Nguyễn Leo Long và giấc mơ xây dựng thương hiệu cho tỏi Việt |
Viết bởi Kim Cúc |
Thứ sáu, 03/04/2015, 09:47 GMT+7 |
Mười bảy năm nếm trải đủ đầy ngọt bùi lẫn cay đắng của thương trường nhưng ông vẫn âm thầm theo đuổi những công việc yêu thích với triết lý: Làm chậm, sống chậm. Với ông, kinh doanh phải tâm huyết và phải vui. Từng là một cậu bé đánh giày, bán báo lang thang khắp Sài Gòn, hơn 20 năm lưu lạc trên đất Mỹ, tự học và mưu sinh, trở thành chuyên viên nghiên cứu môi trường cho một tổ chức khoa học ở Mỹ, sau đó theo học ngành y rồi chuyển sang nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực môi trường. Năm 1998, ông Nguyễn Leo Long trở về Việt Nam nghiên cứu chất lượng nước và bước vào nghiệp kinh doanh. Ông Long kể: "Khi về nước, tôi quyết định mở công ty kinh doanh nước uống tinh khiết theo công nghệ cao của Mỹ bởi hai lý do: Người dân Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bệnh tật vì nguồn nước bị nhiễm bẩn, trong khi đó, giá bán nước tinh khiết trên thị trường lại bị đẩy lên quá cao, trung bình khoảng 18.000 - 22.000 đồng/bình 20 lít, vì vậy, tôi muốn trả nước về giá trị thực của nó với giá bán M Kitech (thương hiệu do tôi làm ra) chỉ 8.000 đồng/bình 20 lít. Để khẳng định công nghệ đạt chuẩn chất lượng cao, tôi đã đưa ra mô hình kinh doanh mở, toàn bộ hệ thống sản xuất của M Kitech đều được trưng bày trong nhà kính để mọi người tận mắt nhìn thấy quy trình, công nghệ. Ngoài ra, để cung cấp nước sạch miễn phí cho bà con ở một số vùng sâu, vùng xa, tôi đã đến xin các nhà thờ cho đặt máy lọc nước. Đến thời điểm này đã có gần 400 nhà thờ được tôi lắp đặt hệ thống lọc nước, kế hoạch trong hai năm tới sẽ đạt 1.000 cái". Tâm huyết với nước tinh khiết nhưng tại sao ông lại chuyển giao M Kitech? Với giá bán rẻ, chất lượng nước tốt, M Kitech đã có lượng khách hàng lớn nên tôi mở rất nhiều điểm kinh doanh. Khi hệ thống mỗi ngày một trải rộng, việc kiểm soát, quản lý dần vượt quá khả năng, tôi mới nhận ra sai lầm. Bài học rút ra là khi đội ngũ chưa chuẩn, hệ thống chưa bài bản thì không nên mở rộng chuỗi vì sẽ khó đảm bảo chất lượng đồng nhất. Mỗi ngày phải nghe khách hàng phàn nàn về thái độ phục vụ của đội ngũ giao hàng, nhân viên trong xưởng làm việc thiếu kỷ luật, không tuân thủ nội quy, giờ giấc, một bộ phận khác thì cấu kết lấy trộm nước của Công ty bán lấy tiền bỏ túi, cộng với nhiều yếu tố khách quan như khách hàng có những lời lẽ khiếm nhã khi nhân viên giao hàng chậm trễ, thị trường nước tinh khiết lại bùng nổ và cạnh tranh khốc liệt, khiến tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và mất hết hứng thú. Trong một đêm quá căng thẳng, tôi quyết định nhượng quyền toàn bộ M Kitech. Chuyển sang sản xuất tỏi đen vốn không phải sở trường và chưa dự báo được sức tiêu thụ của thị trường, tại sao ông lại dám mạo hiểm bỏ hết vốn vào dự án này? Kinh doanh phải liều, nhưng "cái liều" của tôi có hướng mở và niềm tin. Bởi tỏi đen tuy còn rất mới tại Việt Nam và chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều nhưng sản phẩm này đã được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản từ năm 2005. Năm 2011, tỏi đen được tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc, ước tính mang lại khoảng 94 triệu USD/năm và được dự báo sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới cũng như sẽ du nhập vào Việt Nam. Qua tìm hiểu, thấy tỏi đen có rất nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, trong đó polyphenol và S-allyl cysteine được sản sinh ra trong quá trình lên men tỏi đen với hàm lượng gấp từ 5 - 10 lần so với tỏi tươi. Người Nhật đã phát minh ra công nghệ lên men này giúp tỏi đen có công dụng làm giảm cholesterol xấu, hỗ trợ các trường hợp xơ cứng động mạch, bảo vệ tim mạch... trong khi tại Việt Nam cũng có nhiều vùng trồng tỏi tép, đặc biệt là tỏi cô đơn như Lý Sơn, Phan Rang.... nhưng mới chỉ được sử dụng chủ yếu làm gia vị. Song, giá trị hơn nữa là từ một củ tỏi chỉ dùng làm gia vị, giá trị không cao nhưng khi áp dụng công nghệ lên men, trở thành tỏi đen và rượu tỏi thì giá trị của nó đã được nâng lên gấp nhiều lần. Đơn cử ở Mỹ, giá bán rượu tỏi là 220 USD/lít, ở Nhật còn đắt hơn. Riêng tỏi đen ở Nhật bán với giá 4 USD/củ, ở Mỹ, Cannada là 2,2USD, Trung Quốc 1,7USD, còn Việt Nam chưa tới 10.000 đồng. Vì vậy, tôi đã... liều đem hết vốn liếng ra đầu tư. Vậy ông có tính đến rủi ro, giả sử vài năm nữa, thị trường đầu ra vẫn khó hoặc nay mai sẽ có nhiều sản phẩm cạnh tranh? Về công nghệ thì tôi không ngại, vì thương hiệu tỏi đen Leos đang được sản xuất theo công nghệ do Nhật chuyển giao. Song, điều quyết định chất lượng, sự khác biệt của sản phẩm còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ thuật, nguyên liệu và cả... sự tìm tòi riêng của người sản xuất, gọi nôm na là bí quyết. Dù hiện nay sản phẩm còn mới và sản lượng tiêu thụ mới đạt nửa công suất, nhưng tôi tin đầu ra sẽ tốt lên trong nay mai vì "hữu xạ tự nhiên hương". Nguyên liệu tốt, công dụng thật, sản phẩm làm ra bằng công nghệ tiên tiến, có cả tấm lòng, sự tâm huyết của người làm thì chắc chắn sẽ tốt và không phụ lòng người tin dùng. Trong kinh doanh, người đi đầu bao giờ cũng gặp thất bại, vấp ngã, nhưng khi thành công sẽ có nhiều ưu thế và đi xa hơn những người đến sau. Đến thời điểm này, tại Việt Nam có rất ít nơi sản xuất tỏi đen, chỉ khoảng 4, 5 công ty nhưng chủ yếu là nhập về đóng gói và đa số là tỏi tép chứ không phải tỏi cô đơn. Bằng cách nào ông tiếp cận được công nghệ làm tỏi đen của Nhật? Năm 2005, một khách hàng Nhật Bản đến đề nghị tôi cung cấp cho họ nguồn nước đã được lọc sạch, tuyệt đối không còn vi khuẩn. Lúc đó tôi thắc mắc không biết họ dùng nguồn nước tinh khiết để làm gì. Qua tìm hiểu, phát hiện họ đã âm thầm mua tỏi của Việt Nam từ lâu, dùng nguồn nước sạch để lên men thành tỏi đen rồi bán về Nhật với giá cao gấp chục lần. Và đối tác này đang chuẩn bị kế hoạch xây nhà xưởng, lắp máy lọc nước, áp dụng công nghệ làm tỏi đen ở Phan Rang để xuất khẩu sang Nhật. Lần đầu tiên nhìn thấy củ tỏi lên men, ăn thử thấy vị lạ, tôi rất thích và đề nghị họ cho hùn vốn hoặc chuyển giao công nghệ nhưng họ không chịu. Tích cực thuyết phục và có lẽ thấy tôi nhiệt tâm nên sau một thời gian, vị khách Nhật điện thoại cho biết hoãn kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tỏi đen tại Việt Nam và đồng ý chuyển giao công nghệ cho tôi, kèm theo điều kiện phải cung cấp sản phẩm cho họ trong vòng ba năm. Lúc đầu bắt tay vào làm, háo hức lắm nhưng hai năm chật vật làm mãi không thành, nhìn tỏi mua về gần bạc tỷ phải đổ bỏ liên tục, chưa kể mỗi lần trục trặc phải đợi sau hai tháng mới làm lại được, phần xót ruột, phần đuối quá, tôi tính bỏ cuộc. Cuối cùng, đối tác phải bay sang Việt Nam tìm hiểu và mấu chốt là do khí hậu Việt Nam quá nóng, khi để quạt máy cho mát thì nhiệt độ bên trong không đủ, dẫn đến tỏi không lên men được. Khi sản phẩm ra đời, tôi lại gặp khó vì ít người biết tỏi đen là gì, công dụng ra sao, nhiều người biết thì không phân biệt được sự khác nhau giữa tỏi tép và tỏi cô đơn nên họ thắc mắc tại sao giá tỏi Leos cao hơn. Lý do là thời gian lên men tỏi tép nhanh hơn tỏi cô đơn, giá tỏi tép nguyên liệu cũng rẻ hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều người còn tung tin tỏi đen mua từ Trung Quốc, không an toàn. Nghe nói có khách hàng đề nghị sẽ mua mỗi năm 5 tấn tỏi đen, trị giá trên 10 tỷ đồng và đặt cọc trước vài trăm ngàn USD nhưng ông từ chối, trong khi hiện mới chỉ đạt phân nửa công suất? Do khách hàng yêu cầu tôi bỏ thương hiệu Leos và làm bao bì, in nhãn hiệu của họ vì sản phẩm của Việt Nam chưa phổ biến trên thế giới và cũng khó bán ở Nhật. Nhưng mục đích của tôi khi làm tỏi đen là xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam chứ không phải bán sản phẩm thô. Tâm nguyện của tôi là giữ thương hiệu Việt, chúng ta có nguyên liệu, có công nghệ hiện đại đáp ứng được tất cả các tiêu chí khắt khe của Mỹ, Nhật, không có lý do gì chỉ bán hàng thô cho họ. Việc từ chối thay đổi thương hiệu Việt trên bao bì đã khiến khách Nhật không vừa ý nên họ chỉ lấy hàng với số lượng vừa đủ, nhưng may mắn, chỉ trong năm đầu tiên kinh doanh tôi đã bán được 3 tấn tỏi đen thành phẩm với thương hiệu Leos. Trong số này, 70% được xuất khẩu sang Mỹ và Canada, và đã đạt tất cả những tiêu chuẩn khắt khe của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Thương hiệu tỏi đen "made in Vietnam" còn rất mới, quy mô và công suất sản xuất cũng chưa lớn, làm thế nào ông đưa được tỏi Leos vào phân phối trong các siêu thị lớn tại Mỹ và Canada? Người Mỹ, Canada biết đến công dụng của tỏi đối với sức khỏe từ rất lâu rồi và họ đang phải nhập tỏi đen từ Singapore, Nhật và Hàn Quốc, chính vì vậy, tỏi đen được hai thị trường này mở rộng cửa đón nhận. Tuy nhiên, lần đầu giới thiệu tỏi đen do Việt Nam sản xuất, họ không tin. Tôi nói: "Tỏi ở Việt Nam rất dồi dào, giá lại rẻ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn mua tỏi của Việt Nam xuất sang Mỹ”. Để chứng minh chất lượng tỏi đen của Việt Nam tương đương tỏi của Singapore, Hàn Quốc, Nhật nhưng có ưu thế là giá rẻ hơn, tôi cam kết chịu phí kiểm nghiệm của FDA. Nếu qua kiểm nghiệm không phân biệt được tỏi của Việt Nam hay của nước khác thì phải công nhận sản phẩm của Việt Nam. Kết quả, tỏi Việt Nam có hàm lượng kháng sinh rất cao, chỉ thua giống tỏi Maori của Nhật. Cũng nhờ được FDA kiểm nghiệm nên người dân Mỹ tin tưởng và tỏi Leos bán nhiều nhất ở Mỹ và Canada. Có siêu thị ở Mỹ đặt hàng với số lượng lớn nhưng tôi chưa ký hợp đồng vì hiện nay công suất chưa thể đáp ứng đủ. Được biết, tỏi cô đơn nguyên liệu rất khó mua, thậm chí vào mùa cao điểm Tết thường diễn ra cảnh thương lái giành nhau mua tỏi. Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường tỏi đen khá lớn, tại sao ông không đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu? Nguồn nguyên liệu chính của chúng tôi là tỏi của Lý Sơn, nhưng hiện nay nông dân bán cho tôi rất ít, còn lại đầu nậu thu gom. Do đầu nậu là mối làm ăn lâu năm với nông dân nên tôi không thể khuyến khích họ trồng hoặc bán tỏi trực tiếp cho mình. Khi ra Quảng Ngãi, tôi cũng nói nông dân trồng tỏi cô đơn nhưng họ cho biết, một năm trồng hai vụ tỏi tép, còn tỏi cô đơn một năm chỉ một vụ nên không hiệu quả. Hơn nữa, họ không có kho dự trữ nên trồng nhiều không có nơi lưu giữ. Hiện nay, tính tổng sản lượng tỏi cô đơn của Việt Nam không quá 10 tấn. Song, cái khó nhất khiến tôi không dám đầu tư vùng nguyên liệu là cơ chế và chính sách chưa thật sự nhất quán từ cấp quản lý vĩ mô. Ngoài ra, nạn trộm cắp, phá hoại vẫn hoành hành, vụ ăn cắp nghêu là một ví dụ khiến nhà đầu tư chưa thật sự an tâm khi bỏ vốn vào các dự án sản xuất nông nghiệp. Ấp ủ xây dựng thương hiệu cho tỏi Việt, ông trăn trở điều gì để có thể biến ước mơ thành hiện thực? Như đã nói, trong tỏi có 285 dược liệu quý để bổ sung hệ miễn dịch. Khi đọc tài liệu này, tôi thấy người Việt Nam sống trên đống thuốc thiên nhiên mà chưa biết nhiều. Hơn nữa, việc xuất khẩu tỏi đen cũng mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ. Vì vậy, tôi rất mong Nhà nước quan tâm vì doanh nghiệp dù có tâm, muốn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nhưng Nhà nước không ủng hộ thì không làm được. Chẳng hạn, nếu Nhà nước có chính sách chuyên canh các vùng trồng tỏi cô đơn, giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều. Ông tìm thấy niềm vui gì trong công việc hiện nay và theo ông, giá trị lớn nhất của doanh nhân là gì? Niềm vui của tôi là đã làm ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe với giá rẻ, đặc biệt khi thương hiệu tỏi Leos "made in Vietnam" được tin dùng, có nghĩa là tôi đã góp phần tạo thêm giá trị cũng như uy tín cho thương hiệu Việt. Hiện nay, những sản phẩm làm ra bị bể vỏ, mẫu mã không đẹp, tôi dùng tài trợ cho trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa để tăng sức đề kháng, bổ sung vào phần ăn trong nhà trường để ngăn ngừa cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi. Mỗi tháng, tôi gửi cả trăm ký tỏi đen cho Trung tâm nuôi trẻ mồ côi Mai Tâm. Đối với doanh nhân, giá trị lớn nhất là sự trung thực. Thế nhưng, đáng buồn là vẫn còn có những "con sâu làm rầu nồi canh" nên nhiều doanh nhân Việt Nam không thể hợp tác cùng nhau phát triển. Hiện nay, nhiều người vẫn căn cứ vào tài sản, thương hiệu làm thước đo giá trị của doanh nhân, còn giá trị về sự trung thực thì không ai đề cao. Ông từng chia sẻ "Được trở về nơi mình sinh ra, tôi mong tìm được nhiều giá trị văn hóa tinh thần", vậy giá trị đó là gì, thưa ông? Tôi có một tuổi thơ không đẹp, 4, 5 tuổi đã phải đi đánh giày, bán báo, giành giật miếng ăn trên hè phố nên mọi cảm xúc bị chai lỳ. Lần đầu tiên vào một đêm 30 Tết, khi mọi người sum họp bên gia đình, tôi và đám trẻ vô gia cư vẫn lang thang nơi góc phố. Lúc đó tôi bật khóc, lần đầu tiên biết thèm không khí gia đình, thèm được sà vào lòng ôm hôn mẹ... Vì vậy, khi trở về Việt Nam, điều tôi muốn là con tôi phải rành tiếng Việt, biết văn hóa Việt, sáng sớm đi học biết ôm hôn, đi học về biết khoanh tay chào cha mẹ, biết lễ nghĩa, thưa gửi..., bây giờ nhiều người Việt Nam đánh mất những giá trị văn hóa như vậy, tôi rất tiếc. Có bao giờ ông kể cho con trai về tuổi thơ của mình không? Tuy tuổi thơ của tôi không đẹp và chẳng hay ho gì nhưng không bao giờ tôi giấu con những ngày tháng ấy. Năm nào cũng vậy, tối 30 Tết, tôi dẫn con đi một vòng hồ Con rùa phát bao lì xì cho trẻ em lang thang. Khi bỏ tiền vào bao lì xì, con tôi đã "lén" để vào đó một lá thư với lời nhắn gửi: "Chào bạn, ba tôi đã có 10 năm làm kẻ vô gia cư, bây giờ là giám đốc. Xin bạn hãy vững tin!". Tình cờ đọc được dòng chữ này, tôi rất cảm động, điều mừng nhất là qua câu chuyện của tôi, con tôi đã cảm nhận, trưởng thành, biết chia sẻ và sống tốt. Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|