top-banner-2

Thứ hai, 13/01/2014, 10:38 GMT+7

Phía sau khoản lãi lớn của Vietcombank

Viết bởi lehang   
Thứ hai, 13/01/2014, 10:38 GMT+7

Một nỗi lo đang gõ cửa, đó là kiểm soát nợ xấu, thu nợ ngoại bảng và hệ số sử dụng vốn bắt đầu chạm ngưỡng...

Sáu tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng Vietcombank chưa “ngoi lên mặt đất” nhưng nửa cuối năm, con số này vượt quá 14% và nhờ đó, lãi hợp nhất của ngân hàng này lên tới 5.727 tỷ đồng.

Nhưng một nỗi lo đang gõ cửa, đó là kiểm soát nợ xấu, thu nợ ngoại bảng và hệ số sử dụng vốn bắt đầu chạm ngưỡng.

Đột phá về tín dụng

Vietcombank vừa triển khai hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013 và công tác năm 2014 với nhiều thông tin lạc quan: tín dụng cả năm tăng 14,5% so với 2012, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (12,5%).

Đây được coi là bước chuyển biến rõ nét, kể từ khi ngân hàng này có tổng giám đốc mới, trong khi 6 tháng trước đó, tín dụng ngân hàng này vẫn âm tới 1,49% và chỉ chịu nhích lên với mức âm 0,1% tính đến cuối tháng 7/2013.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank, kết thúc năm, tổng tài sản ngân hàng đạt 467.761 tỷ đồng, tăng 13,1% so với 31/12/2012, vượt kế hoạch 9%; huy động vốn và dư nợ cho vay từ nền kinh tế đạt 331.546 tăng 16,2% so với đầu năm; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 275.285 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2012 cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành.

Trong khi đó, nợ xấu chiếm tỷ lệ 2,62% trên tổng dư nợ, thấp hơn gần một nửa so với mức nợ xấu toàn ngành (4,5%) và đơn vị này cũng đặt kế hoạch khống chế nợ xấu dưới 3%.

Kèm theo đó, các hoạt động dịch vụ tăng trưởng khá và đều đạt chỉ tiêu, cụ thể: doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 41,6 tỷ USD, tăng 7,1 % so với năm 2012, chiếm gần 15,8% thị phần xuất nhập khẩu cả nước. Doanh số mua bán ngoại tệ đạt 26,3 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2012. Dịch vụ chuyển tiền kiều hối đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2012.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều đơn vị lỗ nặng thì lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank vẫn đạt 5.727 tỷ đồng, tương ứng 100,4% kế hoạch.

Cũng theo ông Thành, 50% dư nợ được tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ cao. Cùng đó, Vietcombank cũng dành tới 23% danh mục tín dụng cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, Vietcombank đang có quan hệ tín dụng đối với Tổng công ty Khoan thăm dò khai thác dầu khí, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Điện lực (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines).

Tiêu biểu trong số này là tài trợ 6.500 tỷ cho thủy điện Lai Châu, 1.000 tỷ cho dự án cảng biển trung tâm điện lực duyên hải, 3.200 tỷ cho dự án đường dây 500 KV Sơn La - Lai Châu.

Riêng chỉ trong tháng 12/2013, ngân hàng đã giải ngân 40 triệu USD cho Viettel; giải ngân 65,5 triệu USD cho Vietnam Airlines; giải ngân 900 tỷ đồng cho TKV và đầu tư trái phiếu vào doanh nghiệp này.

Cẩn trọng không thừa

Tuy nhiên, tại hội nghị nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã lưu ý Vietcombank hai vấn đề quan trọng, mà đầu tiên là kiểm soát nợ xấu.

Theo đó, nợ xấu toàn hệ thống là 4,5%, trong khi Vietcombank chỉ 2,62%, mục tiêu khống chế dưới 3% nhưng điều đó chưa nói lên gì nhiều.

Bởi lẽ, theo Thống đốc, trong điều kiện nền kinh tế chưa chuyển biến tích cực, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, phá sản nhiều, sức mua thị trường thấp thì ngân hàng cần hết sức thận trọng. Theo đó, trong thời gian tới phải có giải pháp kiềm chế tăng nợ xấu, nhằm loại trừ khả năng những khoản vay tốt của ngày hôm nay sẽ trở thành nợ xấu.

Như vậy, vấn đề ở đây chính là chất lượng tín dụng, vì nếu để gia tăng các khoản vay dưới chuẩn sẽ không khác gì quả bom nổ chậm. Trong điều kiện nợ xấu đang cao, nợ cũ chưa xử lý xong, nợ xấu lại dồn về thì công cụ xử lý là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các giải pháp xử lý nợ xấu khác sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Đó là chưa nói, ngay cả với giải pháp VAMC cũng chỉ là “tạm gạt nợ” sang một bên chứ chưa phải đã triệt để xử lý những khoản nợ xấu đã mua vào.

Thứ hai là vấn đề hệ số cấp tín dụng trên tổng huy động. Tính đến thời điểm này, hệ số cấp vốn của Vietcombank đã chạm ngưỡng 80%, trong khi kế hoạch sắp tới là tín dụng tăng 15% - 17% nhưng huy động vốn chỉ tăng 13%.

Thống đốc cho rằng, đây là điều cần phải cân nhắc vì tỷ lệ này ở nước ngoài chỉ khoảng 60%, phần còn lại dành để đầu tư trên thị trường vốn nhằm tạo ra tính thanh khoản cao trên các kênh vốn. Trên thực tế, tính chung hệ số sử dụng vốn toàn hệ thống ngân hàng từ năm 2011 trở về trước lên tới 126%. Sau hai năm chấn chỉnh, con số kia được đưa về 90% và theo đà này, có thể giảm xuống mức 80% là phù hợp.

Nhưng điều khó khăn hiện nay đang đặt ra với rất nhiều ngân hàng là dư vốn nhưng không biết giải ngân vào lĩnh vực gì, và Vietcombank cũng trong tình trạng như vậy.

Thông thường vào dịp cuối năm (ba tháng trước và sau Tết), Ngân hàng Nhà nước thường xuyên phải tái cấp vốn khoảng 25 - 40 nghìn tỷ đồng nhưng năm nay, nghiệp vụ này gần như chưa sử dụng tới.

Mất thanh khoản thì lo đổ vỡ, thanh khoản dồi dào thì nền kinh tế bết bát không thể cho vay, không riêng gì Vietcombank mà nhiều ngân hàng đang bế tắc vì dư vốn.

Theo VnEconomy

 

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Phía sau khoản lãi lớn của Vietcombank

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc