top-banner-2

Thứ năm, 15/06/2017, 15:17 GMT+7

Doanh nghiệp gia đình & bài toán kế thừa

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 15/06/2017, 15:17 GMT+7

Đầu thập niên 90 khi kinh tế Việt Nam mở rộng cửa giao thương cũng là lúc nhiều doanh nghiệp gia đình bắt đầu hình thành và phát triển.

Sau hơn 20 năm phát triên thành công, đến thời điểm này, những doanh nghiệp thành công nhất đều đang phải giải tìm lời giải cho bài toán chuyển giao thế hệ, để duy trì sự thành công bền vững.

Theo khảo sát của PwC, trên thế giới số lượng các doanh nghiệp gia đình chiếm 70 - 80% nhưng tại Việt Nam con số này lên tới hơn 97%. Chính vì vậy, những khó khăn của doanh nghiệp gia đình được coi là khó khăn chung của các doanh nghiệp Việt Nam.

Khó khăn chung đó hiện nay, ngoài việc cạnh tranh, nâng cao chất lượng và định vị thương hiệu thì chính là câu chuyện nội bộ: tìm người kế thừa sản nghiệp. Trong rất nhiều trường hợp, khi con cháu trong nhà không đủ điều kiện để tiếp nhận sự chuyển giao, vấn đề thuê CEO chuyên nghiệp từ bên ngoài sẽ buộc phải đặt ra. Khi đó, sẽ có rất nhiều vấn đề sẽ phải được giải quyết thấu đáo, trên cả lý và tình.

Hiểu sâu sắc điều đó, chương trình CEO - Chìa khoá thành công đã đưa ra chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình - bài toán kế thừa” để DN và các chuyên gia cùng đi tìm lời giải. Chương trình được phát sóng vào 10h chủ nhật ngày 18/06/2017 trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.

2-nam-hai-group-van-hoa-doanh-nhan

CEO và cổ đông tranh biện trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình - Bài toán kế thừa”

Bối cảnh được đưa ra trong chương trình thuộc về một doanh nghiệp gia đình đang sở hữu chuỗi thẩm mỹ viện có thương hiệu uy tín trên thị trường. Thời gian vừa qua, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại nên đã cho ra đời những dịch vụ làm đẹp hết sức ưu việt và rất thu hút khách hàng.

Một trong những yếu tố làm nên thành công này cho doanh nghiệp chính là sự tham gia của thế hệ con cháu của doanh nghiệp, vốn là những người được học hành, đào tạo bài bản từ nước ngoài về. Đặc biệt, phải kể đến con ruột của CEO, một bác sỹ thẩm mỹ tu học loại giỏi ở nước ngoài về và đã có 3 năm làm việc tại thẩm mỹ viện của gia đình.

Với trình độ chuyên môn cao, đam mê với nghề, bác sỹ thẩm mỹ này đã chứng minh được năng lực chuyên môn vượt trội của mình, được các đồng nghiệp công nhận và bước đầu có tên tuổi trong nghề. Quan trọng hơn, bác sỹ này cùng với đội ngũ chuyên môn đã không ngừng dành nhiều công sức, thời gian để nghiên cứu và phát triển các gói sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ đó rất khởi sắc, doanh số, lợi nhuận tăng trưởng và tạo đà thuận lợi để doanh nghiệp tính toán việc phát triển và mở rộng kinh doanh. Hiện nay doanh nghiệp H đã đến lúc bàn tính đến việc chuẩn bị cho quá trình chuyển giao sản nghiệp cho thế hệ con cháu.

CEO đứng ra giải quyết bài toán trong chương trình lần này là bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp xây dựng Nam Hải. Chị là nữ doanh nhân đã có 25 năm xây dựng và điều hành doanh nghiệp của mình từ con số không trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của ngành nhôm Việt. Nam Hải Building Industrial Group hiện là đơn vị nội địa đầu tiên sản xuất được dòng nhôm cao cấp và xuất khẩu được ra các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan…

1-nam-hai-group-van-hoa-doanh-nhan

Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Nam Hải Group và Công ty CP Nhôm Euroha

Trong cuộc họp với các cổ đông, CEO đã đưa ra đề xuất thời gian tới sẽ đưa con cháu tham gia vào các hoạt động điều hành doanh nghiệp. Trong đó, sẽ chuẩn bị để chuyển giao vị trí điều hành cao nhất cho những người có chuyên môn thẩm mỹ giỏi và đã khẳng định được mình trong thời gian vừa qua như vị bác sỹ thẩm mỹ nổi tiếng cũng chính là con gái của CEO.

Tuy nhiên, các thành viên HĐQT đã không đồng tình với ý kiến này, các cổ đông cho rằng: Điều hành hệ thống thẩm mỹ viện không đơn giản giỏi chuyên môn là đủ mà còn cần phải có khả năng và tố chất kinh doanh. Người điều hành phải chịu được áp lực cạnh tranh, áp lực hiệu quả kinh doanh. Một bác sỹ giỏi không có nghĩa sẽ là một CEO giỏi. Do đó, các cổ đông cho rằng, trong bối thị trường thẩm mỹ viện cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp cần có một người điều hành giỏi về kinh doanh để chèo lái doanh nghiệp. Còn thế hệ con cháu, vốn chỉ được đào tạo về chuyên môn thì cần để họ tập trung vào chuyên môn.

Là một khán giả thường xuyên theo dõi chương trình bạn Vu Pham đồng tình với quan điểm của CEO Nguyễn Thị Dung: “Nếu các bạn đặt mình vào vai khách hàng thì tất nhiên bạn sẽ chọn đến với thẩm mỹ viện có đội ngũ y, bác sỹ giỏi. Người đứng đầu am hiểu sâu sắc về chuyên môn làm cho khách hàng yên tâm hơn và tạo nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

Bạn Trung Dung thì lại không đồng tình với ý kiến đó, vì cho rằng lý lẽ của các cổ đông thuyết phục hơn, và CEO đang thiên vị con gái của mình.

Cả hai luồng ý kiến đều có lý lẽ và sự thuyết phục của mình. Bên nào sẽ giành được lợi thế ? Kết quả sẽ có tại chương trình CEO - Chìa khoá thành công vào 10h Chủ nhật ngày 18/06/2017.

Chương trình CEO - Chìa Khóa Thành Công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Bất động sản Novaland.

Xem lại chương trình tại: CEO - Chìa khóa thành công trên Youtube.

Fanpage chính thức tại: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.

Hotline đăng ký tham gia chương trình : 098 148 6868

PV

Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nghiệp gia đình & bài toán kế thừa

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc