top-banner-2

Thứ sáu, 12/04/2013, 12:05 GMT+7

BOT - gánh nặng phí giao thông

Thứ sáu, 12/04/2013, 12:05 GMT+7

Từ 1/4/2013 HĐND TP HCM đã cho phép Cty CP Đầu tư hạ tầng TP HCM (CII) thu phí qua cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội (TP HCM) để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Từ cầu Rạch Chiếc đi theo tỉnh lộ 25B qua cầu Phú Mỹ, xuống đường Nguyễn Văn Linh (Q7) qua trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh - chưa tới 20 km mà có tới 3 trạm thu phí BOT với mức thu rất cao

Hiện, mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông qua cầu Rạch Chiếc đưa hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Cát Lái, Cảng Cái Mép – Thị Vải, nơi có hơn 90% lượng hàng xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam – đều phải đi qua, một vị trí hết sức lý tưởng cho nhà đầu tư BOT. Thế nhưng, với người dân và các DN vận tải và DN xuất nhập khẩu thì trạm thu phí này lại tăng thêm gánh nặng phí giao thông.

Quá nhiều trạm thu phí BOT

Cầu Rạch Chiếc là một trong những công trình xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng sử dụng và chuyển giao), nghĩa là nhà đầu tư bỏ vốn ra xây dựng, sau đó thu phí hoàn vốn, khi nào thu đủ vốn thì chuyển giao cho chính quyền địa phương. Đơn vị đầu tư CII đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng Cầu Rạch Chiếc. Để thu hồi lại số vốn này, CII sẽ phải thu phí các chủ phương tiện giao thông đi qua cầu trong thời gian 12 năm, kể từ 1/4/2013. Trong điều kiện kinh tế nhà nước chưa đủ ngân sách làm đường giao thông thì sự tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của các DN sẽ góp phần nâng chất lượng giao thông đường bộ, giảm nạn kẹt xe và ùn tắc giao thông, lưu thông đảm bảo an toàn, giảm thời gian vận chuyển và giảm chi phí… Đó là những lợi ích to lớn đem lại cho xã hội và cho các DN.

Tuy nhiên, hiện nay trên các trục giao thông huyết mạch của TP HCM có quá nhiều trạm thu phí BOT, dẫn tới tình trạng người dân phải đóng góp quá nhiều loại phí giao thông. Hiện nay để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ Cảng Cát Lái, cửa ngõ của nền kinh tế trọng điểm phía Nam - đa số đều phải đi qua trạm thu phí cầu Rạch Chiếc (Q 9), cầu Phú Mỹ (Q 7) và trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh (Q 7), trong đó 3 trạm thu phí này chỉ cách nhau khoảng 20 km và đều là các trạm thu phí BOT, nghĩa là tất cả các loại phương tiện vận chuyển đường bộ theo quy định đều phải đóng phí khi qua trạm.

Tăng chi phí logistics

Việc phải chi quá nhiều các loại phí cầu đường đã làm cho chi phí vận chuyển tăng. Điều này cho thấy vì sao chi phí logistics ở nước ta cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì chi phí vận chuyển chiếm 70% tổng chi phí logistics. Chi phí logistics cao không chỉ làm giảm sức cạnh tranh cho hàng hóa VN mà còn giảm sức cạnh tranh cho cả hệ thống cảng biển nước sâu của nước ta. Ông Phan Trọng Lâm - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Cảng container quốc tế VN (VICT) cho biết: “Giá thành vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ TP HCM đi Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu) cao gấp 6 lần chi phí vận chuyển từ các cảng trong TP HCM qua Singapore”. Điều này lý giải vì sao hơn 90% lượng hàng hóa từ TP HCM và các tỉnh phía Nam xuất qua Châu Âu, và Mỹ đều đi qua các cảng trong nội ô TP HCM rồi trung chuyển qua cảng quốc tế Singapore để lên tàu mẹ mà không qua Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Trong khi Cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải đã đủ năng lực tiếp nhận những tàu mẹ đi thẳng Châu Âu và Mỹ. Do không có đủ lượng hàng hóa cho tàu mẹ cặp cảng, Cảng Cái Mép – Thị Vải đã không phát huy được tác dụng là cảng trung chuyển quốc tế.

DN vận tải cũng khó

Mặc dù liên tục bị lên án chi phí logistics của VN cao là do các DN vận tải thu phí quá cao. Thế nhưng, mặc dù đã thu với mức cao như thế, nhưng các DN vận tải vẫn hết sức khó khăn. Ông Đỗ Xuân Phú - Giám đốc Cty Cổ phần Dịch vụ thương mại vận tải Minh Liên, bức xúc: “Không khó khăn sao được, khi mà các chi phí mà DN vận tải phải bỏ ra quá nhiều trên đường vận chuyển. Quãng đường từ cầu Rạch Chiếc đi theo tỉnh lộ 25B qua cầu Phú Mỹ, xuống đường Nguyễn Văn Linh (Q 7) qua trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh - quãng đường chưa tới 20 km mà có tới 3 trạm thu phí BOT với mức thu rất cao: tại trạm thu phí Cầu Rạch Chiếc 80.000 đ/lượt; đường Nguyễn Văn Linh 80.000đ/lượt và cầu Phú Mỹ 40.000đ/lượt đối với xe tải trên 18 tấn hoặc xe đầu kéo chở container 40 peet. Vậy hai lượt đi về DN đã phải đóng phí BOT gần 400.000 đ. Trước đây một chuyến hàng đi từ Long An xuống cảng Cái Mép – Vũng Tàu vừa đi và về, mỗi chuyến gần 1 triệu đồng tiền phí, lộ phí và cả tiền nâng hạ container. Bây giờ chúng tôi phải bỏ túi cho tài xế ít nhất cũng 2 triệu đồng. Cuối tháng 3/2013, giá xăng dầu lại tăng, buộc DN phải lên giá vận chuyển, và giá cả cứ thế tăng theo.

Luật sư Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết: HĐND TP HCM đã chính thức cho phép nhà đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc thu phí để hoàn vốn, điều này rất hợp lý về mặt pháp lý và cả quy trình hợp thức hóa. Thế nhưng, vấn đề phải xem xét là hiện các DN và người dân đã phải đóng phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện, mà xe đi qua các trạm vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ được tính trong mức thu là điều hết sức vô lý, Các ngành chức năng cần tính toán lại có thể giảm phí bảo trì đường bộ hoặc giảm phí qua các trạm BOT cho các chủ phương tiện vận chuyển.

Chi phí giao thông là một trong những yếu tố quan trọng trong việc cấu thành lên chi phí logistics, là một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị gia tăng của nền kinh tế. Hiệp hội Dịch vụ DN logistics Việt Nam, theo hệ thống đánh giá của Ngân hàng thế giới gần nhất (năm 2011) thì năng lực thực hiện logistics (LPI) của VN đang xếp thứ 53 trong số 155 nước trên thế giới và đứng thứ 5 trong khối ASEAN. Đây là thứ hạng thấp do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chi phí vận tải cao. Việc thu phí giao thông vận tải không hợp lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng lực logistics quốc gia và kéo theo rất nhiều hậu quả khác.

Theo dddn.com.vn

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

BOT - gánh nặng phí giao thông

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc