Bí quyết sản xuất hàng hóa giá rẻ của Henry Ford |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 11/06/2015, 09:28 GMT+7 |
Bên cạnh nhiều yếu tố khác, giá thành luôn là vấn đề “xương sống” quyết định sự thành bại của một công ty sản xuất. Cũng giống chuỗi siêu thị giá rẻ Wal-Mart, Henry Ford phát hiện ra rằng ông có thể kiếm được nhiều lãi hơn nhờ bán được nhiều sản phẩm chứ không phải bán số lượng ít với giá cao. Chính điều đó đã giúp ông nổ lực tìm ra những cách thức và phương pháp để có thể bán sản phẩm có cùng chất lượng với giá luôn hạ xuống qua các năm. Vì thế, những bí quyết của ông vua ngành công nghiệp xe hơi, không chỉ áp dụng vào ô tô mà còn nhiều sản phẩm khác, được ông chia sẻ trong nhật ký hành trình cuộc đời của ông có tên “My life and work” Định giá dựa vào túi tiền người tiêu dùng Cách thông dụng nhất để định giá bán là căn cứ vào chi phí sản xuất. Nhưng Ford lại không làm vậy. Theo ông, cách định giá dựa vào chi phí nghe có vẻ đúng khi nhìn bằng mắt thường. Song, với người biết nhìn xa trông rộng thì cách tính như vậy là không hợp lý. Vì sẽ chẳng có ích gì nếu như xác định được chi phí sản xuất nhưng rồi chi phí đó lại cho thấy rằng không thể sản xuất ở một mức giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Điều quan trọng hơn, Ford muốn nhấn mạnh rằng mặc dù ta có thể xác định chi phí sản xuất là bao nhiêu và tất nhiên là mọi chi phí này đều có thể tính toán được một cách thận trọng. Nhưng không ai biết trước được mức giá phù hợp thì sẽ như thế nào. Và một trong những cách để có thể biết được mức chi phí phù hợp là định giá bán thật thấp. Mức giá này sẽ buộc mọi người phải lao động hiệu quả nhất để sinh ra lợi nhuận cho chính họ. Chính sách của công ty Ford luôn là giảm giá, mở rộng sản xuất và liên tục cải tiến sản phẩm. Ford sẵn sàng hạ giá cho tới khi sản phẩm bán được thật nhiều vì chưa bao giờ có chi phí nào là cố định trong khái niệm của ông. Chính vì vậy, Ford luôn là người đi tiên phong trong việc tạo ra mức giá mới. Một chiến lược lãi nhiều hơn qua việc bán với giá thấp hơn sẽ mang lại nhu cầu về sản phẩm đạt đến mức toàn cầu. Đặc biệt, Ford cho rằng mình không quan tâm tới chi phí sản xuất. Thay vào đó, đặt chỉ tiêu về các mức giá hạ qua các năm sẽ buộc chi phí phải giảm xuống. Ở đây, chi phí phụ thuộc vào mức giá hạ và phải phù hợp với người tiêu dùng. Điều này hoàn toàn ngược lại với cách thông dụng mà nhiều nhà sản xuất khác vẫn làm. Nguyên vật liệu và công nhân “Mua nguyên vật liệu nhiều hơn mức mình cần là lúc anh ta đang phục vụ mục đích đầu cơ.” Ford viết. Cho nên, Ford không cần phải mua nguyên vật liệu nhiều hơn mức cần thiết để sử dụng cho nhu cầu sản xuất hiện tại mà chỉ mua đủ để sản xuất. Bên cạnh đó, cần tính đến các điều kiện vận chuyển nguyên vật liệu. Nếu điều kiện vận chuyển hoàn hảo và thậm chí nếu lưu lượng nguyên vật liệu được đảm bảo thì cũng không cần phải dự trữ bất cứ cái gì. Khi đó, xe chở nguyên liệu phải giao hàng theo đúng hợp đồng, đủ số lượng để đưa nguyên liệu thẳng từ nơi vận chuyển vào sản xuất. Nếu làm như vậy thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền của, nhanh chóng thu hồi vốn và giảm được lượng hàng tồn kho. Theo Ford, việc trả lương cao cho công nhân cũng giúp làm giảm mức giá sản phẩm. Vì khi được trả lương cao, công nhân sẽ hoàn toàn chú tâm vào công việc của mình mà không còn phải lo lắng nhiều cho những vấn đề khác nên năng suất lao động sẽ cao hơn. Từ đó, sẽ kéo theo việc chi phí sản xuất giảm xuống. Một cách khác để làm cho năng suất tăng là trang bị cho người lao động những máy móc có thể đa dạng hóa sức mạnh của đôi tay. Một người công nhân có sử dụng máy móc hiển nhiên đạt năng suất hơn người lao động thủ công. Do đó, Ford luôn đặt hàng những thiết kế mẫu sản phẩm và quy trình sản xuất ở những công ty chuyên nghiệp. Và ngày nay, nhiều người biết đến công ty Ford là nơi đã áp dung đầu tiên kiểu sản xuất dây chuyền hàng loạt. Giảm giá nhưng không làm giảm chất lượng sản phẩm Một trong những điều then chốt để kinh doanh thành công là cần giảm giá mà không làm giảm chất lượng của sản phẩm. Việc đặt ra chỉ tiêu giảm giá sẽ khiến chúng ta buộc phải tìm ra những phương pháp cải tiến và bớt lãng phí. Nhà quản lý có tài phải có được phương pháp sản xuất hiệu quả để công việc kinh doanh được tiến hành một cách tốt nhất. Theo Ford, nếu nhà sản xuất hạ giá tới mức mà anh ta không có lãi hay bị lỗ thì anh ta phải nổ lực hơn để tìm ra phương pháp sản xuất tiết kiệm hơn để có lãi. Đặc biệt, nhà sản xuất không được giảm lương công nhân hay tăng giá bán chỉ để có được lợi nhuận. Cách kiếm lời từ người lao động qua giảm lương hay từ khách hàng qua tăng giá đều là ý tưởng tồi. Chúng ta cần phải đưa ra những chiến lược đúng đắn để có lời. Qua đó, Ford muốn nhấn mạnh của việc không được giảm chất lượng sản phẩm, cũng không được cắt giảm lương và đừng chất gánh nặng giá lên khách hàng chỉ để cải thiện tình hình kinh doanh hiện tại. Lời khuyên của Ford trong tình cảnh trên là hãy động não suy nghĩ, dồn mọi sự tập trung vào nó. Hãy suy nghĩ để làm công việc hiệu quả hơn. Có như vậy, từ khách hàng cho đến nhà sản xuất đều có thể được hưởng lợi. Theo ttvn.vn
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|