KIDO thâu tóm một công ty con của Dabaco, hướng tới mua công ty nước ngoài |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 09/06/2017, 17:07 GMT+7 |
Sau hàng loạt thương vụ M&A lớn với các doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây như mua lại Vocarimex và Tường An, Tập đoàn KIDO đang có ý định sẽ đầu tư vào cả các doanh nghiệp ngoại trong khu vực ASEAN. Theo Tổng giám đốc KIDO Group (KDC) Trần Lệ Nguyên, đầu tư ra nước ngoài là bước đi quan trọng của mục tiêu đưa KIDO trở thành công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam trong vòng từ 2-3 năm tới. Lâu nay, khi nói đến các thương vụ M&A ngành thực phẩm, chúng ta thường liên tưởng đến dòng vốn ngoại đổ vào doanh nghiệp Việt do tiềm năng quá hấp dẫn từ thị trường có dân số lên đến gần 100 triệu dân. Mặc dù chưa có nhiều thương vụ đáng kể nhưng nhiều doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam đã có chủ trương đầu tư ra nước ngoài thay vì chỉ xuất khẩu đơn thuần. Bản thân KIDO cũng nhận được nhiều đề nghị hấp dẫn từ các doanh nghiệp thực phẩm nước ngoài. Tuy nhiên, ông Trần Lệ Nguyên cho rằng, với tiềm lực cả về tài chính lẫn quy mô sản xuất như hiện tại thì KIDO đủ khả năng ngược dòng bằng việc thâu tóm doanh nghiệp ngoại ngay tại nước bạn. Mục tiêu này sẽ được công bố tại Đại hội cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 16/6 tới đây. Đối với chỉ tiêu kinh doanh năm 2017, Hội đồng quản trị KIDO trình cổ đông thông qua phương án 7.700 tỷ đồng doanh thu thuần - gấp 3,4 lần doanh thu đạt được năm 2016 và 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cổ tức tỷ lệ 16%. Doanh thu tăng đột biến so với năm 2016 chủ yếu đến từ mảng dầu ăn khi KIDO tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh của Tường An và Vocarimex. Bên cạnh đó, HĐQT cũng đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu khối ngoại từ 49% như hiện nay lên 100% nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu KDC giúp tập đoàn có thêm nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh doanh mở rộng, theo đuổi các thương vụ M&A. Để thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, tập trung nguồn lực phát triển các ngành nghề kinh doanh trọng điểm, KIDO cũng trình ĐHCĐ thông qua việc thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, trong đó ghi giảm một số ngành nghề liên quan. Sẽ có ngành hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh và đồ hộp Song song với việc chuẩn bị các nguồn lực để đầu tư ra nước ngoài, KIDO sẽ tiếp tục mở rộng các dòng sản phẩm nhằm tận dụng hệ thống phân phối sẵn có. Theo ông Nguyên, KIDO trong quá trình hoàn tất việc thâu tóm một công ty con của CTCP Dabaco Việt Nam ( DBC ). Với việc thâu tóm thành công doanh nghiệp này, KIDO sẽ góp mặt ở 3 phân khúc quan trọng của ngành hàng thực phẩm gồm: thực phẩm tươi sống (thịt, xúc xích), đông lạnh và đồ hộp. Ông Nguyên cho biết, việc chuyển nhượng mảng bánh kẹo sẽ khiến cho doanh thu của tập đoạn bị ảnh hưởng nhưng đây lại là bước đi chiến lược của doanh nghiệp. Tránh phụ thuộc vào tính thời vụ (Trung thu và Tết). Trong khi các mặt hàng mà KIDO đều là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và sức mua được duy trì suốt năm. Các ngành hàng mới mà KIDO đang nhắm đến khai thác triệt để thế mạnh về kênh phân phối, logistic của KIDO về thị trường. Chẳng hạn, đối với mảng bánh kẹo chỉ có 150.000-250.000 điểm bán hàng trong khi mảng dầu ăn có đến 400.000 điểm bán hàng. “Ngay như mặt hàng đông lạnh, khi chuyển sản phẩm một số sản phẩm Kem ra thị trường phía Bắc, chúng tôi phải đi xe trống về lại nhà máy. Nay với việc mua lại doanh nghiệp tại thị trường phía Bắc, chúng tôi sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí vận chuyển. Đối với ngành hàng này, KIDO hiện có đến 70.000 điểm bán”, ông Nguyên chia sẻ. Theo Trường Anh - ttvn.vn - 9/6/2017 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|