top-banner-2

Thứ năm, 04/08/2016, 15:13 GMT+7

Nhiều tập đoàn lớn dồn vốn vào Việt Nam

Viết bởi An An   
Thứ năm, 04/08/2016, 15:13 GMT+7

Nhiều tập đoàn lớn đang tiếp tục lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ.

1-doanh-nghiep-ngoai-dau-tu-vao-viet-nam

Thông tin từ Báo Đầu tư cho biết nhiều khả năng, LG Innotek, một công ty con của Tập đoàn LG, sẽ đầu tư một dự án chuyên sản xuất camera tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Dự án dự kiến có vốn đầu tư 200 triệu USD, khả năng sẽ sớm được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong nay mai.

Từ “cứ điểm sản xuất toàn cầu”

Đây là dự án đầu tư thứ ba của Tập đoàn LG tại Việt Nam, sau Dự án khu tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng 1 tỷ USD và Dự án LG Display, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng trước.

Cả 3 dự án này đều được triển khai tại Hải Phòng và việc cùng lúc 3 dự án được LG đầu tư tại đây đã chứng minh một điều, LG đang thực sự dịch chuyển sản xuất tới Việt Nam giống như tuyên bố trước đó của họ.

Như vậy, sau Samsung, đến lượt LG đã thiết lập cứ điểm sản xuất toàn cầu tại Việt Nam, với các sản phẩm mũi nhọn, kéo theo ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc đã và đang tìm đường tới Việt Nam để mở cơ sở sản xuất mới.

Ngoài Hàn Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang dốc vốn vào Việt Nam. Theo thông tin mới đây trên tờ Nhật báo Nikkei (Nhật Bản), nhà sản xuất máy điều hòa không khí lớn nhất của Nhật Bản là Daikin Industries đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. Giá trị của khoản đầu tư này ước khoảng 93,6 triệu USD. Nhà máy dự kiến được khởi công vào năm 2018, dự tính sản xuất một nửa triệu máy điều hòa mỗi năm. Nếu tình hình kinh tế thuận lợi, tới năm 2020,  sẽ mở rộng năng lực sản xuất lên gấp đôi.

Những thông tin tích cực cho thấy, vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, khi số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 7 tháng đầu năm, ước có 12,94 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam, tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới là gần 8,7 tỷ USD, còn vốn tăng thêm là 4,25 tỷ USD. Với vốn FDI giải ngân, con số cũng rất tích cực: 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa

Đến khu công nghiệp chuyên ngành

Cùng với việc hình thành các cứ điểm sản xuất toàn cầu tại Việt Nam là Đáng chú ý là những đề xuất  làm các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Điển hình là khu công nghiệp Long Đức (Đồng Nai), đi vào hoạt động từ năm 2013, có tổng diện tích 282 ha, chủ đầu tư là liên doanh giữa 3 tập đoàn của Nhật Bản và Công ty Donafood của Việt Nam.

Sau khoảng 2 năm khu công nghiệp Long Đức lấp đầy trên 60%, với 40 dự án của doanh nghiệp Nhật, tổng vốn đăng ký gần 900 triệu USD. Gần đây, chủ đầu tư khu công nghiệp Long Đức đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai được đầu tư hạ tầng giai đoạn II, đồng thời cam kết nhanh chóng lấp đầy diện tích của khu hiện hữu.

Ngoài khu công nghiệp Long Đức, mô hình khu, cụm công nghiệp dành riêng để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng “nở rộ” ở một số địa phương khác, như khu công nghiệp Việt-Nhật tại TPHCM hay Cụm công nghiệp Đá Bạc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp là theo tâm lý “chim đầu đàn”. Nghĩa là, ở địa phương nào đã có doanh nghiệp “tầm cỡ” của Đài Loan đầu tư thành công, các doanh nghiệp khác sẽ nhanh chóng đầu tư vào.

Đơn cử, đầu năm nay, 6 doanh nghiệp của Đài Loan đã đồng loạt ký biên bản ghi nhớ cho thuê đất tại khu chuyên ngành sản xuất xe đạp và linh kiện xe đạp do Công ty DDK Việt Nam đầu tư hạ tầng.

Trước đó, tháng 10/2015, DDK Việt Nam đã thuê 80 ha đất tại khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) để làm khu công nghiệp chuyên ngành này. Dự kiến, DDK sẽ rót khoảng 250 triệu USD để đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút khoảng 60 doanh nghiệp cùng lĩnh vực.

Trong khi đó, hiện chưa có mô hình khu, cụm công nghiệp chuyên ngành dành cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc và đó cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư phàn nàn. Gần đây, trong một cuộc kết nối doanh nghiệp được tổ chức tại TPHCM, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đề xuất hình thành khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, trước mắt là với ngành sản xuất thiết bị điện - điện tử.

Thực tế cho thấy, không chỉ các nhà đầu tư châu Á, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng quan tâm đến mô hình này. Cụ thể, tại Long An, Tập đoàn Trillions (Hoa Kỳ), đã quyết định đầu tư một tổ hợp dệt may có vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD để thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nhà đầu tư khác của châu Á. Trước đó, nhà đầu tư này chỉ dự kiến làm tổ hợp có diện tích khoảng 30 ha với số vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD.

Đầu năm nay, Công ty TPP Invest LLC (Hoa Kỳ) đã ký biên bản ghi nhớ thuê 200 ha tại khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) để thành lập khu công nghiệp Việt - Mỹ. Theo đó, nhiều khả năng, mục tiêu của nhà đầu tư này chính là xây dựng một khu công nghiệp dành cho các ngành, lĩnh vực có thể hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Ngoài các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, các nhà đầu tư đến từ châu Á không phải là quốc gia thành viên TPP cũng sẽ là đối tượng được mời gọi đầu tư.

Với kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đạt tới trên 68,9 tỷ USD, báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), công bố ngày 26/7, đánh giá khu vực FDI đã đóng góp một phần đáng kể và ngày càng quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, kích thích khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện trình độ công nghệ và trình độ quản lý trong nước thông qua “tác động tràn”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI còn kéo theo nhiều nhà đầu tư vệ tinh giúp phát triển công nghiệp, tăng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, dù đang có nhiều “đại gia” FDI đổ vào Việt Nam vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam là làm gì để tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng ở khu vực.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận xét các doanh nghiệp trong nước mong muốn có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp FDI để yên tâm đầu tư vào công nghệ sản xuất, trong khi doanh nghiệp FDI đã có mạng lưới cung ứng riêng và thường mong muốn doanh nghiệp trong nước chủ động chào hàng và chứng minh năng lực cung ứng. Trong khi đó, vai trò trung gian của các cơ quan quản lý nhằm giới thiệu, kết nối nhà cung ứng trong nước với doanh nghiệp FDI còn mờ nhạt và rất cần phải được củng cố.

Theo Chinhphu.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhiều tập đoàn lớn dồn vốn vào Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc