Lại nói về Haute Couture |
Viết bởi lehang |
Thứ năm, 21/03/2013, 10:22 GMT+7 |
Tuần lễ thời trang Haute Couture Xuân Hè diễn ra tại Paris hơn ba tháng sau khi các bộ sưu tập ready-to-wear Xuân Hè và Pre-Fall 2013 được ra mắt.
Vào giai đoạn không mấy thuận lợi như thế này, các nhà mốt couture vẫn gồng gánh được những thiết kế tôn vinh tay nghề may mặc của các nhà nghề thủ công và những buổi trình diễn có quy mô tầm cỡ quả là một điều đáng ghi nhận khi mà Givenchy, một tên tuổi quen thuộc, công bố sẽ ngừng tham gia tuần lễ thời trang cao cấp tại Paris vô thời hạn. Màn kết ấn tượng với hai cô dâu trong buổi ra mắt BST Haute Couture Xuân Hè 2013 của Chanel Haute Couture có còn ra tiền? Haute Couture chính thống vẫn được coi là các trang phục may theo số đo một cách tỷ mỉ, cầu kỳ đến mức không tưởng. Với các chất liệu lụa, ren thêu, vẽ thủ công, đính ngọc, cườm, pha lê, lông vũ, sequin một cách tinh tế và trong trường hợp của Chanel, Dior hay Jean Paul Gaultier – được thực hiện bởi những người thợ lành nghề nhất của kinh đô thời trang thế giới. Đây là chuẩn mực khó có thể vươn tới được của việc ăn diện có gu. Trên thế giới chỉ có khoảng bốn ngàn phụ nữ là khách hàng của hơn 20 thương hiệu tham gia tuần lễ thời trang Haute Couture danh giá, tuy vậy những người thường xuyên mua sắm chỉ ở mức giới hạn 100 người. Trong số đó, có những người đòi hỏi quyền sở hữu và sự riêng tư tuyệt đối, hủy đơn đặt hàng nếu thiết kế này xuất hiện trên báo chí hay được một ngôi sao nào đó chưng diện trên thảm đỏ. Đây là một nghịch lý nhỏ của Haute Couture. Những người sẵn sàng bỏ ra ít nhất 20 ngàn đô la cho một bộ suits, hay thậm chí đến 100 ngàn đô la cho một chiếc váy dạ hội lại không muốn được người ta nhắc đến. Còn các thương hiệu thời trang cần gương mặt, tên tuổi và sự nổi tiếng, cùng với một trang phục “giấc mơ thời trang tuyệt diệu” in đậm trong tâm trí của hàng triệu người trên thế giới. Chính vì vậy, Haute Couture không còn là nguồn thu chính của những nhà mốt danh tiếng, mà chủ yếu thu nhập là từ phụ kiện, mỹ phẩm, nước hoa, đồ trang sức.
NTK Karl Lagerfeld và những thiết kế của Chanel Hãy thử làm một phép tính ước lượng quy mô của Haute Couture. Nếu trung bình mỗi thiết kế của Karl Lagerfeld có hai khách hàng đặt mua với giá khoảng 70 ngàn đô la, thì bộ sưu tập Xuân Hè 2013 gồm 68 mẫu của năm nay có thể đem về cho thương hiệu này số tiền chưa đến 10 triệu đô la. Để dễ hình dung có thể lấy ví dụ nước hoa Chanel No5, sản phẩm được ước tính đem lại 100 triệu đô la hàng năm cho thương hiệu có giá trị gần 7 tỷ đô la này (Chanel không bao giờ tiết lộ doanh thu hàng năm của mình). Số trang phục trong một bộ sưu tập, thước đo lượng khách hàng tiềm năng của thương hiệu, cũng có thể nói lên khá nhiều. Chanel đứng ở vị trí số một với 68 thiết kế. Tiếp theo là Armani Prive - 54, Elie Saab và Valentino - 48, Dior - 46, Jean Paul Gaultier - 45. Tuy vậy, nhà thiết kế người Li Băng Elie Saab lại khẳng định với tờ The Telegraph rằng anh mới chính là người sở hữu một “atelier couture” - nhà may cao cấp lớn nhất trên thế giới. Buổi trình diễn các trang phục của Dior
Jean Paul Gaultier giới thiệu thiết kế Haute Couture của mình
Elie Saab là điển hình cho các nhà mốt có quy mô nhỏ và thu nhập từ Haute Couture chính là một phần đáng kể. Những nhà mốt sống bằng việc may đo quần áo cho các khách hàng tư nhân, theo đúng mô hình truyền thống của thời trang Haute Couture từ trước thập kỷ 1960 giờ đã trở nên quá đơn lẻ, phụ thuộc vào một lượng khách hàng quá ít ỏi. Họ khó có thể tạo nên xu hướng mới hay gây ảnh hưởng đến chính thời trang Haute Couture. Thiết kế của Elie Saab
Bức tranh Haute Couture 2013 Hãy cố thử bước ra khỏi ánh hào quang của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu để đi tìm cảm hứng hay xu hướng thời trang mới trong các bộ sưu tập Haute Couture. Bộ sưu tập của Chanel mùa Xuân Hè năm nay chẳng hạn, nhấn mạnh vào bờ vai thiếu nữ mảnh mai được Karl Lagerfeld phủ kín sequin bạc đầy ấn tượng, tạo cấu trúc độc đáo cho tay áo phần ráp nối với vai. Biểu tượng của vẻ đẹp nữ tính yêu kiều này không hẳn có thể làm người ta nghĩ ngay đến phong cách Chanel, nhưng đó mới chính là điều đáng để ý đến. Các thiết kế mới nhất của Karl Lagerfeld đài các, lãng mạn, đặc trưng cho sự phong phú vượt trội của phong cách Chanel. Bộ sưu tập của Maria Grazia Chiuri và Pier Paolo Piccioli cho Valentino cũng được coi là một trong những điểm sáng của tuần lễ thời trang Haute Couture năm nay. Valentino trình diễn các bộ váy lụa, ren trắng, đỏ - hai tông màu đặc trưng cho thương hiệu, được thêu và trang trí cườm, pha lê một cách ý tứ tuyệt vời.
Thiết kế của Valentino
Thiết kế của Rad Hourani
Thiết kế của Yiqing Yin
Tuy vậy, nếu Haute Couture chỉ dựa trên công việc thủ công, cho dù có tinh tế, tốn kém và đẹp đến đâu, cũng khó có thể gây ảnh hưởng đến thời trang. Và đây là lý do tại sao người ta đặt những kỳ vọng đặc biệt vào Dior và Raf Simons. Anh là một trong những người đầu tiên khôi phục ảnh hưởng của Haute Couture trong thời trang ready-to-wear từ khi còn là nhà thiết kế chính của Jil Sander. Đây mới là bộ sưu tập Haute Couture thứ hai của Raf Simons, nhưng đã thể hiện những điều thời trang chưa từng được chứng kiến trong nhiều năm nay. Sự biến chuyển của phong cách lãng mạn, yêu kiều được coi là dấu ấn tuyệt vời trong quá khứ của Dior, được giản lược cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, pha với một vài chi tiết cực đoan mạo hiểm, dường như đùa cợt với việc ăn mặc có gu. Kiểu dáng vai trần của trang phục dự tiệc kết hợp với quần âu, dáng áo “bar jacket” đặc trưng của Dior trong bộ smoking, mô típ hoa, chất liệu ánh kim bắt sáng hay các tông màu neon rực rỡ.
Bộ smoking suits với thiết kế áo “bar jacket” quen thuộc của Dior
Thiết kế của Dior Trong show diễn Xuân Hè, hạt pha lê màu đính trên môi người mẫu của Dior tương phản với mái tóc cắt ngắn kiểu pixie thời thượng có thể được coi là một ngôn ngữ đương đại cho bộ sưu tập Haute Couture. Raf Simons nói rằng anh muốn Haute Couture được người ta mặc trên đường phố chứ không chỉ là trang phục dành cho các buổi tiệc long trọng. Đây cũng chính là quan niệm của Coco Chanel. Thật thú vị, khi nhà thiết kế Karl Lagerfeld của Chanel dùng từ lãng mạn miêu tả bộ sưu tập mới, còn Raf Simons của Dior mang đến vẻ đẹp hiện đại với phong cách lãng mạn đặc trưng của Dior.
Karl Lagerfeld “phát kiến” ra những chi tiết thêu tạo hiệu ứng họa tiết in trong các thiết kế Haute Couture Xuân Hè 2013 của Chanel Không thể không nhắc đến những cái tên như Iris Van Herpen, Yiqing Yin và gần đây nhất, Rad Hourani là những tài năng trẻ đến từ những nơi ngoài biên giới Pháp, mang theo cách nhìn trẻ trung khác hẳn với Haute Couture cổ điển. Nhà mốt Maison Martin Margiela (MMM), thương hiệu Bỉ nổi tiếng với trường phái phá vỡ cấu trúc (deconstruction), phong cách tối giản và việc sử dụng đồ dùng phế thải là một trường hợp cá biệt. Bộ sưu tập Haute Couture của MMM cực đoan trong sự khác biệt với vẻ đẹp truyền thống của Haute Couture, một cách thực hành “giấc mơ” về thời trang tiên phong. Không còn sự tìm tòi thử nghiệm mà là để nhắc đến chỗ đứng riêng một thời của thương hiệu. Bộ sưu tập Haute Couture của Maison Martin Margiela (Theo Đẹp) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|