top-banner-2

Chủ nhật, 16/08/2015, 08:00 GMT+7

'Kinh doanh rác là nghề siêu lợi nhuận'

Viết bởi Kim Cúc   
Chủ nhật, 16/08/2015, 08:00 GMT+7

Kinh doanh rác là nghề siêu lợi nhuận, khả năng gây ô nhiễm cao, nếu trách nhiệm quản lý không đúng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề.

Đó là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ khi trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về tình trạng nhiều khu vực vùng ven TP.HCM đang ô nhiễm trầm trọng hiện nay.

-Thưa tiến sĩ, nhiều ý kiến cho rằng xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp gây nhiều hệ lụy, ông đánh giá thế nào về công nghệ xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp ở TP.HCM?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Việc xử lý rác theo kiểu chôn lấp đã diễn ra từ lâu rồi, hiện nhiều nước trên thế giới không còn sử dụng công nghệ chôn lấp mà coi rác là một thứ tài nguyên. Từ rác có thể tái chế ra nhiều sản phẩm phục vụ cho con người và xã hội như phân bón, hạt nhựa, vật liệu xây dựng, phát điện…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng: Kinh doanh xử lý rác là siêu lợi nhuận - 1

Bãi rác Đa Phước đang xử lý theo phương pháp chôn lấp. Ảnh: Thảo Hương

Gần đây, người ta bắt đầu sử dụng thuật ngữ "chôn lấp hợp vệ sinh", thực chất vẫn là công nghệ chôn lấp nhưng có áp dụng một số phương pháp xử lý tiến bộ hơn như phân rác thành từng bánh có bao bọc túi nylong và có sử dụng các biện pháp hóa học, sinh học trước và sau chôn lấp.

-Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp này là gì, thưa ông?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Cách chôn lấp có ưu điểm là chi phí đầu tư cũng như vận hành không cao.

Nhươc điểm đầu tiên là tốn diện tích đất, điều mà ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là không thích hợp bởi đất rất khan hiếm, tấc đất tấc vàng.

Nhược điểm thứ 2 là dễ gây ô nhiễm thứ cấp, nếu chôn lấp rác không xử lý đúng quy trình thì sẽ gây mất vệ sinh, nhiều ruồi bọ, nước thải, đi kèm mùi hôi...

Nhược điểm thứ 3 là với điều kiện nhiệt đới gió mùa nóng ẩm như Việt Nam, vi sinh vật hoạt động mạnh, nếu người quản lý không làm đúng trách nhiệm, công nhân vận hành không tốt, không theo quy trình thì không còn là "chôn lấp hợp vệ sinh" nữa mà chỉ đơn thuần là chôn lấp bình thường.

Với hàng ngàn tấn rác chôn mỗi ngày, trên vùng đất bị ngập úng, nước ngầm bị ô nhiễm, rất dễ gây tình trạng ô nhiễm về sau, ô nhiễm không khí.

-Nghĩa là chôn lấp sẽ nhiều tác hại hơn là lợi, thưa ông?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Không có loại vật chất nào tồn tại vĩnh viễn. Nếu làm không hết trách nhiệm, không đúng lương tâm sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm.

Theo tôi, chôn lấp rác là một bài toán không phù hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng: Kinh doanh xử lý rác là siêu lợi nhuận - 2

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng 

-Theo thông tin chúng tôi có được, bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) chưa được thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vậy xin hỏi ông, dự án xử lý rác có nhất thiết phải thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường không?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Theo Luật Môi trường, tất cả các dự án phải có đánh giá tác động môi trường. Nếu dự án chưa được thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường là vi phạm luật.

Trong trường hợp xử lý rác với quy mô nhỏ phải có giấy cam cam kết về môi trường với địa phương. Trường hợp quy mô lớn như bãi rác Đa Phước phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường.

-Một dự án nếu chưa được hoàn thiện về mặt hồ sơ, pháp lý cũng như kỹ thuật xây dựng thì khả năng rủi ro như thế nào, thưa tiến sĩ?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Lấy một ví dụ về sạt lún đế. Về nguyên tắc thì thời gian có thể tồn tại, an toàn của hệ thống đáy bãi rác, lực ép… không phải tuyệt đối. Cộng với lực của việc vận chuyển, bốc xếp, thời tiết và các động khác của sinh vật có thể gây vỡ và sạt, ngấm dưới lòng đất, gây ô nhiễm lâu dài.

-Vậy còn khả năng phát nổ tại các bãi rác thì như thế nào?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Điều này cũng có thể xảy ra với trường hợp có nhiều khí mê tan, nếu không có giải pháp xử lý khí thoát ra, sẽ tạo thành túi khí, có thể phát nổ cháy. Cháy lớn hay nhỏ tùy thuộc vào lượng mê tan.

-Hiện nay nhiều đơn vị xử lý mùi bằng phương pháp xịt khử mùi. Phương pháp này có độc hại đối với người dân quanh khu vực không?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Người ta có thể sử dụng các lọ hóa chất enzim đã được cho phép để xử lý mùi hôi, côn trùng và các sinh vật khác.

Được biết, hiện nay người ta còn sử dụng các loại LTH 88, 89, 100, hỗn hợp phun Permethrin 50ec và Map oliver 10wp.

-Mùi hôi có thể phát tán bao xa, thưa tiến sĩ?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Mùi hôi nhiều hay ít, phát tán xa hay gần còn tùy quy mô bãi rác và thời gian xử lý. Càng để lâu, mùi càng nhiều. Số lượng càng lớn, nhiệt độ cao, mùi có thể phát tán không dưới 10km;  hôi nhiều hay ít, theo hướng nào  còn phụ thuộc vào chiều gió.

-Kinh doanh xử lý rác nghe có vẻ không đơn giản, tại sao nhiều đơn vị lại đổ xô vào rác như vậy?

-TS Nguyễn Văn Lạng: Tôi khẳng định: làm rác rất lời. Cứ cho là trả khoảng 300.000 đồng/tấn, nếu doanh nghiệp không trung thực trong vấn đề cân rác, chỉ cần mỗi ngày tăng 10% rác, thì với khối lượng hàng ngàn, hàng trăm tấn rác sẽ bị thất thoát số tiền không nhỏ, mà đó là tiền của dân.

Huống hồ có doanh nghiệp còn được trả hơn 20 USD/tấn thì số tiền càng kinh khủng hơn nữa. Phải nói là siêu lợi nhuận.

-Cảm ơn những thông tin chia sẻ của ông.

Theo motthegioi.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

'Kinh doanh rác là nghề siêu lợi nhuận'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc