top-banner-2

Thứ bảy, 25/07/2015, 15:17 GMT+7

Vì sao 70% doanh nghiệp tư nhân vẫn đang kinh doanh không có lãi?

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ bảy, 25/07/2015, 15:17 GMT+7

Hơn 70% doanh nghiệp đang kinh doanh không có lợi nhuận trong một thời gian dài, buộc các nhà quản lý phải đặt ra câu hỏi nên “cứu” hay để “chết tự nhiên”?

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả khảo sát thực hiện trong tháng 4/2015 cho thấy, 70% doanh nghiệp tư nhân vẫn đang kinh doanh không có lãi, trong khi khu vực này đang đóng góp 50% GDP của cả nước. Đặc biệt, 96% doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động là thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, 4% còn lại thuộc doanh nghiệp lớn và vừa.

Không có lãi vẫn phải cầm cự

Khảo sát của VCCI nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tuy vẫn có doanh thu, nhưng lượng đơn đặt hàng giảm, lợi nhuận giảm mạnh và lao động bị cắt giảm. Gần 32% doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động do không tìm được đầu ra. Cũng theo khảo sát trên, tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ là nhiều đơn hàng bị cắt giảm hoặc không thể cạnh tranh giá với các đơn vị khác. Tình hình này đã kéo dài 3 – 4 năm gần đây.

lamsaotangsuckhoe

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Bao bì Thy Duy (TP.HCM) cho biết, trong vòng 3 năm qua, số công nhân làm việc tại công ty đã rơi rụng quá nửa, do đơn hàng giảm sút và không thể cạnh tranh với các công ty in mới liên tục xuất hiện trên thị trường. Thy Duy vốn là công ty chuyên gia công bao bì cho các sản phẩm bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén, giấy vệ sinh… cho nhiều công ty lớn trong và ngoài nước. Ba năm trước, công ty có 15-20 công nhân và tăng ca liên tục, nay giảm còn 7-8 công nhân. Hiện nay chỉ có 3/5 dây chuyền in ấn của công ty hoạt động mà cũng chưa hết công suất.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Văn Tiếp (Quảng Nam), chuyên kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ cho biết, số lượng đơn đặt hàng của doanh nghiệp cũng đang giảm 30% do không cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại từ miền Bắc.

Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là năng lực hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân

“Lấy công làm lời” đang là tình trạng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Văn Quới (Bến Tre) cho biết: “Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là tiếp cận được vốn vay ưu đãi, bởi doanh nghiệp không thể đáp ứng được các điều kiện ngân hàng đưa ra. Còn nếu muốn vay tín chấp, phải có thương hiệu, có doanh số, hiệu quả kinh doanh… Những yêu cầu đó với doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ biết làm gia công là điều quá xa xỉ”. Cũng theo nhận định của đại diện một số doanh nghiệp quy mô nhỏ, do không có tiền đầu tư nên doanh nghiệp vừa quản trị yếu kém, vừa không có cơ hội tái đầu tư máy móc và hệ quả là không đủ lực để cạnh tranh. “Quy luật cá lớn nuốt cá bé trong hội nhập sẽ tiếp tục xảy ra nhiều hơn với khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nội địa”, ông Cù Văn Thành nhận định.

Xây dựng chương trình quốc gia để cứu doanh nghiệp?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là năng lực hạn chế và manh mún của khu vực kinh tế tư nhân. “Doanh nghiệp manh mún, quy mô nhỏ, quản trị yếu, công nghệ lạc hậu, khó tiếp cận thị trường, nguồn vốn… đã khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp gần như bằng không”, ông Thành nói.

Trước đó, kết quả điều tra về nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện cũng cho thấy, 50% số doanh nghiệp không nộp hồ sơ vay vốn vì họ cảm thấy không có nhu cầu.

70% doanh nghiệp cả nước vẫn đang kinh doanh không có lãi, trong khi khu vực này đang đóng góp 50% GDP của cả nước

Theo ông Bùi Kiến Thành, doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, nếu doanh nghiệp không có nhu cầu đầu tư mở rộng tức là sức khỏe của nền kinh tế có vấn đề trầm trọng. “Số doanh nghiệp tư nhân làm ăn thất bại đang tăng, bất chấp nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ”, ông Bùi Kiến Thành nhận định và đặt vấn đề: “Liệu chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân của ta đi đúng hướng chưa? Đã gõ đúng cửa và “gãi” đúng chỗ ngứa của nền kinh tế thị trường chưa”?

Theo ông Cù Văn Thành, một cách “cứu” khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là quy tụ thành nhóm doanh nghiệp chuyên ngành tham gia vào các ngành công nghiệp phụ trợ, hợp sức với doanh nghiệp vừa và lớn nhằm tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh mới có thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại. Ông Thành dẫn chứng, ở Nhật có 370 công ty nhỏ chuyên cung cấp linh phụ kiện để sản xuất ra chiếc ôtô Toyota. Trong khi tại Việt Nam, muốn làm một chai dầu dừa xuất khẩu, bao bì đẹp đạt chuẩn quốc tế, công ty ông phải đặt làm một số loại bao bì tận Thái Lan mới đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Pháp, Nhật.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề xuất xây dựng chương trình quốc gia hỗ trợ các ngành công nghiệp theo chuỗi, cụm chứ không theo từng doanh nghiệp. Chẳng hạn, về chế biến thực phẩm sẽ hỗ trợ theo chuỗi từ sản xuất, nuôi trồng đến chế biến, phân phối tiêu thụ. Về nguồn vốn đầu tư, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị ngành ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, đơn giản hóa thủ tục cho vay và cho vay theo chuỗi sản xuất cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua ngân hàng… Đặc biệt, ông Lộc kiến nghị đưa quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào hoạt động.

Theo dddn.com


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vì sao 70% doanh nghiệp tư nhân vẫn đang kinh doanh không có lãi?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc