Ruby - Hồng Ngọc - Thần hộ mệnh của doanh nhân |
Thứ ba, 12/03/2013, 14:03 GMT+7 |
Ruby là một trong những loại đá quí hiếm trong suốt hàng nghìn năm qua, được gọi tên là hồng ngọc hay đá đỏ. Ngày nay, Ruby càng có giá trị hơn và thuộc top đá quý chất lượng nhất. Ở Việt Nam ta có câu tục ngữ “có tiền mua tiên cũng được”. Ta tưởng như câu này đúng với mọi trường hợp trên đời. Nhưng không phải vậy, đặc biệt là đối với ruby...
Câu chuyện ruby – đá đỏ Mùa thu năm 1987 rộ lên việc phát hiện và đào bới đá đỏ (Ruby) ở Lục Yên (Yên Bái) và Quỳ Châu (Nghệ An). Hàng nghìn người từ các địa phương khác nhau trong nước đua nhau đến Lục Yên và Quỳ Châu để tìm kiếm đào bới ruby, mong gặp vận may đổi đời. Và nhiều cảnh ngộ bi lụy đã xảy ra. Một số người bỗng chốc giàu lên vì ruby, nhưng có hàng trăm người tiền mất tật mang, khuynh gia bại sản, thậm chí bỏ mạng cũng vì đá đỏ. Trong dân gian đã có nhiều bài ca đá đỏ rất bi lụy, cảm động phản ảnh cuộc mưu sinh vì đá đỏ đầy phiêu lưu mạo hiểm. Việc phát hiện thấy ruby ở Việt Nam là một sự kiện quốc tế của thế giới ngọc học. Các nhà nghiên cứu và cả các thương gia nước ngoài, đặc biệt là các thương gia Thái Lan đã tới tấp bay sang Việt Nam, đến tận Lục Yên và Quỳ Châu để nghiên cứu và lùng sục ruby. Tạp chí ngọc học của Hoa Kỳ, một tạp chí danh tiếng về đá ngọc đã đăng bài về việc phát hiện ruby ở Việt Nam và đánh giá ruby Việt Nam có chất lượng quốc tế cao, tương tự ruby nổi tiếng ở Mogok của Myanmar. Một số đề tài nghiên cứu về ruby đã được Viện Địa chất và Khoáng sản thực hiện, nhiều dự án tìm kiếm thăm dò ruby đã được Cục Địa chất và Khoáng sản tiến hành. Chính phủ còn thành lập Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam để tiến hành nghiên cứu và khai thác đá ngọc ở Việt Nam. Bên cạnh đó nhiều xí nghiệp liên doanh với nước ngoài như Việt Thái, Việt Nga… cũng ra đời để thăm dò khai thác ruby. Đồng thời nạn quặng tặc, ruby thổ phỉ đã hoành hành trong nhiều năm.
Vậy ruby là gì mà hấp dẫn vậy? Ruby là một trong những loại đá quí hiếm trong suốt hàng nghìn năm qua, được gọi tên là hồng ngọc hay đá đỏ. Ngày nay, Ruby càng có giá trị hơn và thuộc top đá quý chất lượng nhất. Ruby là khoáng vật có công thức hóa học là Al2O3, có màu từ đỏ nhạt tới đỏ sẫm, do chứa một lượng nhỏ crom oxit Cr2O3 (từ 0,7 - 2,6% khối lượng) là oxit mang màu. Ruby có độ cứng đạt cấp 9 chỉ thua kim cương 1 bậc, có chiết suất cao n = 1,7 do đó khá óng ánh, màu đẹp, quý nhất là những viên có tia hình sao sáu cánh do chứa những bao thể hình kim, hướng theo hệ đối xứng ba phương của tinh thể. Đối với ruby thì loại có màu đỏ, đỏ hơi phớt tím là có giá trị cao nhất. Ánh tím càng tăng và sự có mặt của sắc màu da cam sẽ làm giảm giá trị của viên đá xuống. Loại có sắc màu nâu có giá trị thấp nhất. Xét về độ sáng tối (tone) của màu thì những viên có tông màu tối vừa là có giá nhất, sau đó là tông sáng và tông tối. Màu không đều cũng làm giảm giá trị của viên đá. Trên thị trường ruby màu đỏ tuyền gọi là màu đỏ máu bồ câu, là loại có giá trị nhất thậm chí còn đắt giá hơn kim cương vì rất hiếm gặp. Ruby trong suốt được mài facet (nhiều mặt), khi ánh sáng chiếu vào viên ngọc tỏa ra các tia phản xạ lấp lánh rất đẹp và lộng lẫy. Ruby không trong suốt được mài cabochon (mài khum). Trong loại này có thể thấy các hiệu ứng sao, gọi là ruby sao rất đẹp. Có hiện tượng hiệu ứng sao là do sự phản xạ của ánh sáng từ nhiều bao thể hình kim của khoáng vật rutil có trong ruby. Trên thế giới có một số nước đã phát hiện được ruby như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Sri Lanka, Ấn Độ, Afghanistan, Brazil, Mỹ, Nga, Úc. Nhưng chỉ có ruby ở Myanmar và Việt Nam là loại chất lượng cao, màu đẹp, được thị trường ưa chuộng. Ở mỏ Đồi Tỷ, Khe Mát thuộc huyện Quỳ Châu, Nghệ An năm 1992 người ta đã tìm được một viên ruby chất lượng cao nặng 56 carat (1 carat = 0,2g). Sau đó viên này đã được bán tại Hội Chợ Đá ngọc Nghệ An với giá 56.000 USD. Có tin một người Thái mua được viên đá này về gia công chế tác bán được 3 triệu USD. Ở khu mỏ Tân Hương, Lục Yên, Yên Bái năm 1997 các nhà địa chất đã tìm thấy viên đá ruby màu đỏ đẹp, chất lượng cao, kích thước bằng quả bưởi nặng 2.160g được gọi là Ngôi sao Việt Nam. Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam đã tách 1 mảnh 290 carat từ khối đá này và đem bán ở Hội chợ Myanmar với giá 290.000 USD.
Lịch sử và truyền thuyết Theo ngôn ngữ Sanskrit cổ (ngôn ngữ cổ của Ấn Độ), ruby gọi là ratnaraj, nghĩa là “vua đá quý”. Ở nước Miến Điện cổ (nay là Myanmar), các chiến binh đeo ruby để làm cho họ trở nên bất khả chiến bại. Trong Kinh thánh, phụ nữ nào khôn ngoan và đạo đức thì được xem “quý giá hơn đá ruby”. Người Mỹ cho là ruby giúp con người có lòng đam mê và dũng cảm, và họ dùng ruby làm đá quý mừng sinh nhật trong tháng bảy. Ngoài ra nó còn dùng cho kỷ niệm lễ cưới 15 năm hoặc 40 năm. Năng lượng của Ruby rất lớn, mạnh mẽ, "Ruby ngọc" có giá rất cao bởi cấp độ trong suốt, "Ruby đá" giá cả vừa phải, số lượng cũng nhiều hơn. Màu đẹp nhất của ruby là đỏ mạnh tươi cho đến đỏ hơi phớt tím. Đỏ phớt tím thường được xem là đẹp hơn đỏ phớt cam. Các nhà địa chất và đặc biệt là các nhà chế tác đá quý đã đồng tình đánh giá: đá đỏ là loại quý số 1, Emơrốt (emerald) là loại quý số 2, còn kim cương chỉ đứng hàng thứ ba. Thêm vào đó giá trị của rubi còn tùy thuộc vào độ lớn của nó. Đá đỏ hay còn gọi là hồng ngọc đúng tiêu chuẩn quốc tế phải đạt trọng lượng từ 1 cara (1 cara = 0,2g) trở lên. Loại đá đỏ tuyệt vời 1 cara trở lên có giá trị hơn 2 lần kim cương tuyệt vời có cùng trọng lượng. Nói một cách dí dỏm, viên hồng ngọc bằng đầu ngón tay nặng khoảng 0,6 gam có trị giá hơn 4 ký lô vàng ròng 99,99. Ở Việt Nam ta có câu tục ngữ “có tiền mua tiên cũng được”. Ta tưởng rằng câu này đúng với mọi trường hợp trên đời. Nhưng không phải vậy, đặc biệt là đối với ruby. Có nhiều khi, nhiều lúc, ở nhiều nơi không phải có tiền là mua được ngay ruby loại cực kỳ tốt. Kinh nghiệm thị trường trong nước và đặc biệt là nước ngoài cho biết: có tiền chỉ mua được kim cương và vàng. Càng có nhiều tiền càng dễ kiếm những viên kim cương to và tuyệt hảo. Riêng với đá đỏ - hồng ngọc - ruby thì khác: có tiền chưa chắc có ruby đẹp mắt và tuyệt vời và như đã thành quy luật: ta càng kiếm ruby đắt giá là càng khó khăn để lùng ra nó.
Ý nghĩa của đá ruby Đá không chỉ đơn thuần là trang sức, mặt khác còn được xem là đá phong thủy (feng shui) đem lại sự may mắn cho người đeo nó. Ruby được xem là một trong những loại đá quý hoàn hảo nhất. Ruby tượng trưng cho mặt trời, sự tự do và quyền lực. Nếu đeo gần tim viên đá sẽ làm cho tình yêu của bạn thêm mặn nồng. Ngoài ra nó còn giúp lưu thông máu và tạo giấc ngủ ngon. Màu đỏ liên quan đến tình yêu và tính hoạt bát, cảm xúc mạnh mẽ và sức mạnh. Nó tỏa ra sức nóng và khả năng tồn tại lâu dài. “Ruby” từ tiếng La tinh “rubens”, ý nghĩa là “tủy xương đỏ”. Màu đỏ đôi khi được liên tưởng tới máu chim bồ câu. Nó biểu hiện: lửa và máu, ngụ ý sức nóng và cuộc sống cho loài người. Đó là màu nồng nàn, mạnh, tuyệt đối, nóng, tình cảm mạnh. Ruby được tượng trưng cho tuổi sinh tháng bảy hoặc cung Taurus (22 tháng sáu đến 22 tháng bảy). Ruby - ngọc quý màu đỏ đã được người cổ xưa biết đến từ cách đây khoảng 3 ngàn năm trước công nguyên. Ruby xuất hiện đầu tiên ở phương Đông cùng nhiều câu chuyện huyền thoại về loại ngọc cực hiếm này. Nhiều người tin tưởng rằng ruby giúp bảo vệ ta khỏi những việc tội lỗi, tiêu cực và đói kém . Chúng được dùng để bảo vệ người lính khỏi bị thương trong trận chiến. Đôi khi , Ruby được đeo để tăng thêm sức mạnh tâm linh của con người, đem lại sự phấn khởi , làm cho con người tự tin. Bạn sẽ có một giấc ngủ êm đềm nếu đặt ruby trên giường.… Không những thế, có quan niệm rằng Ruby chính là những giọt máu rỉ ra từ trái tim người mẹ vĩ đại của muôn loài là thần đất. Có bộ tộc coi những viên ngọc Ruby rực sáng là những giọt nước mắt của các vị thần nhỏ xuống trần gian để xóa đi những tội lỗi của loài người. Màu đỏ rực rỡ của Ruby còn được người Hindu coi là ngọn lửa thiêng bắt cháy từ trong lòng viên ngọc và tỏa sáng mãi mãi. Có được viên ngọc Ruby là có được sức khỏe, có lòng tự tin, quyết đoán gạt bỏ được những cuồng vọng, ngăn cản được các lỗi lầm và bảo vệ được mình an toàn trước những phong ba bão táp của thiên nhiên cũng như cuộc đời. Chính vì thế ngoài ý nghĩa làm đồ trang sức, Ruby còn là của gia bảo. Đá đỏ Việt Nam được thế giới biết đến 1.500 năm trước đây Vào đầu công nguyên, tức là cách đây gần 2.000 năm tại miền nam bán đảo Đông Dương đã có một số người Ấn Độ thời đó lặn lội đặt chân tới. Họ đã chiếm cứ miền Nam bộ của ta bấy giờ làm thuộc địa và đã tạo dựng ra một nước nhỏ kiểu Ấn Độ và sử sách gọi quốc gia đó là Phù Nam. Sau đó hơn 400 năm, tức là vào thế kỷ thứ 5, Phù Nam đã trở thành một nước lớn bao gồm miền Nam Việt Nam, Campuchia, Đông Nam Thái lan và xuống tận Malaysia bấy giờ. Ngoài ra họ còn có ảnh hưởng đến nước Chiêm Thành tại miền Trung Việt Nam hiện nay. Họ ráo riết khai thác vàng và ngọc. Hiện nay theo di chỉ khảo cổ học ở địa bàn Óc Eo tỉnh An Giang còn tìm thấy nhiều dấu vết về sự có mặt của họ. Họ đem vàng và ngọc từ Phù Nam về Ấn Độ và bán tại chợ trời Tamil ở phía Đông Nam Ấn Độ. Tất cả các thứ ngọc quý của Phù Nam đều được ghi xuất xứ ở phương Đông. Trước hết đó là ruby Đông Phương (Oriental ruby), rồi đến Emerald Đông Phương (Oriental Emerald), Saphire Đông Phương (Oriental Saphire). Tất nhiên trong các thứ đá quý kể trên phải có đá quý Việt Nam vì như hiện nay đã biết, Việt Nam có đủ loại đá quý, nhất là đá đỏ hồng ngọc ruby. Chính sự giàu có kỳ lạ đó đã khiến Ấn Độ lúc đó tuy không xâm chiếm nổi Chiêm Thành để sáp nhập vào lãnh thổ Phù Nam nhưng vẫn bang giao hữu hảo và thiết lập hàng loạt bến nước mà hiện nay ta gọi là thương cảng chạy dài từ Óc Eo (An Giang) ở cạnh vịnh Thái Lan rồi tiến ra dọc duyên hải xứ Chiêm Thành ở miền Trung. Đó là các bến Panduranga (Phan Rang), Kauthara (Nha Trang), Lingaparvata (Phú Yên), Vijaya (Quy Nhơn), Indrapura (Quảng Nam), Jihra (Quảng Bình). Bến nước cuối cùng có tên Kathigara chưa biết nằm ở đâu. Đây là bến nước hệ trọng nhất để mua vàng ngọc thời Trung cổ (từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15). Biết rõ được nó không khác gì tìm được chìa khóa kho tàng đá quý và vàng của thời xưa để lại. Theo tính chất địa chất của đất nước Việt Nam hiện tại, các bến nước kể trên đều được đặt vào các chỗ có nhiều vàng, đá quý. Từ các bến nước ấy đã chở về Ấn Độ các loại đá quý và khi đem đến bán ở chợ trời Tamil chúng đã đem gắn thêm thương hiệu phương Đông như đã nói ở trên. Từ chỗ tồn tại quốc gia Phù Nam ấy mà người Pháp đã đặt tên cho bán đảo Đông Dương là bán đảo Indochine. Indo là Ấn Độ và Chine là Trung Hoa. Đặt tên như vậy họ có ý nói ở trên bán đảo này đã tồn tại 2 thế lực chi phối cả ngàn năm lịch sử: một của Ấn Độ và một của Trung Hoa. Thế giới quên bẵng đi trong khoảng 500 năm là ở Việt Nam có nhiều đá quý chỉ còn lại lịch sử và cũng chỉ là lịch sử tồn tại trong các sách vở Ấn Độ và Trung Quốc và ngoài ra chỉ còn lại những viên đá đỏ Đông Phương trong các bảo tàng nổi tiếng của thế giới. Trong thời gian người Pháp ở nước ta từ 1883 đến 1945 không hiểu vì lý do gì mà không thấy nói đến đá quý nói chung và ruby nói riêng. Khoảng mấy chục năm gần đây các nhà địa chất Việt Nam dựa vào dân đã tìm ra hàng loạt mỏ đá quý. Nói cách khác, ngày nay, những thứ đá quý đã từng nổi tiếng là đá quý Phương Đông ở chợ trời Tamil hồi xưa ở Ấn Độ đã được tìm thấy suốt từ Bắc đến Nam của đất nước Việt Nam - không chỉ tìm thấy ở miền Nam - xứ Phù Nam của Ấn Độ Phương Đông xưa (vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên), ở miền Trung - xứ Chiêm Thành cổ xưa (vùng ngũ Quảng ngày nay: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Đức tức Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Quảng Bình) mà còn thấy ở các miền Bắc từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh đến Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Việt Bắc (Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn) và cả ở Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình). Và như vậy, đá đỏ hồng ngọc ruby ở hai huyện miền núi Nghệ An là Quỳ Hợp và Quỳ Châu và ở Lục Yên (Yên Bái) lại một lần nữa nổi tiếng thế giới và khêu gợi các nhà đầu tư thế giới và các nhà buôn bán đá quý quốc tế đến nước ta săn tìm ruby. Đánh giá về tài nguyên đá quý nói chung và đá đỏ ruby nói riêng ở Việt Nam, các nhà khoa học dự báo là có tiềm năng rất lớn. Nhiều công ty đá quý nước ngoài và nhiều nhà kinh doanh rubi quốc tế cũng đã đánh giá rằng với tiềm năng đá quý Việt Nam và mức độ nhận biết như hiện nay, nếu được đầu tư thích đáng về vốn, công nghệ cao và tiếp cận thị trường tốt thì ngành đá quý Việt Nam có thể đem lại nguồn lợi to lớn cho đất nước và tạo việc làm cho hàng loạt người lao động. Gần đây, nhiều dân chơi chứng khoán đã đổ xô đi tìm mua đá Ruby. Họ cố tìm kiếm để được sở hữu một viên ngọc Ruby hoặc những chiếc nhẫn có gắn Ruby, mong muốn có được may mắn khi đầu tư chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán, kể cả những người đã thành công lẫn thất bại, đều có chung quan niệm rằng để có được thành công thì ngoài nỗ lực bản thân, đầu óc phân tích ra còn cần phải có chút may mắn. Anh Nguyễn D., một nhà đầu tư chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cho biết: "Thực ra tôi không phải là người mê tín, song tôi thấy nhiều người đầu tư chứng khoán đều có những vật may mắn cho riêng mình, và hầu hết đó là đá Ruby, bởi theo quan niệm Ruby mang lại may mắn tránh những tai ương. Chính vì vậy tôi cũng mua một viên Ruby mang theo người để cảm thấy tự tin hơn khi quyết định đặt lệnh". Số lượng nhà đầu tư kiểu "đầu cơ" và nhận thức "chơi chứng khoán" vẫn chiếm số đông đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư tin vào may rủi và việc tìm mua cho mình một viên đá Ruby cầu may đối với nhiều người như một điểm tựa tinh thần. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các công ty kinh doanh trang sức đá quý Ruby. Cũng theo các chuyên gia đá quý, khi mua mặt hàng này, khách hàng nên đến các công ty vàng bạc đá quý có uy tín để tránh mua phải hàng rởm hoặc hàng kém chất lượng mà vẫn phải trả giá cao. Ở đây xin đề ra một số phương pháp phân biệt thật giả bằng mắt thường mà ai cũng làm được Ruby thiên nhiên thường có sọc khía nằm theo chiều ngang trên mặt đá. Ngay trên vết vỡ cũng có sọc khía thể hiện rõ nhưng mịn hơn sọc khía ở ngoài tinh thể. Các sọc khía này là dấu vết rất đặc biệt và đặc trưng cho ruby, có thể làm bí quyết để phân biệt ruby thật và giả. Màu đặc sắc nhất để chứng tỏ đó là ruby tuyệt hảo chính là màu đỏ máu bồ câu. Trên thị trường thế giới, ruby có màu đỏ đậm kiểu máu bồ câu được gọi là ruby đực (masculin ruby). Ở Việt Nam điển hình cho ruby đực có ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu (Nghệ An) còn ruby có màu đỏ kém hơn, nhạt hơn hoặc đục hơn được gọi là ruby cái (féminime ruby). Điển hình cho ruby cái là ở Lục Yên (Yên Bái). Cần chú ý rằng hầu hết ruby có màu đỏ sắc sảo thường bị tật, không bị răn đá thì bị vết bọt đen. Đây là một quy luật của thiên nhiên: có tài thì thường có tật. Đó chính là lý do tại sao đá đỏ lúc nào cũng trở thành hiếm hoi, quý báu và cực đắt. Trên thế giới cho đến nay người ta còn nhấn mạnh, muốn có 1 viên ruby 3 cara (0,6 gam) bằng đầu ngón cái đúng tiêu chuẩn quốc tế là chuyện mò kim đáy biển. Một điều thú vị và kỳ lạ là ruby có màu đỏ nhưng màu bột đá rạch (khi ta gọt hay rạch) có màu trắng chứ không còn màu đỏ nữa. Điều này các nhà buôn ruby cũng thường dùng làm bí quyết để thử ruby thật hay giả. Lại thêm một điều bí mật nhà nghề cho những ai muốn mua ruby để làm của quý trong nhà hoặc ai có máu đi đãi đá ruby đó là ruby có 6 cạnh hay 3 cạnh ánh sáng của nó bao giờ cũng gồm 2 tia: khi ta xoay viên ruby thì thấy tia phóng ra màu đỏ sậm còn 1 tia nữa màu đỏ nhạt. Đây là một phép thử nữa để tìm ruby thật hay giả và cũng là bí quyết nhà nghề để phân biệt ruby thật hay ruby nhân tạo. Và một điều nữa cần biết: những người sành sỏi còn ngâm viên ruby vào nước, lúc đó các tia khúc xạ càng thể hiện rõ nét hơn. Bài: Minh Thuý Theo Tạp chí Thời Trang Vàng Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|