top-banner-2

Thứ năm, 03/04/2014, 08:50 GMT+7

Chính phủ đề xuất 10 nhóm nội dung cần khắc phục tại Luật Nhà ở (sửa đổi)

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ năm, 03/04/2014, 08:50 GMT+7

Sáng 2/4, tại TP Đà Lạt đã diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội thẩm định dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở, lĩnh vực nhà ở đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, Luật Nhà ở hiện hành cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng đã thông qua tại Đại hội lần thứ XI, cũng như cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đã đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm khắc phục những điểm tồn tại, bất cập của Luật Nhà ở hiện hành. Theo đó, công tác phát triển nhà ở phải đảm bảo đúng quy hoạch và kế hoạch để khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung-cầu như thời gian qua.

alt

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày tóm tắt về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Cùng đó, việc đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi giúp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước (cả ở trung ương và địa phương) cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển loại hình nhà ở này; các cơ chế tài chính phục vụ cho phát triển nhà ở cũng được quy định rõ. Các chủ sở hữu được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở thông qua việc thống nhất xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch.

Đặc biệt, quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng tạo điều kiện thuận lợi trong việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ khi bị xuống cấp, hư hỏng; đồng thời, bổ sung quy định cho phép các bên tham gia giao dịch mua bán nhà ở có thể thỏa thuận để bên mua được sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định nhằm góp phần giảm giá bán nhà ở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân có thể lựa chọn hình thức sở hữu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả.

Việc hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, dài hạn với lãi suất phù hợp cho phát triển nhà ở, kể cả vốn cho đầu cung và tín dụng cho đầu cầu, thay vì trước đây nguồn vốn cho nhà ở chủ yếu từ các tổ chức tín dụng thương mại với nguồn vốn vay ngắn hạn, lãi suất cao.

Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là việc quản lý sử dụng chung cư cao tầng, chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để đáp ứng các yêu cầu về quản lý các khu nhà chung cư trong giai đoạn mới, cũng như giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc phá dỡ, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm; đồng thời hạn chế thấp nhất các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh giữa chủ sở hữu, chủ đầu tư và người dân trong quá trình mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở.

Lần đầu tiên, hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở được xây dựng đầy đủ, tin cậy và cập nhật thường xuyên làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, lập chương trình, kế hoạch và phân bổ nguồn lực hợp lý cho phát triển nhà ở, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí, dư thừa sản phẩm nhà ở; đồng thời giúp các chủ đầu tư và người dân khi tham gia thị trường nhà ở có đầy đủ thông tin để đưa ra các chiến lược kinh doanh và cung cấp sản phẩm hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Như vậy, với đề xuất 10 nhóm vấn đề cần sửa đổi nêu trên thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 Chương với 179 Điều. So với Luật Nhà ở hiện hành có 9 Chương với 153 Điều thì dự thảo Luật này tăng thêm 4 Chương và 26 Điều.

Tại phiên họp, hầu hết các ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) đều nhất trí với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm về một số vấn đề như: Quy định cụ thể về bán hay cho thuê chung cư có thời hạn; bố trí và quản lý nhà công vụ; tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội; dành đất xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất; kiểm soát việc cho người nước ngoài mua nhà.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chính phủ đề xuất 10 nhóm nội dung cần khắc phục tại Luật Nhà ở (sửa đổi)

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc