Alibaba thâu tóm Lazada: Việt Nam mất thị trường vì không... tử tế? |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 20/04/2016, 09:30 GMT+7 |
Theo ông Vũ Vinh Phú, thương mại điện tử đang lặp lại kịch bản đã xảy ra với bán lẻ trực tiếp với sự thâu tóm của các ông chủ ngoại. Hoan nghênh, nhưng... Lãnh đạo của Lazada mới đây xác nhận việc Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc mua lại Lazada trong một hợp đồng cho phép Alibaba nắm giữ cổ phần chi phối của sàn thương mại điện tử này. Lazada hiện là hãng thương mại điện tử lớn ở khu vực Đông Nam Á, hoạt động tại 6 thị trường trọng điểm là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc thâu tóm Lazada Lý giải về bước đi của Alibaba, ông Vũ Vinh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, thị trường Việt Nam dù bán lẻ trực tiếp hay thương mại điện tử đều rất có triển vọng: đó là thị trường đông dân, dân số trẻ, quy mô ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến 2020 tăng lên 3.500 USD, tổng mức doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội lên đến trên 100 tỷ USD vào năm 2015. "Rõ ràng đây là thị trường béo bở nhưng quan trọng ai là người khai thác? Đối với mảng bán lẻ trực tiếp, Việt Nam đã mất quá nửa thị phần bán lẻ hiện đại, chỉ còn kênh chợ và nông thôn. Bây giờ có dạng đối tượng ít thời gian hơn, ưa thích lên mạng, mua sắm qua mạng nhưng số lượng này còn nhỏ, quy mô thương mại điện tử Việt Nam mới chiếm khoảng mấy tỷ USD. Đây là thị trường còn tiềm năng hơn cả thị trường bán lẻ trực tiếp nếu biết khai thác. Nhưng khai thác thị trường thương mại điện tử có một số khó khăn như sau: Trước hết là thói quen mua trực tiếp của người Việt quá lớn. Thứ hai, kỷ luật về thương mại điện tử chưa chặt chẽ nên 70% người dùng muốn mang hàng đến rồi mới giao tiền. Thứ ba, tôi cho rằng, có tới 50% những người tham gia mạng thương mại điện tử Việt Nam không thật thà. Điều đó cho thấy người tiêu dùng chưa có sự tin tưởng vào mua sắm trên mạng, sân thương mại điện tử rất rộng nhưng gồ ghề, lẫn lộn giữa người làm ăn nghiêm chỉnh và không nghiêm chỉnh. Một vấn đề khác là đầu tư thương mại điện tử không hề ít tiền chứ không phải "tay không bắt giặc" như nhiều người lầm tưởng. Đầu tư một mạng truyền dẫn, một phần mềm thế nào, nhà xưởng ra sao để đáp ứng giao hàng... chi phí vô cùng tốn kém", ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ. Theo ông Phú, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bắt đầu phát triển và bị nước ngoài xâm chiếm giống như thương mại bán lẻ trực tiếp. Điều đó xuất phát từ việc thương mại điện tử Việt Nam kém liên kết, nhiều doanh nghiệp làm ăn không tử tế, không chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. "Bản chất của con người Việt Nam là tính cố kết cộng đồng kém. Đáng nhẽ người ta làm chất lượng, tử tế và ngày càng tử tế hơn, đằng này chỉ "mắt trước mắt sau" là ăn bớt. Trước đây ở Việt Nam Nam có trào lưu mua hàng chế thử, chất lượng rất tốt nhưng sản xuất lần hai là chất lượng đã khác đi. Vì thế, Alibaba hay ai vào Việt Nam đều rất hoan nghênh và Việt Nam sẵn sàng mở cửa nhưng quan trọng là Việt Nam có cầm chịch được không, có bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng không, các nhà đầu tư ngoại có trốn thuế không, có đóng góp gì cho ngân sách nhà nước Việt Nam không..., đừng giống như Metro chuyển giá suốt 10 năm cuối cùng ôm tiền đi mất, chỉ nộp lại cho Việt Nam được vài trăm tỷ đồng", ông Phú nhấn mạnh. Vị chuyên gia về thị trường bán lẻ cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, quản lý Nhà nước của Việt Nam còn kém, cán bộ ngồi máy lạnh, bàn giấy chỉ huy nhiều mà thiếu đi thực tiễn. Ông dẫn ví dụ sự việc Bộ Công thương phạt doanh nghiệp kinh doanh đa cấp Liên kết Việt gần 600 triệu đồng nhưng không thông báo và không phát đi thông tin cảnh báo. Lãnh đạo Bộ Công thương sau đó trả lời rằng theo quy định Liên kết Việt không thuộc trường hợp cần công bố, trong khi Bộ Công thương là đơn vị nắm cả sản xuất và phân phối phải chịu trách nhiệm đầu tiên. "Thương mại điện tử làm ăn tử tế 5-10 năm nữa mới chiếm độ 10-15% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bởi người dân Việt Nam thích mắt nhìn, tay cầm, còn với thương mại điện tử người dân lại chưa có niềm tin. Do đó, thương mại điện tử muốn phát triển phải nghiêm trị những đơn vị làm ăn không tử tế, phải lấy mục tiêu vì người tiêu dùng", ông Phú lưu ý. Nguy cơ hàng Việt bị 'giết chết' Một vấn đề quan trọng khi Tập đoàn Alibaba xâm nhập vào thị trường Việt Nam đó là nó sẽ kéo theo sự xâm nhập của nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội, về vấn đề này cần lưu ý 2 việc: Thứ nhất, bộ lọc của Việt Nam (cơ quan quản lý, người tiêu dùng) có bảo vệ được không. Nếu Alibaba lưu hành hàng tốt như hàng của Thiên Tân, Thượng Hải thì không nói làm gì, nhưng nếu họ đưa hàng kém chất lượng như hàng Côn Minh, Triết Giang vào là chết, đặc biệt cần lưu ý vấn đề ăn uống. Thứ hai, nghĩa vụ của Alibaba với ngân sách nhà nước Việt Nam. Luật Thương mại điện tử đã quy định đầy đủ chưa? Doanh nghiệp ngoại hoạt động trên đất Việt Nam thì vấn đề thuế má thế nào, có cạnh tranh bình đẳng không...? Cục Quản lý Cạnh tranh phải tham gia giải quyết những vấn đề này. Ông Phú phủ nhận khả năng hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ giúp Alibaba chiếm lĩnh thị trường Việt Nam bởi hàng Trung Quốc giá rẻ đáp ứng được nhu cầu của một số tầng lớp tiêu dùng nhưng chất lượng phải đảm bảo. Giá cả phải luôn đi đôi chất lượng, giá rẻ phải đi đôi với quyền lợi người tiêu dùng. Chia sẻ với lo ngại hàng Việt sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào các kênh phân phối nước ngoài, ông Phú cho biết, ai đi đầu tư cũng muốn bán hàng của đất nước mình nếu đó là người yêu nước, từ Thái Lan đến Trung Quốc. Cái chính là Việt Nam phải làm chủ được sân nhà. Thương mại điện tử Việt Nam phải tốt, phải làm tử tế để giữ khách hàng, giữ thị phần và phải gắn với việc sản xuất tử tế. Nếu không tạo được niềm tin cho khách hàng thì tự nhiên Việt Nam sẽ dâng thị phần cho nước ngoài. "Chẳng hạn, một đôi tất Nhật ở cửa hàng Nhật nội địa giá 220 nghìn đồng, kéo tất ra lập tức nó quay trở lại vị trí cũ 100% sẽ được nhiều người giàu thích mua hơn là đôi tất Việt Nam giá 15.000 đồng, chất lượng kém hơn rất nhiều. Nó cũng liên quan đến thương mại điện tử, bằng chứng là khi đã mua quen rồi họ sẽ mua đôi tất ấy qua mạng. Như vậy sản xuất quyết định phân phối, đồng thời phân phối cũng tác động lại sản xuất nhưng ở Việt Nam hai khâu này chưa có sự gắn kết. Không quá sớm để khẳng định thương mại điện tử Việt Nam đang lặp lại kịch bản đã xảy ra với bán lẻ trực tiếp. Các nhà đầu tư ngoại sẽ mua lại cổ phần của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam giống như đã mua các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp của Citimart, Nguyễn Kim... Các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp có sẵn mạng lưới, sẵn thương hiệu, tránh kiểm tra nhu cầu kinh tế của Nhà nước Việt Nam nên một năm họ có thể có mấy chục mạng lưới. Thương mại điện tử cũng diễn ra y hệt như vậy, cũng xâm nhập thị trường, xâm nhập cả sản xuất và phân phối..., có khác chăng chỉ là một cái click chuột", ông Vũ Vinh Phú khẳng định. Một khi hàng ngoại được đưa nhiều lên sàn thương mại điện tử thì hàng Việt sẽ chết với lý do hàng ngoại tốt hơn, tử tế hơn. Từ trước đến nay, hàng ngoại là yếu tố để kích thích người tiêu dùng nhưng nó cũng là mũi tên giết chết hàng Việt. "Ví dụ, một chai dầu ăn bán lẻ trực tiếp ở siêu thị Fivimart là 231.000 đồng/5 lít, các siêu thị ngoại bán 204.000 đồng, thậm chí Big C bán có 186.000 đồng/5 lít. Điều đó đẩy người tiêu dùng tìm đến siêu thị ngoại. Đến với siêu thị ngoại, siêu thị trên mạng... là quyền của người tiêu dùng nhưng cái chính là Việt Nam mất hết thương hiệu. Không cấm được Citimart, Fivimart... "bán mình" nhưng bán để học tập doanh nghiệp ngoại hay để các ông lớn từ bên ngoài vào ngoạm nốt? Dù là mạng lưới phân phối trên mạng hay trực tiếp thì cũng chính chúng ta đang tự hại chúng ta bởi giá cao, chiết khấu cao, làm ăn không tử tế, chất lượng kém. Bản thân các siêu thị trên mạng cũng sẽ giết chết nhà cung ứng với chiết khấu cao, từ đó buộc nhà sản xuất phải đẩy giá lên, chất lượng ba vạ... Tình hình của thương mại trực tiếp và thương mại điện tử là như nhau", vị chuyên gia thẳng thắn. Ông cũng chỉ ra một tình trạng, đó là sự quan tâm đến thị trường nội địa trong đó có thương mại điện tử rất kém. Đối với thương mại trực tiếp thì chợ không ra chợ, đầu mối không ra đầu mối, siêu thị chưa ra siêu thị, sự liên kết yếu kém. Thương mại điện tử cũng thế, muốn ra bao nhiêu sàn thương mại điện tử cứ ra, không biết nộp thuế bao nhiêu, lừa lọc người tiêu dùng ra sao... " Liệu đã cơ quan nào làm một thống kê xem thương mại điện tử Việt Nam đảm bảo bao nhiêu chất lượng cho người tiêu dùng? Đem lại lợi gì cho người tiêu dùng trong chục năm nay? hay chỉ thống kê mấy doanh thu tỷ USD rồi vỗ tay? Ngay như khuyến mại trên mạng, không biết 1 tháng khuyến mại mang lại cho người tiêu dùng bao nhiêu, người ta chỉ nói đa phần doanh số tăng lên. Chính sự chung chung, quan liêu, thậm chí mập mờ, u u minh minh, nền kinh tế thị trường nửa nạc nửa mỡ khiến thị trường bán lẻ của Việt Nam ngày càng yếu kém", ông Phú nói. Ông cảnh báo, với cách làm ăn như hiện nay, sản xuất hàng Việt sẽ bị "giết chết" luôn bởi sản xuất và phân phối luôn gắn với nhau, nếu mất phân phối, trong đó có phân phối điện tử thì sản xuất cũng chết luôn. Sản xuất của Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu thiết kế, mẫu mã nước ngoài và người Việt đang đi làm thuê, thậm chí làm thuê theo dạng bị bóc lột. Link nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/alibaba-thau-tom-lazada-viet-nam-mat-thi-truong-vi-khongtu-te-3306025/ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|