top-banner-2

Thứ tư, 20/01/2016, 14:41 GMT+7

'So găng' những 'con cá mập' Thái Lan muốn mua lại BigC Việt Nam

Viết bởi An An   
Thứ tư, 20/01/2016, 14:41 GMT+7

Nếu như Berli Jucker từng thâu tóm ông lớn bán buôn Metro tại Việt Nam thì Central Group cũng không kém cạnh, khi đang là cổ đông lớn của Nguyễn Kim. Trong đó, ông chủ 71 tuổi Charoen Sirivadhanabhakdi của Berli Jucker hiện là người giàu thứ hai tại Thái Lan, với tổng tài sản 10,4 tỷ USD.

1-nhung-dai-gia-thai-van-hoa-doanh-nhan

Central Worrld Plaza tại Bangkok. Ảnh: Bangkoktravel.

Sau khi tập đoàn mẹ ở Pháp là Casino Group cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ hệ thống BigC tại Việt Nam ngay trong quý I/2016, Reuters đưa tin cả 2 tập đoàn đa ngành lớn của Thái Lan là Berli Jucker và Central Group cùng ngỏ ý muốn mua lại, dù mức giá thương vụ này được dự báo lên tới 800 triệu USD.

Những "con cá mập" tại Thái Lan

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) là công ty xuất nhập khẩu lớn tại Thái Lan, và là một trong 5 đơn vị thành viên của TTC Holdings. Với hơn 130 năm tồn tại, Berli Jucker đã phát triển từ một công ty chuyên về xay xát lúa, khai thác khoáng sản để trở thành một tập đoàn đa ngành, tham gia vào hầu hết các công đoạn sản xuất, đóng gói và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu. Sự thành công của BJC trong hơn 90 năm đã giúp nó trở thành một trong 5 doanh nghiệp đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan vào năm 1975.

Năm 2001, Berli Jucker trở thành một bộ phận của TCC Holdings, một trong những tập đoàn lớn nhất của Thái Lan chuyên lĩnh vực sản xuất đồ uống có cồn, kinh doanh thương mại, công nghiệp, bất động sản và dịch vụ tài chính. Trong những năm sau đó, Berli Jucker đi theo con đường thâu tóm các doanh nghiệp lớn tại Thái Lan, Malaysia..., khi mua cổ phần của Can Co. (một công ty sản xuất lon nhôm) và Jacy Foods Snd Bhd (công ty chuyên phân phối đồ ăn nhẹ ở Hong Kong, Singapore, Philippines và Brunei).

Trong khi đó, tiền thân của Central Group là Central Trading, một công ty sở hữu trung tâm thương mại cùng tên tại Chinatown, Thái Lan. Central Trading mở cửa vào năm 1956, là trung tâm thương mại đầu tiên của Thái Lan, cũng là nơi đầu tiên đề ra mức giá cố định khi khách tới mua hàng (thay vì kiểu thuận mua vừa bán vốn phổ biến trong những năm 50 của thế kỷ trước).

Sự thành công của Central Trading đã mở đường cho hàng loạt động thái sau này của Central Group, khi tập đoàn này tiếp tục sở hữu khu mua sắm Central Childom hay Central Plaza Ladprao.

Năm 1983 đánh dấu thời điểm Central Group "vươn vòi" khỏi Thái Lan, với việc xây dựng đế chế khách sạn trải rộng từ Bali, Maldives tới Trung Đông. Từ năm 1995, tập đoàn này tập trung vào việc thâu tóm các công ty khác, nhằm mở rộng ảnh hưởng ở trong nước và khu vực, bắt đầu bằng việc mua lại nhà bán lẻ Robinson. Riêng với thương hiệu BigC, Central Group là đối tác với công ty mẹ ở Pháp để mở cửa BigC tại Thái Lan từ năm 1994. Đến nay, Central Group ghi dấu ấn là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á.

Những ông chủ tỷ phú

Ông chủ 71 tuổi Charoen Sirivadhanabhakdi của Berli Jucker hiện là người giàu thứ hai tại Thái Lan, với tổng tài sản 10,4 tỷ USD. Là ông chủ của TCC Holdings, tên tuổi tỷ phú này gắn với những thương hiệu hàng đầu thế giới như ThaiBev, Fraser&Neave, và cả đội bóng của giải ngoại hạng Anh - Everton - trong vai trò nhà tài trợ lâu năm.

Người tiếp quản mới nhất của Central Group, Tos Chirativaths, từng cùng gia đình giữ vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan do tạp chí Forbes bình chọn tính đến tháng 3/2015. Tuy nhiên, đến nay, ông chủ Central Group không còn nằm trong danh sách này nữa.

Là một người ít nói, cứng rắn và có khả năng học cực kỳ nhanh chóng, vị tỷ phú 44 tuổi đã đưa Central Group trở thành "kẻ tàn nhẫn", vì những thương vụ nhượng quyền thương mại và thâu tóm các nhãn hiệu sinh lời. Tập đoàn này sở hữu rất nhiều thương hiệu, từ những cửa hàng địa phương, siêu thị Family Mart, tới chuỗi cửa hàng bán đồ dùng văn phòng OfficeMate, vật liệu xây dựng và cả trong ngành y tế...

"so gang" nhung "con ca map" thai lan muon mua lai bigc viet nam hinh anh 2

Tỷ phú 71 tuổi Charoen Sirivadhanabhakdi. Ảnh: Forbes.

Vươn 'vòi bạch tuộc' tại Việt Nam

BJC đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Năm 2013, BJC bắt đầu thực hiện M&A, khi bỏ gần 40 triệu USD mua lại cổ phần chi phối hãng sản xuất đậu phụ ICHIBAN và Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.

Tiếp đó, "ông lớn" này hất Family Mart khỏi liên doanh Family Mart - Phú Thái và nhảy vào thế chân. Sau thương vụ này, các cửa hàng tiện lợi của Family Mart liên doanh với Phú Thái đều bị đổi tên thành B'mart.

Mới đây, BJC cũng trở thành cái tên được truyền thông Việt Nam và Thái Lan liên tục nhắc đến, khi là đơn vị theo đuổi mua mua bán chuỗi siêu thị bán buôn hàng đầu Metro từ tay tập đoàn mẹ của Đức, với mức giá hơn 850 triệu USD.

Riêng TTC Land, tập đoàn chuyên đi thâu tóm bất động sản của tỷ phú người Thái cũng có tài sản tại Việt Nam. Thông qua công ty con SAS Trading Ltd, TTC Land hiện nắm giữ 65% cổ phần của khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.

Không có được kinh nghiệm lâu năm tại thị trường Việt Nam, Central Group ghi dấu ấn đầu tiên khi trở thành cổ đông sở hữu hơn 11% vốn của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Tháng 4/2014, tập đoàn này mở trung tâm mua sắm Robin đầu tiên, và sau đó là thương vụ mua lại 49% của Nguyễn Kim gây tiếng vang vào tháng 1/2015.

Tuy vậy, trong cuộc chiến tranh giành BigC với "người đồng hương", Central Group lại có lợi thế nhất định. Là đối tác với công ty mẹ Casino Group ở Pháp, gia đình Chirativaths đang nắm khoảng 25% vốn tại hệ thống đại siêu thị BigC Thái Lan. Và với mối quan hệ có sẵn, biết đâu Central Group lại chiến thắng trong cuộc chiến lần này?

Link nguồn: http://danviet.vn/kinh-te/so-gang-nhung-con-ca-map-thai-lan-muon-mua-lai-bigc-viet-nam-655869.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

'So găng' những 'con cá mập' Thái Lan muốn mua lại BigC Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc