Lộ diện những doanh nghiệp lãi tăng trưởng trên 500% |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 17/02/2016, 16:55 GMT+7 |
Những doanh nghiệp địa ốc áp đảo trong danh sách các doanh nghiệp có mức lãi tăng trưởng mạnh nhất trong quý 4.
Áp đảo doanh nghiệp địa ốc Đứng đầu danh sách là CTCP Đầu tư LDG - LDG Group (mã CK: LDG), doanh thu thuần đạt 136,99 tỷ đồng, tăng 714% so với cùng kỳ 2014. Tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần giảm mạnh giúp LDG mẹ lãi gộp 100,88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp hơn 6 tỷ đồng, LNST đạt 65,8 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 67 triệu đồng trong quý 4/2014. Theo LDG, biến động này chủ yếu nhờ trong kỳ công ty ghi nhận doanh thu hoạt động chuyển nhượng dự án The Viva. Lũy kế cả năm 2015, công ty mẹ LDG đạt 294 tỷ đồng doanh thu, tăng 446% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 117 tỷ đồng, gấp 27 lần con số cùng kỳ. Các doanh nghiệp địa ốc khác như Địa ốc Khang An (KAC), Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng có kết quả kinh doanh quý 4 hết sức ấn tượng. Địa ốc Khang An (KAC) công bố mức doanh thu thuần trong kỳ đạt 161,56 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 644,67 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là doanh thu đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. LNST đạt 20,4 tỷ đồng cao gấp hơn 20 lần kết quả LNST đạt được trong quý 4/2014. Lũy kế cả năm 2015, KAC đạt 167,33 tỷ đồng doanh thu thuần và 19,8 tỷ đồng LNST tăng trưởng mạnh so với kết quả đạt được trong năm 2014 và vượt kế hoạch lãi ròng tưởng chừng đầy tham vọng hồi đầu năm. Địa ốc Hoàng Quân (HQC) LNST quý 4 đạt 556 tỷ đồng tăng vượt trội so với con số 21,4 tỷ đồng cùng kỳ. Khoản lợi nhuận này thậm chí vượt quá doanh thu bán hàng trong kỳ của Địa ốc Hoàng Quân. “Sự kiện” đáng lưu ý nhất của Địa ốc Hoàng Quân lại chính là việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển BĐS Đông Dương. Thương vụ này giúp Hoàng Quân ghi nhận 189 tỷ đồng doanh thu tài chính. Theo đó kết thúc năm 2015, LNST hợp nhất của công ty đạt 655 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận mà ĐHCĐ thường niên 2015 giao phó, và gấp 11 lần kết quả thực hiện năm 2014. Đây cũng là kết quả kinh doanh kỷ lục của Địa ốc Hoàng Quân. Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cũng góp mặt trong danh sách này với mức lãi ròng 41 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 6,3 tỷ đồng cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty đến từ hoạt động khác. Lợi nhuận khác của công ty đến từ việc hợp nhất công ty con – cụ thể là giao dịch mua rẻ tại ngày kiểm soát công ty Mass Nobble Investment Limited. Đây là công ty chuyên kinh doanh linh kiện điện tử - mảng kinh doanh vừa mang lại gần 200 tỷ đồng doanh thu cho DLG quý 4 vừa qua. Với lợi nhuận tăng mạnh trong quý 4, năm 2015 DLG lãi ròng 92 tỷ đồng, tăng 73,6% so với năm 2014. Vinaconex 2 (VC2) sau kết quả kinh doanh “lẹt đẹt” của nhiều quý qua cũng đã công bố mức lãi ròng 18,8 tỷ đồng trong quý 4/2015 – Đây cũng là con số lãi cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được kể từ khi niêm yết. Trong kỳ VC2 ghi nhận doanh thu từ bàn giao căn hộ nhà D – dự án Kim Văn – Kim Vũ. Mức lãi ròng quý 4 đã bù đắp cho kết quả kinh doanh ảm đạm trong 3 quý đầu năm, giúp VC2 lãi trước thuế gần 21 tỷ đồng trong năm 2015 tuy nhiên vẫn chưa đủ giúp doanh nghiệp này hoàn thành kế hoạch kinh doanh được cổ đông giao phó. Lãi cao nhờ “lướt sóng” cổ phiếu, chuyển nhượng và …khác CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội- Hanic (SHN) công bố doanh thu thuần quý 4 đạt 27,48 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 0,46 tỷ đồng trong quý 4/2014. Trong kỳ, doanh thu tài chính là điểm nhấn đáng chú ý nhất của SHN với 253,94 tỷ đồng, gấp 9 lần doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty. Doanh thu tài chính tăng đột biến của SHN đến từ việc “lướt sóng” cổ phần của 2 doanh nghiệp Sapa Hưng Yên và Tân Hoàng Cầu chỉ trong 2 tuần cuối tháng 11. Kết quả, SHN lãi quý 4 tăng vọt lên gần 269 tỷ đồng. Sau khi lỗ nặng các năm 2010, 2011 và 2014, kết thúc năm 2015, SHN ghi nhận doanh thu 94,77 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 329,74 tỷ đồng. Đây là một kết quả khó có thể ngờ tới khi SHN từng gặp muôn vàn khó do không thu hồi được khoản nợ 237 tỷ đồng từ công ty Beta BQP, SHN thực hiện được 94% kế hoạch năm (350 tỷ đồng) và hoàn thành mục tiêu xóa lỗ lũy kế 2015. SHN cũng trở thành một trong những cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2015 với con số ấn tượng 200%. Điều này đã biến SHN trở thành một cổ phiếu siêu nóng trong năm 2015. Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) báo lãi ròng lên tới 42,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ 2,47 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng là do trong quý 4 công ty đã hoàn tất việc chuyển nhượng 4,5 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư và phát triển Vĩnh Hội với giá trị chuyển nhượng là 210 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2015, AGM đạt 2.091,63 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 18,8% so với cùng kỳ; LNST đạt 47,44 tỷ đồng tăng gấp hơn 9 lần năm 2014 và vượt tới 103% kế hoạch. Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco – LAF) cũng nhờ chuyển nhượng vốn góp tại công ty liên kết giúp LAF lãi ròng 16,35 tỷ đồng tăng mạnh so với con số gần 895 triệu đồng cùng kỳ 2014. Lũy kế cả năm 2015, LAF đạt 877 tỷ đồng doanh thu thuần và 24,4 tỷ đồng LNST lần lượt tăng 26,85% và 109,6% so với năm 2014. Hay như Fideco (FDC) cũng đã công bố mức lãi ròng công ty mẹ đạt gần 9 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 250 triệu đồng cùng kỳ chủ yếu do ghi nhận lãi từ hoạt động khác – thanh lý hợp đồng thuê văn phòng. Điện Cơ Hải Phòng (DHP) mặc dù hoạt động kinh doanh chính không nhiều biến động nhưng lãi từ hoạt động khác lên tới hơn 39 tỷ đồng – do hoàn nhập vốn góp từ năm 2012 đã giúp công ty này lãi ròng gần 32 tỷ đồng cao gấp gần 10 lần cùng kỳ. Với kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng trong quý 4 đã giúp các doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2015 trong đó có những doanh nghiệp lãi quý 4 đóng góp chủ yếu vào kết quả lãi của cả năm 2015. Link nguồn: http://cafef.vn/doanh-nghiep/lo-dien-nhung-doanh-nghiep-lai-tang-truong-tren-500-20160217145241213.chn
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|