top-banner-2

Thứ ba, 07/10/2014, 16:52 GMT+7

Nỗi lòng của 'nông dân' cày phim

Viết bởi Văn Tuyết   
Thứ ba, 07/10/2014, 16:52 GMT+7

Không nhung lụa, không thơm mùi nổi tiếng và càng không là những công việc nhẹ nhàng. Chúng tôi tự gọi nhau là: "Nông dân" cày phim.

Nếu như, điện ảnh thuộc về những hào quang thảm đỏ, những ánh flash loá mắt của các buổi ra mắt hoặc không khí lễ hội của các liên hoan phim thì sự cực khổ của những ê-kip trong quá trình sản xuất phim thực sự là những công việc vô danh.

Muốn làm phim - hãy là người có sức khoẻ tốt

Điều này chắc chắn không sai bởi ngay từ ngày đầu tiên bước ra hiện trường, những công việc đầy áp lực có thể bủa vây lấy bạn từ đầu cho tới cuối ngày để đến khi gieo mình trên chiếc đệm êm ấm của khách sạn hoặc trong chính căn nhà của mình, bạn nhủ thầm cuối cùng ngày dài đã qua. Vậy nhưng, ngày dài qua nhưng ngày mới cũng đang tới.

1

Bối cảnh phim Lạc giới tại một trang trại tại miền đất đầy nắng, gió & cát

5h sáng thường là lúc mà cả đoàn làm phim gồm mấy chục con người lục đục dậy và chuẩn bị cho một ngày quay mới. Ví dụ như với đoàn phim Lạc Giới, với bối cảnh chính là một trang trại cách xa trung tâm thành phố khoảng gần 40km, nên nguyên đoàn xe với 3 xe tải thiết bị, 1 xe hậu cần và 2 xe 16 chỗ chuyên chở thành viên mất khoảng gần 1 tiếng để di chuyển từ chỗ trú chân đến địa điểm quay.

Bữa sáng xong cũng là lúc mà tất cả mọi người ổn định trên xe, có người tranh thủ chợp mắt thêm được chút nào hay chút đấy. Nguyên một cung đường hàng chục cây số như vậy, đoàn xe di chuyển phải đảm bảo nguyên tắc "xe sau nối đuôi xe trước" để tránh tình trạng các xe lạc nhau trên đường di chuyển làm ảnh hưởng đến tiến độ quay phim.

6

Đạo diễn Phi Tiến Sơn chỉ đạo bối cảnh & diễn xuất

Khi đến hiện trường, nếu với những bối cảnh đã được chuẩn bị kĩ càng trước đó thì phần việc nặng nề nhất thuộc về tổ ánh sáng với khoảng 12 con người chạy khắp nơi trong bối cảnh để đặt đèn, đi dây điện và chạy máy nổ. Đó là chưa kể đến chuyện phải điều chỉnh ánh sáng chi tiết từng li từng tí theo yêu cầu của DOP và đạo diễn. Trong lúc đó, các bộ phận khác như hoá trang cũng bắt đầu "làm mặt" cho diễn viên, phục trang cùng thư kí bắt đầu xem cảnh quay của ngày và chuẩn bị trang phục để không sai với racord.

7

Nghệ sỹ Trung Dân

Bộ phận hậu cần thì chạy khắp nơi trong trường quay để lo về phần ăn - ngủ - nghỉ của đoàn. Những người của bộ phận hoạ sĩ thì xem lại bối cảnh, bổ sung hoặc sửa chữa theo yêu cầu của đạo diễn và tổ sản xuất. Tất nhiên, để có được bối cảnh suôn sẻ thì trước đó bộ phận sản xuất đã phải kết hợp cùng với hoạ sĩ đi tìm, chọn và liên hệ địa phương để lo các thủ tục giấy tờ sao cho đoàn phim có thể quay được ở đó.

4

Diễn viên Trung Dũng

Tuy nhiên, nếu quay ở trong rừng, đồi núi, thác nước thì thực sự là cơn ác mộng của những người trong đoàn phim. Bạn có thể tượng tượng được cảnh 6 con người hì hục khiêng một chiếc máy bơm nước chạy dầu diesel một quãng đường 200 mét mấy cả tiếng đồng hồ với đầy hiểm nguy rình rập bởi 200 mét đó là một bãi đá dẫn đến một thác nước. Đường gập ghềnh trơn trượt, 6 con người đó phải tự hô hào nhau khiêng máy lên hạ máy xuống nhích đi từng centimet một đầy cẩn trọng bởi chỉ cần sơ sẩy để chiếc máy hạ nhầm chân 1 ai đó thì coi như bạn xác định phần đời còn lại sống trong thương tật.

3

Diễn viên Mai Thu Huyền

Đó là thực tế đã diễn ra tại phim trường của đoàn phim Lạc giới khi quay cảnh hai nam diễn viên tắm cho nhau trong một hồ bơi thiên nhiên lọt thỏm giữa một bãi đá, bên cạnh là thác nước. Máy bơm để hút nước trong hố ra, sau đó nhóm hoạ sĩ sẽ nạo vét, làm sạch hố nước rồi lại tiếp tục đi lấy vòi cao su để bơm nước sạch từ thác nước gần đó để đảm bảo yêu cầu của đạo diễn là "nước phải sạch và xanh".

2

Chị Trần Thị Minh Huyền - Chủ nhiệm đoàn phim Lạc giới

Vậy nên mới có câu chuyện một người phụ nữ ngoài 50 tuổi nghĩ rằng công việc ở đoàn làm phim là nhẹ nhàng nên xin vào tổ hậu cần làm và được 1 tuần thì xin nghỉ bởi: Chị cứ nghĩ làm phim là nhẹ nhàng chứ nào ai ngờ vất vả thế! Chị ý rơm rớm nước mắt nói với tôi rằng việc đi nhặt rác ở trường quay, dọn nhà vệ sinh, nấu cơm, mang nước - che ô cho các thành viên tổ đạo diễn - diễn viên là công việc chị chưa từng và không nghĩ mình phải làm. Mặc dù trước đó tôi đã cảnh báo chị nhưng chị vẫn dứt khoát đòi đi vì lí do "chị làm được hết, ở nhà hoài cũng chán!" - Trần Thị Minh Huyền - Chủ nhiệm đoàn phim Lạc giới chia sẻ về một trường hợp "ngộ nhận" như vậy.

5

Đoàn làm phim Lạc giới

Hãy là người có thần kinh thép

Hương Ga cũng là một bộ phim mà quá trình quay trải dài khắp đất nước với những đại cảnh hoành tráng và đẹp đẽ. Vậy nhưng, để có được vài giây trên màn bạc đó là cả một quá trình chuẩn bị rốt ráo và cực nhọc. Nó ví dụ như để có được khoảng 1 phút hai băng đảng đánh nhau trong 1 nhà kho thì đoàn làm phim phải mất gần 2 ngày để chuẩn bị. Nào xăng, nào lửa, nào ô-tô để đập phá, nào cascadeur để đánh võ, nào gậy, nào súng, v.v...

Thậm chí, theo lời Trương Ngọc Ánh - với trò giám đốc sản xuất của Hương Ga thì: Bộ phim yêu cầu quá nhiều cascadeur đến nỗi toàn bộ cascadeur của thành phố gần như chúng tôi đã dùng hết. Kinh phí sản xuất của bộ phim cũng bị dội lơn bởi những cảnh hoành tráng như vậy nhưng khi đã ra đến hiện trường rồi có những việc cần quyết ngay chứ không thể để ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án mười mấy tỉ thì số tiền thiệt hại còn lớn hơn".

truong-ngoc-anh-bi-truy-na-vi-giet-nguoi-cuop-cua-2

Trương Ngọc Ánh trong 'Hương Ga'

Chưa hết, một bối cảnh của đoàn Hương Ga được quay tại một showroom của một hãng xe danh tiếng bên quân 4 thực sự là một nỗi "khiếp sợ" đối với đoàn phim. Khiếp sợ là bởi trong showroom đó toàn những chiếc siêu xe, xe sang đắt tiền đến cả tỉ đồng một chiếc. Trong một showroom rộng đến cả nghìn mét thì có đến hàng chục chiếc như vậy trong khi đó đoàn phim cũng đông đến cả hàng chục con người nên việc bảo quản tài sản của hiện trường là một trách nhiệm nặng nề cho những người làm công tác sản xuất. Phương án đưa ra là thuê thêm bảo vệ bởi thời gian quay diễn ra từ 10h đếm đến 3h sáng. Thắt chặt an ninh trong và ngoài, mỗi thành viên đi ra đi vào đều phải kiểm tra người và tất nhiên người lạ không được xuất hiện. Cuối cùng như lời của Thu Hiền - nhân viên sản xuất thì: "Ơn giời không xảy ra mất mát, hư hại gì tới tài sản của doanh nghiệp đó!".

Bối cảnh của 'Hương ga' diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau

Còn nhiều và rất nhiều những cực khổ nữa của quá trình sản xuất phim mà trong nhỏ hẹp của một bài báo e rằng sẽ chẳng bao giờ là đủ. Thế nhưng, những chia sẻ trên đây chỉ là một góc nhìn của một người trong cuộc với những kinh nghiệm đã theo một số đoàn làm phim để cung cấp đến với bạn đọc những thông tin khách quan nhất về sự cực khổ khi làm ra một sản phẩm điện ảnh. Tác phẩm có thể hay có thể dở, có thể được đón nhận có thể không nhưng công sức của những người trong đoàn làm phim đã bỏ ra là thật và họ đáng được trân trọng nhiều hơn mức họ đang được nhận.

Văn Tuyết (Vanhoadoanhnhan.vn) - Nguồn: Trường Sơn Media


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nỗi lòng của 'nông dân' cày phim

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc