top-banner-2

Thứ tư, 18/11/2015, 08:43 GMT+7

Giật mình với số liệu thống kê của ngành logistics Việt Nam

Viết bởi An An   
Thứ tư, 18/11/2015, 08:43 GMT+7

Trong 4.000 doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ chiếm 20% thị phần, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài chiếm 4-5% về số lượng nhưng lại chiếm đến 80% thị phần.

logistis-viet-nam-van-hoa-chuan

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Trao đổi tại hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và vận tải do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay 17/11, ông Bùi Hồng Minh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, có khoảng 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động logistics nhưng thống kê từ các doanh nghiệp bên ngoài thì có đến 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

"Trong 4.000 doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ chiếm 20% thị phần, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 4-5% về số lượng nhưng lại chiếm đến 80% thị phần. Trong khi đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần vẫn là nhỏ và lẻ", ông Minh cho hay.

Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp logistics Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài "át vía", ông Minh cho hay, thứ nhất là do cơ sở hạ tầng Việt Nam còn yếu kém, chi phí logistic khá cao. Điều này dẫn đến nền kinh tế Việt Nam mất cạnh tranh lớn trên thị trường.

Nếu như ở các nước phát triển, chi phí logistics chiếm khoảng 10-13% GDP thì ở Việt Nam chi phí logistics lên đến 20-25% GDP.

Tiếp theo là khó khăn về nguồn nhân lực. Chỉ khoảng 5-7% số lao động logistics được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, số lao động còn lại từ nhiều nguồn và do doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực.

“Tuy nhiên, trong nền kinh tế phát triển lớn thế này thì 5% lao động tạo ra 20% thị phần không phải là nhỏ. Nếu 5% nhân sự được đào tạo nâng lên thì thị phần cũng sẽ cao hơn”, ông Minh khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, thời gian vừa qua, logistics Việt Nam chủ yếu được hình thành trên cơ sở thực tế, chưa có chủ trương dài hạn và bền vững. Mặc dù được Chính phủ quan tâm nhưng có quá nhiều cơ quan liên quan đến lĩnh vực này như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương... Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong việc quản lý và vận hành.

"Sự kết nối, phối hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics chưa đạt hiệu quả mong muốn, hoạt động của doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế cả về quy mô hoạt động, vốn...", ông Minh khẳng định.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Huy Hiền - Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam, cho rằng chi phí logistics của Việt Nam được xếp vào hàng cao trong khu vực và thế giới một phần là do hệ thống đường xá, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, đội tàu biển và tàu bay – mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics Việt Nam, đa phần là do DN nước ngoài nắm giữ.

“Hệ thống vận tải và hạ tầng yếu kém, việc kết nối đường biển và đường bộ kém và chưa có hệ thống tốt, nên xảy ra ùn tắc và năng suất vận tải đường thủy, đường sông và đường bộ thấp. Không có phương tiện, hệ thống hạ tầng tốt thì nói giảm chi phí logistics là duy ý chí”- Ông Hiền nhận định.

Nguyên nhân thứ hai khiến cho chi phí logistics tăng lên, là tình trạng tắc nghẽn cảng dẫn đến chậm đơn hàng.

“Mặc dù đã có thông quan điện tử, nhưng vẫn có tiêu cực trong đó, vẫn có những phí ngoài luồng, thời gian kéo dài. Nhưng không chỉ liên quan đến hải quan không mà liên quan đến thủ tục kiểm tra liên ngành như kiểm dịch động thực vật, các thủ tục liên quan đến giấy phép con. Vấn đề là cả hệ thống làm chậm, thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN” - Ông Hiền cho hay.

Theo Tri Thức Trẻ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giật mình với số liệu thống kê của ngành logistics Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc