cũng khá nặng nề. Ngoài ra, hệ thống khuyến khích phục vụ dân chưa được thiết kế mạch lạc; chế độ trách nhiệm trước dân cũng không thật rõ ràng.

Hệ thống chính quyền địa phương chúng ta đang có chủ yếu được thiết kế theo mô hình Xô Viết: các cấp chính quyền to nhỏ khác nhau, nhưng đều có chức năng, nhiệm vụ na ná như nhau (giống như búp bê Nga Matryoshka). Búp bê Matryoshka thì tất cả các con đều xinh, nhưng những con bé hơn đều bị con lớn nhất che khuất hoàn toàn.

Cải cách mô hình chính quyền địa phương theo hướng nào còn phụ thuộc vào mục đích cải cách của chúng ta. Nếu chúng ta muốn có một xã hội lớn và một nhà nước bé, thì có thể bỏ bớt đi một cấp chính quyền địa phương (hai cấp chính quyền địa phương là mô hình được thiết kế ở đa số các nước trên thế giới). Nếu chúng ta muốn tăng cường khuyến khích phục vụ dân, thì cần để dân bầu trực tiếp cả người đứng đầu bộ máy hành chính. Tuy nhiên, theo bất cứ hướng nào thì sự phân công, phân quyền giữa các cấp đều phải rất rõ ràng, mạch lạc.

TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM:
Tăng quyền tự quản cho chính quyền địa phương

Trong những năm qua, trong nhiều lĩnh vực Trung ương đã mở rộng việc phân cấp cho địa phương, nhưng do chưa minh bạch về chức năng quản lý nhà nước, cơ chế trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương; sự trùng lặp chức năng giữa các cấp chính quyền, nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí có nhiều trường hợp thiếu kỷ cương của một nền hành chính quốc gia. Mặt khác, có nhiều lĩnh vực nên để cho chính quyền địa phương, nhất là HĐND tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, nhưng lại không được phân cấp. Ví dụ, ở các đô thị nên cho phép chính quyền địa phương, cụ thể là HĐND được quyền quy định và xử phạt những hành vi vi phạm trật tự, mỹ quan đô thị, cư trú.. mang tính đặc thù của địa phương, mà không tổn hại gì đến lợi ích quốc gia, nhưng không được.

Tôi tin rằng, với sự sửa đổi Hiến pháp lần này, làm rõ địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, làm rõ tính tự chủ của chính quyền địa phương trong phạm vi luật định, mở rộng quyền quyết định của HĐND đối với những vấn đề của địa phương… sẽ phù hợp hơn với đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường định hướng XNCN của nước ta và xu hướng mở rộng tính tự chủ của chính quyền địa phương trên thế giới. Phải tăng quyền tự quản cho chính quyền địa phương để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở và phù hợp với đặc điểm của cơ chế thị trường...

TS Võ Kim Cương - Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM

(Nguồn: DDDN)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xây dựng chính quyền đô thị: Phục vụ dân qua việc tạo điều kiện cho DN

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc