"Người làm thép" và chuyện "kinh doanh là một lời nguyền cay đắng" |
Viết bởi Kim Cúc |
Thứ ba, 20/05/2014, 15:58 GMT+7 |
Ông chủ Thép Việt đã đúc kết những lời khuyên trong kinh doanh ngành công nghiệp nặng: "Người làm thép phải điềm tĩnh, hiểu “sự đồng hành có ý thức” của những người phải chịu trách nhiệm với khoản đầu tư rất lớn và không chiến đấu với nhau trong ngành theo kiểu một mất một còn & cần cù, lầm lũi làm việc như một chiến binh đích thực. Và sau cùng, phải giữ vững niềm tin vào những gì mình đang làm thì mới chân cứng đá mềm trên đường dài được…" Định hình và đứng vững tại thị trường thép ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Myanmar, Lào và Campuchia trước khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, nhưng với ông Đỗ Duy Thái, chủ tịch công ty Thép Việt, câu chuyện thành công trong kinh doanh của mình lại không dành tặng cho con cháu… DN Đỗ Duy Thái - Chủ tịch công ty Thép Việt Thưa ông, vì sao các quốc gia như Indonesia, Philippines… lại đồng ý mua thép của mình, trong khi tự thân họ cũng vẫn sản xuất được? Đó là một câu chuyện dài. Từ năm 1992, tôi bắt đầu đi tìm hiểu ngành công nghiệp thép ở các quốc gia lân cận thông qua sự giới thiệu của các nhà cung cấp thiết bị của Đức. Lúc đó, trình độ phát triển của họ cao hơn mình, nhà máy của họ hiện đại hơn mình nhiều. Cho đến khi xây dựng được nhà máy Pomina 1, theo đuổi định hướng trở thành nhà máy thép hiện đại nhất khu vực thì chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc có thể xuất khẩu sản phẩm sang các nước. Đó là lợi thế của người đi sau, biết tận dụng tối đa những lợi ích của cuộc cách mạng điện toán mang lại. Vì vậy, đi sau, Thép Việt có những công nghệ hiện đại nhất mà các nước lân cận không theo kịp. Nhưng thực tế, mình bán được là do mình chấp nhận biên lợi nhuận thấp nhất để tìm hướng ra trong tình hình kinh tế khó khăn… Vừa rồi, Indonesia đã bắt đầu giương những rào cản phi thuế quan như kéo dài thủ tục hành chính, đặt thêm các yêu cầu chất lượng, kiểm định khác nhau để hạn chế đà tăng trưởng của thép nhập. Ông nghĩ gì về việc này? Tôi thấy hết sức bình thường. Mình tham gia một cuộc chơi thì phải dự báo được trước các luật lệ, sự thay đổi cũng như sự phòng thủ của đối thủ cạnh tranh. Người làm thép có được một tính tốt là luôn phải nhìn xa và suy nghĩ sâu. Vì đầu tư nhà máy thép là một quyết định rất nhiều tiền, và thời gian thu hồi vốn tính bằng thập kỷ, nên chúng tôi không được phép ăn xổi ở thì. Chúng tôi đã phải chuẩn bị cho tất cả những kịch bản thị trường, những thay đổi của thời cuộc và bình tĩnh ứng phó… Ông có phải là người có “tinh thần thép” không ạ? Rất tiếc là không. Tôi là con người, nên cũng có nhiều lúc yếu đuối lắm… Ví dụ như lúc nào, thưa ông? Vì ông từng bảo là mình đi qua nhiều khó khăn của thời khởi nghiệp, đã phải chống chọi với bão cấp 10, cấp 11, thì những thay đổi gần đây chỉ như bão cấp 5, cấp 6 thôi mà…? Cho phép tôi giữ phần cá nhân của mình lại trong một góc khuất trước công chúng nhé. Thép Việt là công sức, sự dấn thân của cả một tập thể chứ đâu phải mình tôi… Vậy bây giờ điều gì làm ông hạnh phúc nhất? Mỗi ngày tôi có khoảng 30 phút để chơi với cháu ngoại, đây là lúc mà tôi thấy mọi muộn phiền tan biến hết. Cháu tôi đang tập nói, và tiếng ê a “ông ngoại ơi”, đối với tôi là âm thanh tuyệt diệu nhất trên cuộc đời này, tôi cứ muốn nghe mãi, nghe mãi… Những lúc cháu đi vắng, tôi thấy mình nhớ đến chết mất… Chúng ta nói một chút về chị Đỗ Duy Hiếu, con gái ông. Liệu rằng thế hệ thứ hai của Thép Việt đã sẵn sàng tiếp nhận gia sản này để ông về hưu chưa? Nói thật lòng, tôi không muốn con gái mình phải gánh lấy sự nghiệp này. Làm kinh doanh, giống như phải nhận lấy một lời nguyền cay đắng. Phải chiến đấu, phải cày bừa, phải làm việc không quản thời gian… Tôi đọc báo, thấy con cái của những nhà công nghiệp lớn trên thế giới phải nhảy lầu tự tử vì áp lực, phải bỏ nhà đi vì mệt mỏi… Tôi mong con gái mình sống một cuộc sống bình an hơn. Công việc hiện nay của Hiếu, là để chuẩn bị kinh nghiệm cho việc đi làm cô giáo dạy học thôi… Gọi kinh doanh là một lời nguyền cay đắng, sao ông vẫn mải miết theo đuổi? Cái này chắc là nghiệp dĩ. Tôi làm mọi việc như một cách tự nhiên chứ không có lựa chọn gì cả. Niềm đam mê cứ tự nó dấy lên. Chẳng hạn, tôi ám ảnh về những thông số tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng của những nhà máy thép hàng đầu thế giới. Cả trong giấc mơ cũng nhìn thấy những con số này. Cho đến khi tất cả anh em gắng sức, giải được bài toán này thì tôi vui đến không ngủ được… Mình đam mê, mình ham thích và mình hạnh phúc với công việc kinh doanh của mình, kể cả những lúc khó khăn nhất, vẫn tự ủi an mình để bước tiếp trên hành trình mình đã định ra. Nhưng con gái tôi không phải là tôi, và nên tự có những quyết định riêng của mình, sống cuộc sống của mình… Có vẻ gia đình ông là một gia đình hết sức dân chủ… Cũng không hẳn. Chẳng hạn, tôi có một người cháu học rất siêu, ở trường UCLA hẳn hoi. Tôi rất muốn cậu này về hỗ trợ công ty. Nhưng cháu tôi lại quyết định mở một công ty kinh doanh hoa tươi. Và khi tôi xem “tác phẩm” của cháu, thực hiện một hợp đồng trang trí hoa cho một tiệc cưới lên đến tiền tỉ đồng, hay khi thấy cháu tôi mang hoa trang trí cho một buổi tiệc của gia đình, thì tôi hiểu rằng cháu mình đã có lựa chọn đúng cho cuộc đời của nó. Và tôi đã đến bắt tay anh này để chúc mừng. Như vậy tức là sẽ có những người ngoài phù hợp hơn đến gánh vác công chuyện của Thép Việt – Thép Pomina mà không nhất thiết phải là người trong gia đình. Ông hình dung người có thể làm ngành thép phải có những tố chất nào ạ? Làm trong ngành công nghiệp nặng nó khác lắm với những ngành kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh. Do đó, chuyện đầu tiên cần phải có là mức độ điềm tĩnh và không được hiếu chiến. Mọi người trong ngành thép phải hiểu “sự đồng hành có ý thức” của những người phải chịu trách nhiệm với khoản đầu tư rất lớn và không chiến đấu với nhau trong ngành theo kiểu một mất một còn. Ngoài ra, thì còn phải là một người cần cù, lầm lũi làm việc như một chiến binh đích thực. Và sau cùng, người làm thép phải giữ vững niềm tin vào những gì mình đang làm thì mới chân cứng đá mềm trên đường dài được… Vậy ông lấy đâu ra được nhiều niềm tin đến vậy cho con đường đã đi qua? Tôi là người suy nghĩ lạc quan và luôn có niềm tin vào lẽ phải, vào cái đúng. Có nhiều việc tôi thấy nếu nương theo cái sai để làm thì sẽ có lợi trước mắt nhưng về lâu dài, tôi tin rằng mọi thứ sẽ phải vận động và thay đổi cho cái đúng nó xuất hiện. Ngoài ra, tôi cũng có một niềm tin vào tôn giáo, bởi đây là một điểm tựa cho những lúc mình kiệt sức và bất an, cần tìm về với con người của chính mình trong vòng xoáy mạnh mẽ của thế cuộc. Cám ơn ông và chúc ông giữ vững niềm tin của mình. Thanh Thu (vanhoadoanhnhan.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|